Liên kết sản xuất cà phê bền vững: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, Dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C đã đem lại nhiều quyền lợi cho nông dân huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai).
Dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là đơn vị liên kết, giữ vai trò chủ trì dự án, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có ký hợp đồng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chịu trách nhiệm mời chuyên gia và tổ chức tập huấn cho nông dân.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn-Chủ nhiệm dự án (Công ty TNHH Vĩnh Hiệp) cho biết: “Mục tiêu của Dự án này là sẽ thiết lập các tổ, nhóm sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn huyện Đak Đoa. Chúng tôi đã tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, cấp phát tài liệu kỹ thuật, sổ Nhật ký nông hộ để nông dân ghi chép lại hoạt động sản xuất, đồng thời còn cấp phát phân bón các loại cho bà con. Chuỗi liên kết này sẽ được duy trì lâu dài, bền vững để đạt tới mục tiêu cuối cùng của Dự án là nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê cho nông dân”.
Qua quá trình triển khai thực hiện Dự án, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Một số hoạt động cụ thể như: hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ hay một số nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm… đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong nhân dân vùng triển khai dự án.
Hội thảo đầu bờ cho nông dân tham gia dự án liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4c. Ảnh: Hà Duy
Hội thảo đầu bờ cho nông dân tham gia dự án liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: Hà Duy
Bà Vũ Thị Huệ (xã Hnol) phấn khởi nói: “Khi tham gia dự án, ngoài được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn 4C, gia đình tôi còn được hỗ trợ phân bón và được bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn được chi trả giá cộng thưởng 100 đồng/kg và hỗ trợ vận chuyển 50 đồng/kg; nếu có số lượng hàng hóa đủ 5 tấn trở lên được Công ty cho xe vào vận chuyển tại nhà”. 
Ban quản lý dự án đã tiến hành lấy mẫu phân tích để đánh giá thực trạng dinh dưỡng đất cho các nông hộ tham gia kèm theo hướng dẫn bón phân cho diện tích cà phê tham gia dự án. Tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức cơ bản về kỹ thuật canh tác cà phê theo hướng bền vững, nhận thức về quy trình sản xuất đạt chứng nhận 4C cho 7 cộng tác viên. Từ đó, đội ngũ cộng tác viên phổ biến và trực tiếp hướng dẫn người dân trong vùng thực hiện dự án. Đồng thời, đội ngũ này cũng giữ vai trò phối hợp, tham mưu giúp UBND các xã tuyên truyền, vận động tập hợp nông dân trong quá trình triển khai các hoạt động dự án. 
Mới đây, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (đơn vị chuyển giao công nghệ) và UBND các xã tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn vài trò của doanh nghiệp, nông dân trong chuỗi liên kết.
“Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua sản phẩm, giảm chi phí và tỷ lệ hao hụt trong quá trình chế biến, lợi nhuận đạt được nhiều hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân nhiều hơn. Đối với nông dân, khi tham gia chuỗi liên kết sẽ trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp mà không phải qua khâu trung gian. Đồng thời, nông dân cũng nắm bắt được các tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác cho phù hợp. Đây được xem là hiệu quả kinh tế về lâu dài và có tính bền vững mà dự án mong muốn đem lại cho nông dân trong xu thế hội nhập ngày nay”-ông Nguyễn Trọng Tuấn cho biết.
Việc thực hiện theo bộ tiêu chuẩn 4C sẽ làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất tập thể, tập trung; đồng thời, người dân có thể nâng cao chất lượng cà phê, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để dự án đạt hiệu quả bền vững, mô hình này cần được địa phương tiếp tục theo dõi và tổ chức vận động nhân rộng cho các hộ dân khác trong vùng để phát triển thành các chuỗi liên kết cũng như tiếp cận với các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. 
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.