Là một giáo viên, thạc sĩ môn hóa học của Trường THPT Nam Sách nhưng ông Phạm Minh Kha đã lợi dụng quyền tự do tố cáo của công dân liên quan đến các sai phạm để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Viết đơn tố cáo nhằm gây sức ép với người bị tố cáo
Ngày 20/12, lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Cơ quan Công an tỉnh Hải Dương vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Minh Kha, sinh năm 1975, trú tại khu Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, Hải Dương) về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bị can Phạm Minh Kha. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp |
Trước đó, chính quyền huyện Nam Sách liên tiếp nhận được những lá đơn tố cáo, sau một thời gian ngắn lại bị rút về. Nội dung các đơn tố cáo thường nhằm vào những sai phạm về đất đai và xây dựng. Người bị tố cáo phần lớn có quan hệ xã hội rộng, có điều kiện về kinh tế…
Theo thông tin do quần chúng cung cấp thì người bị tố cáo trong các lá đơn thường phải nộp một khoản tiền không nhỏ cho người viết và gửi đơn nhằm tránh bị ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và quyền lợi của bản thân.
Trước dấu hiệu bất thường trên, cơ quan công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc nắm bắt tình hình.
Quá trình nắm bắt thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện Phạm Minh Kha, thạc sỹ, giáo viên bộ môn hóa học tại Trường trung học phổ thông Nam Sách chính là đối tượng có biểu hiện hoạt động cưỡng đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng trái phép...
Theo đó, lợi dụng quyền tự do tố cáo sai phạm, Phạm Minh Kha thường đến địa bàn các xã quay phim, chụp ảnh trụ sở các tổ chức, nhà và công trình xây dựng của người dân. Sau đó, Kha nghiên cứu để xác định sai phạm rồi làm đơn đến UBND huyện Nam Sách tố cáo các cơ quan chức năng buông lỏng, sai phạm trong công tác quản lý; tố cáo các hộ dân lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà ở, công trình trái phép.
Tuy đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Phạm Minh Kha viết có đề nghị giấu tên người tố cáo nhưng vì Kha viết đơn tố cáo nhiều người, hành vi diễn ra trong thời gian dài nên nếu ai bị tố cáo về đất đai, xây dựng đều cho rằng Kha là người viết.
Người bị tố cáo sợ ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân, gia đình nên chủ động liên hệ gặp Kha để hỏi nội dung, đề nghị Kha rút đơn tố cáo. Khi đó, Kha yêu cầu người bị tố cáo phải đưa tiền cho anh ta thì Kha mới rút đơn tố cáo.
Vì nhiều lý do như sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tài sản nên nhiều tổ chức và cá nhân đã chấp nhận đưa tiền để Kha rút đơn.
Ngược lại, các tổ chức, cá nhân nào không gặp gỡ, thương lượng thì Kha sẽ tố cáo đến cùng. Đây là đối tượng khiếu kiện nhiều năm đối với nhiều tổ chức, cá nhân. Là đối tượng có trình độ học vấn, hiểu luật, hoạt động tinh vi, ít để lộ những sai phạm, luôn cảnh giác, che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản của mình nên công tác phá án được tính toán cẩn trọng.
Đối tượng bị bắt quả tang khi đang nhận tiền
Đầu tháng 10/2021, Phạm Minh Kha quay phim, chụp ảnh khu vực nhà ở, ao cá của gia đình chị A ở Hải Dương, một người làm kinh doanh bê tông thành phẩm. Trong đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, đối tượng tố cáo gia đình chị A sai phạm trong việc đào ao, xây kè vi phạm hành lang bảo vệ để điều. Khi gia đình chị A tìm hiểu, biết người tố cáo là Kha đã chủ động gặp gỡ, yêu cầu Kha rút đơn.
Qua điện thoại và tin nhắn Zalo, Kha yêu cầu chị A phải đưa cho anh ta 170 triệu đồng thì mới rút đơn. Dù không biết việc xây dựng nhà, xây bờ ao sát chân đê có sai phạm hay không nhưng do lo sợ nếu phải dỡ bỏ thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của gia đình nên chị A đã đồng ý đưa tiền cho Kha. Hai bên thoả thuận số tiền là 120 triệu đồng…
Nắm bắt được thông tin trên, đến 18h ngày 14/11, khi Kha gặp chị A tại quán cà phê ở thị trấn Nam Sách nhận 120 triệu đồng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành bắt giữ. Vật chứng thu giữ gồm 120 triệu đồng, điện thoại có tin nhắn Zalo giữa Kha và chị A… Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Kha, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương thu giữ 2 cây máy tính, 1 màn hình, 1 máy in, 1 tập tài liệu gồm các đơn tố cáo, giấy tờ liên quan…
Hình ảnh ông Kha đang nhận tiền tố cáo bị Công an bắt quả tang. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp. |
Tại cơ quan Công an, Phạm Minh Kha còn khai nhận thêm: Khoảng tháng 9/2021, Kha có thông tin về việc một số hộ dân trên địa bàn xã Nam Trung vi phạm về đất đai nên Kha đã làm đơn tố cáo các hộ dân sai phạm gửi đến UBND huyện Nam Sách, trong đó có hộ gia đình ông Nguyễn Văn B.
Ngày 21/9, ông B đến gặp và yêu cầu Kha rút đơn tố cáo nhưng Kha chưa đồng ý. Trước khi ra về, ông B đã để lại trên bàn uống nước nhà Kha một phong bì, bên trong có 3 triệu đồng nói là tiền quà. Sau đó khoảng 1 tuần, ông B tiếp tục gặp Kha nhưng Kha vẫn không đồng ý rút đơn, lần này, người bị tố cáo để lại một phong bì, bên trong có 2 triệu đồng… Sau đó, ông B và Kha nhiều lần gọi điện, thường xuyên nhắn tin qua ZaLo.
Trong các lần liên lạc với ông B, Kha đã nhiều lần đề cập đến việc gia đình ông B xây nhà thờ, nhà ở vi phạm lấn chiếm đất công. Kha thừa nhận đã viết đơn gửi UBND huyện Nam Sách tố cáo gia đình ông B xây dựng vi phạm. Do lo lắng việc Kha viết đơn nên ông B đã nhiều lần hẹn gặp Kha để giải quyết.
Quá trình nói chuyện, Kha yêu cầu ông B phải đưa cho anh ta 50 triệu đồng để rút đơn. Vào 14 giờ 30 phút ngày 18/10, tại trước cửa nhà của Kha, nạn nhân B đã đưa cho đối tượng này 45 triệu đồng…Sau khi nhận tiền, Kha đã đến UBND xã Nam Trung rút đơn tố cáo. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ việc Kha nhắn tin đe doạ, yêu cầu ông B phải đưa tiền.
Theo Thi Ngọc (Dân Việt)