Mỗi người lính cụ Hồ là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và CH Trung Phi, người lính cụ Hồ được coi là biểu tượng của văn hóa Việt Nam.



Là 1 trong 119 cá nhân điển hình tiên tiến trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của toàn quân được vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chỉ khiêm tốn nói rằng, cá nhân ông không có gì nhiều để nói mà dành những lời tâm huyết nhất để nói về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nơi ông đang công tác, và đặc biệt về những đồng đội của ông đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan và CH Trung Phi.

 

 Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (Ảnh: Trần Vương)
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (Ảnh: Trần Vương)




Trao đổi với VOV.VN, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng thừa nhận ông may mắn khi được cử là người đứng đầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và được đại diện cho một lĩnh vực mới của Bộ Quốc phòng, đó là việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

PV: Thưa Thiếu tướng, sau 5 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đạt được những kết quả gì nổi bật?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Thời điểm thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng trùng với thời điểm diễn ra Cuộc vận động phát huy truyền thống cống hiến tài năng xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng là thời điểm lần đầu tiên Việt Nam cử những sĩ quan ưu tú đại diện QĐND Việt Nam anh hùng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Xác định đây là lĩnh vực mới nên Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng dành sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt, từ khâu tuyển chọn đến công tác huấn luyện, triển khai, chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng bên ngoài.


 

 Các chiến sỹ quân y đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế (Ảnh: Cổng TTĐT Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)
Các chiến sỹ quân y đưa hình ảnh của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế (Ảnh: Cổng TTĐT Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)



Có thể nói, trong 5 năm qua, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đã được thể hiện rõ nét ở các quốc gia châu Phi, đặc biệt ở Nam Sudan, CH Trung Phi. Đây cũng là cơ hội để QĐND Việt Nam xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam trên cương vị là một thành viên của LHQ có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

LHQ là một tổ chức lớn nhất hành tinh gồm 193 quốc gia. Mới đây, khi Việt Nam được đưa ra bỏ phiếu để trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, 192/193 quốc gia đã bỏ phiếu cho chúng ta. Đây là con số kỷ lục từ trước nay chưa quốc gia nào có được khi trở thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Vinh dự đó có phần đóng góp đáng kể của QĐND Việt Nam, trực tiếp là các chiến sĩ đang tham gia với LHQ tại hai mặt trận Nam Sudan và CH Trung Phi. Ở đó, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ được người dân bản xứ không chỉ xem như một người lính của LHQ mà coi đó là biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam.

Chúng ta đã có một thời kỳ dài chịu ơn các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Các dân tộc Phi và Mỹ Latinh đã góp công, thậm chí đưa chuyên gia hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tiến hành các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Người dân đất nước Tanzania nghèo khổ là thế đã ủng hộ chúng ta 1,3 triệu USD với 40.000 hộp thịt thời điểm năm 1966.

Ngày nay, những người lính bộ đội Cụ Hồ lại có điều kiện thể hiện trách nhiệm của mình trước bạn bè quốc tế, thể hiện được phẩm giá chính trị, có trước có sau của con người Việt Nam.

Sứ giả của nền văn hóa Việt Nam

PV: Tuy Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tương đối muộn nhưng đã đạt được những thành quả khá ấn tượng phải không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Đúng thế, chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tương đối muộn (năm 2014, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia còn lại của ASEAN chưa tham gia gồm Việt Nam, Lào, Myanmar). Tuy muộn nhưng chúng ta đã khẳng định, làm là phải làm tốt và hiệu quả.

Vừa rồi, các sĩ quan tham mưu, sĩ quan phân tích tình báo, sĩ quan trang bị hay sĩ quan huấn luyện của ta đều được đánh giá rất cao. Trong tổng số 27 cá nhân đã kết thúc nhiệm kỳ, chúng ta hiện có tới 6 cán bộ được Liên Hợp Quốc đánh giá đặc biệt xuất sắc, tỷ lệ này chỉ chiếm 1-2% trong tỷ lệ sỹ quan tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.


 

Một buổi huấn luyện của cán bộ chiến sĩ tham gia Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 (Ảnh: Trọng Phú)
Một buổi huấn luyện của cán bộ chiến sĩ tham gia Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 (Ảnh: Trọng Phú)



Bên cạnh đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của ta tuy mới triển khai hoạt động chưa được 1 năm, nhưng trong 7 tháng đầu tiên, đã thu dung và điều trị tới 1.000 bệnh nhân. Trong khi con số bình thường của một bệnh viện dã chiến cấp 2 tương tự như của Việt Nam chỉ thu dung và điều trị được khoảng 200 bệnh nhân một năm. Điều này thể hiện uy tín và tính chuyên nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm, gần gũi với người dân của đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế của Việt Nam.

Tôi cho rằng, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa sống lại trong lòng người dân Nam Sudan, CH Trung Phi trong môi trường đa phương của nhiều sĩ quan đến từ nhiều quốc gia. Mỗi cán bộ, sĩ quan quân đội Việt Nam là một sứ giả của nền văn hóa Việt Nam tại các nước đó. Chúng ta có quyền tự hào về những công việc mà cán bộ, sĩ quan của ta đã làm trong 5 năm qua.

Tới đây, chúng ta sẽ triển khai thêm lực lượng, có thể công binh, bộ binh và các lực lượng khác tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tiếp tục khẳng định chúng ta là quốc gia có trách nhiệm với Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế.

PV: Liên Hợp Quốc đánh giá thế nào về những thành quả Việt Nam đã đạt được khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Trong lần sang thăm Việt Nam năm 2015, tới dự lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nói: ”Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước các sĩ quan Việt Nam đã đi được chặng đường dài đến Nam Sudan và CH Trung Phi để cứu những người khốn khổ”. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của ta mới triển khai một thời gian ngắn cũng đã nhận được sự động viên, khích lệ của Liên Hợp Quốc qua 2 lá thư cảm ơn của ngài Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và cố vấn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Các cán bộ, sĩ quan QĐND Việt Nam đã cho các bạn thấy, chúng ta có năng lực tốt, khả năng xử lý chuyên nghiệp cao, gần gũi người dân, nhưng trên tất cả là thiện chí của Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta còn triển khai nhiều hoạt động mang tính nhân đạo giúp người dân ở các nước sở tại. Tôi cho rằng, những đánh giá của Liên Hợp Quốc là khách quan.


 

Các nữ quân nhân sẽ tham gia Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan (Ảnh: Trọng Phú)
Các nữ quân nhân sẽ tham gia Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan (Ảnh: Trọng Phú)



Dịp tháng 2 năm nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn công tác liên ngành sang Nam Sudan đã có các cuộc gặp với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Sudan để thúc đẩy quan hệ song phương sau khi ta đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền nước này.

Tại các cuộc gặp này, Chính phủ Nam Sudan đều khẳng định họ mong muốn Việt Nam cử thêm sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình LHQ; mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam. Với thế mạnh về thông tin liên lạc, viễn thông, khai khoáng, làm đường, làm nông nghiệp.., họ muốn Việt Nam có thể hỗ trợ cho người dân Nam Sudan đang trong giai đoạn khó khăn, nghèo đói.

Việc chúng ta tham gia mặt trận đa phương của LHQ đã thúc đẩy việc tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với nước chủ nhà Nam Sudan và CH Trung Phi.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng.


Hội nghị sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014 - 2019) trong toàn quân sẽ được tổ chức vào ngày 15/8 tới đây. 203 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đại diện cho toàn quân sẽ nhận Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng trong dịp này.

Thanh Hà/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.