(GLO)- Như tin đã đưa, lũ trên sông Ba đang lên nhanh do mưa lớn nhiều ngày liền cộng với Thủy điện An Khê-Ka Nak tăng lưu lượng xả tràn. Trước tình hình đó, các địa phương ở khu vực phía Đông tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người cũng như tài sản.
Về phía tỉnh, ngay từ sáng 16-12, các ông: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Kpa Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã xuống hiện trường để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng-chống thiên tai. Chiều cùng ngày, ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có mặt phối hợp chỉ đạo.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh xuống kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng-chống thiên tai tại thị xã An Khê. Ảnh: Hồng Thi |
Những thiệt hại ban đầu
Báo cáo nhanh của các huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê cho biết, thiệt hại vdo mưa lũ gây ra tại địa phương từ ngày 11 đến đêm ngày 16-12 là tương đối lớn.
Theo đó, trên địa bàn huyện Đak Pơ, mưa lũ đã làm 63,6 ha rau màu ở giai đoạn mới gieo trồng bị ngập úng; 37,5 ha lúa bị bồi lấp và xói trôi; 39,1 ha mía, mì bị ngã đổ, ngập nước và thu hoạch chưa thể vận chuyển; 6 con trâu, bò bị chết do mưa lạnh. Ngoài ra, mưa lũ còn làm xói lở 3 mét cống qua đường ở làng Brang, Groi và 18 mét chân khay tràn đi làng Đak Ya (xã Ya Hội); tràn ao nuôi cá của 2 hộ gia đình với tổng diện tích 3.200 m2. Tại hồ Hà Tam, mực nước vượt tràn chảy qua chia cắt thôn 2 (xã Hà Tam).
Sáng sớm ngày 16-12, mưa lớn cũng đã khiến đèo Mang Yang (đoạn gần đỉnh đèo, thuộc địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) bị sạt lở kéo theo một lượng lớn đất đá và cây thông đổ xuống, vùi lấp 2/3 lòng đường. Rất may không có thiệt hại về người và phương tiện. Ngay sau đó, Công an xã Hà Tam và Ban Chỉ huy Quân sự xã đã có mặt tại hiện trường, thu dọn chướng ngại để đảm bảo cho xe lưu thông. Đến 10 giờ cùng ngày, lòng đường cơ bản được giải phóng.
Ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho hay: Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 16-12, xã Yang Bắc vẫn đang ngập cục bộ tại 2 điểm là làng Klảh và ngầm qua suối Xà Quồng (chia cắt làng Krông Ktu và làng Krông Hra); xã Tân An nước đang chia cắt thôn Tư Lương với trung tâm xã. Huyện đang phân công lực lượng túc trực ở những nơi này để chủ động ứng phó.
Tại huyện Kông Chro, mưa lớn kéo dài trong 6 ngày liền đã làm cho một số nơi thuộc các xã: Đak Pơ Pho, Kông Yang, Đak Song, Đak Tpang bị sạt lở; công trình cấp nước tự chảy làng Kướk-Sró (xã Sró) bị ngã đổ 1 trụ bê tông dẫn ống nước qua sông, hư hỏng một đoạn ống dẫn nước (đoạn qua sông Đak Pơ Kơ), làm mất nước tự chảy tại 2 làng Kướk, làng Sró. Ngầm tràn trên địa bàn các xã: Đak Tpang, Sró, Yang Trung, Đak Pơ Pho, Yang Nam, Đak Kơ Ning, Chư Krei, Đak Pling… nước dâng cao và chảy xiết gây trở ngại cho việc đi lại của người dân, chia cắt cục bộ một số thôn, làng với khu vực trung tâm.
