Gia Lai khan hiếm lao động thu hoạch cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang bước vào cao điểm thu hoạch cà phê. Người trồng cà phê không chỉ đối diện với mất mùa, mất giá mà còn gặp khó trong việc tìm kiếm lao động để thu hái.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá thuê nhân công thu hái cà phê từ 180 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/ngày, cao hơn 20-40 ngàn đồng/ngày so với niên vụ trước. 
Nhà có gần 3 ha cà phê đã chín đỏ nhưng bà Nguyễn Thị Điệu (làng O Sơr, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) phải mất gần cả tháng mới tìm được 12 lao động về hái. Bà Điệu cho biết: Năm nay, việc tìm lao động thu hoạch cà phê rất khó khăn. Thời điểm này năm trước, nhân công từ các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi lên hái cà phê thuê khá nhiều. Tuy nhiên, năm nay do tình hình bão lũ nên lao động ở nhà lo khắc phục hậu quả.
Tại các vùng trọng điểm cà phê như: Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh... nhiều chủ vườn phải chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm lao động. Anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) cho hay: “Đầu mùa thu hoạch, tôi có gọi nhân công ở huyện Phú Thiện và tỉnh Bình Định nhưng họ từ chối. Vì vậy, vợ chồng tôi phải thu hoạch dần”.
Không thuê được lao động nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) đành phải tự thu hái cà phê. Ảnh: Khánh Phong
Không thuê được lao động nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) phải tự thu hái cà phê. Ảnh: Khánh Phong
Ông Rơ Lan Gien-Chủ tịch UBND xã Bình Giáo (huyện Chư Prông) thông tin: “Nhiều hộ tìm không ra lao động nên phải tự lo liệu. Đơn cử như gia đình ông Ngô Văn Sơn có gần 2 ha cà phê đã chín mà thuê không được lao động. Nếu để lâu không hái thì vừa ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê lại vừa ảnh hưởng đến vườn cây và việc sản xuất cho vụ sau”.
Hiện tại, nhiều hộ trồng cà phê phải đến các chợ lao động để tìm người. Ông Ngô Văn Dũng (thôn 3, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) nói: “Vườn cà phê hơn 2.000 cây của tôi đã chín đỏ nhưng không có người thu hoạch. Vài ngày nay, tôi liên tục ra thị trấn để tìm lao động nhưng không có. Đối với lao động là đồng bào tại chỗ, tôi tìm đỏ mắt cũng không có người”.
Ông Trần Xuân Hường (thôn Văn Mỹ, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết: Để thu hoạch 1 ha cà phê thì cần ít nhất 30 ngày công. Hộ nào có từ 2 đến 4 ha thì bình quân phải thuê thêm từ 8 đến 10 lao động/ngày để thu hoạch cho kịp thời vụ.
Ông Trần Khắc Hà-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp-Dịch vụ liên kết xã Ia Bă (huyện Ia Grai) cho biết: “Dịp này những năm trước, lao động từ các nơi đổ về rất đông. Tuy nhiên, 3 năm nay xảy ra tình trạng khan hiếm nhân công hái cà phê. Chính vì thiếu nên người làm công thường đòi hỏi nhiều và nâng giá công lao động”.
Trước tình trạng khan hiếm lao động hái cà phê, nhiều hộ đang vận động vần đổi công cho nhau để thu hoạch cho kịp thời vụ. Đây cũng là một trong những giải pháp mà chính quyền địa phương khuyến khích người trồng cà phê thực hiện trong lúc này.
KHÁNH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.