Đèo Mang Yang (đoạn thuộc địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ)bị sạt lở do mưa lớn. Ảnh: Hồng Thi |
Tính đến ngày 16-12, huyện Kbang có hơn 163,3 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Cụ thể: hơn 20 ha lúa mới gieo sạ bị cuốn trôi hoặc ngập úng, thiệt hại 70%; 3 ha lúa nước đang trong giai đoạn thu hoạch bị ngập; mía bị đổ ngã, không thể thu hoạch; ớt bị úng rễ, chết cây; bắp chưa thu hoạch được khiến hạt nảy mầm trên cây; cà phê bị rụng quả… Cùng với đó, lũ đã cuốn trôi 1 chuồng bò, 1 nhà bếp của dân tại thị trấn Kbang; sập tường nhà của 1 hộ dân làng Mơ Tôn, xã Kông Lơng Khơng; ngập 8 nhà dân tại xã Đak H’lơ; ngã đổ 2 trụ điện gần cầu Chư Pâu (xã Kông Lơng Khơng); sập 3 trụ cầu máng công trình thủy lợi Đak Ding Dong (xã Đak Rong). Nhiều điểm trên đường Trường Sơn Đông bị sạt lở đất, không đi lại được; các ngầm tràn ngập sâu trong nước, giao thông bị chia cắt; cầu giao thông Đak H’lơ-Kông Bờ La bị ngập khoảng 1 mét; đoạn đường từ thôn H’bang (xã Tơ Tung) đi trung tâm xã nước tràn qua đường. Dọc sông Ba (đoạn sau tràn Ka Nak), nhiều khu vực đã bắt đầu sạt lở.
Riêng thị xã An Khê, tính đến 18 giờ ngày 16-12, mực nước trên sông Ba đã dâng cao trên cấp báo động 3. Tại vị trí cầu sông Ba, nước đã gần chạm đến đáy phía dưới cầu, một số chốt bên dưới cầu đã bị gãy và lung lay. Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực 24/24 giờ 2 bên đầu cầu để điều tiết và hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu, tránh nguy hiểm xảy ra.
Một số tuyến đường giao thông, ngầm tràn thuộc các xã: Cửu An, Tú An, Song An, Xuân An và các phường An Phước, Ngô Mây… nước tràn, chảy mạnh, gây chia cắt. Công trình Bàu Lớn (xã Song An) và đập nước làng Pơ Nhang (xã Tú An) nước tràn qua ngưỡng, gây vỡ đập, sạt lở mất an toàn. Ngoài ra, mưa lũ còn gây thiệt hại khoảng hơn 1.000 con gà, 45 con vịt, hàng trăm con heo, bò và mấy trăm chậu hoa cúc đang chờ Tết của người dân.
Đến thời điểm hiện tại, rất may tất cả các địa phương đều không có thiệt hại về người.
Tích cực ứng phó
Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến ngày càng phức tạp, Thủy điện An Khê-Ka Nak xả nước với lưu lượng lớn nhất là 3.000 m3/s và còn tiếp tục điều tiết tăng dần lưu lượng xả tràn, các địa phương khu vực phía Đông tỉnh đã tổ chức các cuộc họp khẩn, huy động toàn bộ hệ thống chính trị cũng như lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, tập trung hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi vùng nguy cơ lũ quét và đối phó kịp thời trước thiên tai.
Đường qua làng Groi (thị trấn Kbang, huyện Kbang) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Hồng Thi |
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpa Thuyên cho hay: Bên cạnh ra các công điện khẩn chỉ đạo kịp thời, tỉnh đã cử các đồng chí phụ trách các địa phương có lũ trực tiếp xuống kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Về phía tỉnh, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương huy động tất cả lực lượng cùng vào cuộc, sớm di dời dân ra khỏi vùng có khả năng ngập, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ; phân công lực lượng công an chốt chặn ở những nơi xảy ra ngập lụt, không cho dân tập trung; đồng thời cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cơ quan Thường trực phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã phải thường xuyên thông báo cho các địa phương để nắm bắt, chủ động ứng phó; tập trung gia cố các vùng sạt lở, ngập sâu để đảm bảo không bị ách tắt, ngập lụt… |
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê, Chủ tịch HĐND thị xã cho hay: Thị xã đã chỉ đạo toàn lực lượng chủ động triển khai kịp thời các phương án, biện pháp ứng cứu với tình hình mưa lũ ngay từ những ngày trước, di dời khẩn cấp các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời, phân công các cơ quan, đơn vị, các xã, phường trực chiến 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; chủ động chuẩn bị về y tế cũng như nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân vùng phải di dời…
Để kịp thời sơ tán nhân dân trước khi lũ ập về, thị xã An Khê đã huy động lực lượng quân đội giúp dân với tổng số 205 quân (trong đó: Lữ đoàn 7-Quân đoàn 3 là 70 quân; Lữ đoàn Pháo binh 368 là 35 quân; Sư đoàn Bộ binh 2-Quân khu 5 là 100 quân). Theo đó, trên địa bàn thị xã có 59 hộ dân đang sinh sống tại các phường: An Bình, Tây Sơn, An Phú, Ngô Mây và các xã: Thành An, Xuân An, Tú An, Song An buộc phải di dời.
Sau khi nghe thông báo xả nước của Thủy điện An Khê-Ka Nak và nhận thấy thời tiết ngày càng mưa to, nhiều hộ dân dọc 2 bên sông Ba đã chủ động chuyển đồ đạc lên cao hay di dời đến nhà người thân ở không ngập lụt. Ông Phạm Đình Lưu (tổ dân phố 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vừa nhanh tay buộc bàn ghế vào gốc cây để tránh lũ cuốn vừa thở dài nói: “Sống chung với lũ quen rồi nên chúng tôi cũng chẳng sắm sửa gì nhiều. Mấy đồ dùng hôm qua nay vợ chồng đã gác hết lên cao. Nước giờ đã ngập cả vườn hoa màu 5-6 mét và mấp mé tràn vô nhà rồi. Năm 2013, nước ngập tới hết chiều cao cái cửa, từ khi có thủy điện, chúng tôi cứ sống mãi trong cảnh nơm nớp không yên”.
Còn bà Hà Thị Bảy (tổ dân phố 2, phường An Phước, thị xã An Khê) thì bộc bạch: “Nhà tôi nằm trong vùng lũ, may nhờ có chính quyền địa phương và dân quân đến giúp đỡ di dời đồ đạc cũng như đưa 60 con heo của tôi khỏi vùng nguy hiểm. Tôi vô cùng biết ơn”.
Mưa lũ làm chia cắt tuyến đường đi xã Đak Tpang (huyện Kông Chro). Ảnh: Hồng Thi |
Tương tự, các huyện Kông Chro, Kbang và Đak Pơ cũng huy động tất cả lực lượng vào cuộc; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương căn cứ tình hình mưa bão, mức xả lũ để thông báo khẩn bằng loa, đài hoặc thông báo trực tiếp cho các thôn, làng và nhân dân sinh sống dọc sông Ba nhằm có kế hoạch bảo vệ con người, tài sản, cây cối, hoa màu, vật nuôi… khi nước lũ lớn; bố trí trực ban 24/24 giờ để chủ động ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Trước đó, vào sáng 16-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpa Thuyên đã cùng với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, UBND thị xã An Khê đã đến kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với lũ lụt vì xả lũ hồ chứa Thủy điện An Khê do Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak làm chủ đập. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện đơn vị này thực hiện không đúng quy trình, tự ý xả nước với lưu lượng 2.000 m3/s thay vì mức 1.200 m3/s như kế hoạch ban đầu mà không thông báo cho Chủ tịch UBND tỉnh biết. Do đó, đoàn đã họp bàn và tiến hành lập biên bản đối với hành vi trên của chủ đập.
Đến tối cùng ngày, thời tiết tại các địa phương Đông Gia Lai vẫn đang mưa to đến rất to. Dự kiến Thủy điện An Khê-Ka Nak vẫn tiếp tục xả tràn ở mức tăng dần. GLO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hồng Thi