"Lâm tặc" hoạt động vùng giáp ranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo điều tra của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, các đối tượng “lâm tặc” hoạt động mạnh tại các vùng giáp ranh giữa Gia Lai – Kon Tum và các khu vực biên giới. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, các ngành chức năng tăng cường công tác phát hiện, xử lý.
 
Bãi gỗ lâm tặc tập kết tại địa phận xã Ia Tơi bên bờ sông Sê San (H. Ia HDrai, Kon Tum) để đưa về phía Gia Lai tiêu thụ.
Gỗ lậu dọc bờ Sê San
Những ngày nay, dọc bờ sông Sê San gần thủy điện Sê San 3 (H. Chư Păh, Gia Lai), các đối tượng “lâm tặc” lại manh nha hoạt động. Khu vực 2 bên bờ sông này được phân chia địa giới hành chính của 2 xã Ia Kreng (H. Chư Păh, Gia Lai) và Ya Tăng (H. Sa Thầy, Kon Tum) cũng trở thành điểm tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép. Việc các đối tượng lợi dụng ranh giới được phân chia của 2 tỉnh ở giữa dòng sông để đối phó với các cơ quan chức năng. Việc cho thuyền ngược bờ bên Kon Tum khi thấy lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai và ngược lại đã không còn mới nơi đây. Với việc sử dụng thuyền làm phương tiện, ngoài việc khó phát hiện, xử lý thì “lâm tặc” sẵn sàng vứt bỏ gỗ xuống dòng sông để tẩu thoát.
Ngay bên bờ sông, cách Trạm quản lý bảo vệ rừng Sê San 3 (xã Ya Tăng, H. Sa Thầy) khoảng chưa đầy 1km, “lâm tặc” đã tập kết một lượng lớn gỗ. Hàng chục lóng gỗ tròn, xẻ hộp được để dưới nước mà chỉ cần mắt thường cũng đã phát hiện ra, trong đó những lóng gỗ đường kính từ 30cm-1m. Những sợi dây thừng để kéo gỗ vẫn còn nguyên. Còn bờ bên kia thuộc địa giới hành chính của xã Ia Kreng, bến thuyền cạnh cầu nối giữa 2 tỉnh đầy những chiếc xe máy độ chế và thuyền chở gỗ. Ngay bên bến thuyền, những phách gỗ dài 3,5-4m được xẻ để ngay ngắn, cạnh đó là chiếc thuyền máy khác cũng chất đầy hàng chục thanh gỗ được xẻ thành hộp chờ vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Theo nguồn tin của PV, sau khi gỗ được khai thác trái phép từ những cánh rừng sẽ được đưa xuống thuyền, sau đó tập kết tại bến thuyền tại khu vực xã Ia Kreng. Chờ thời điểm thuận lợi, đêm tối các đối tượng sẽ tìm cách vận chuyển nơi khác đi tiêu thụ. Trong khi gỗ lậu tập kết ngay tại bến và bờ sông Sê San trong cả ngày trời nhưng không thấy một đơn vị chức năng, chính quyền địa phương nào hay biết.
Mới đây, vào khoảng 23 giờ ngày 17-12-2018, Đội Kiểm lâm cơ động số 3 (Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum) kiểm tra tại khu vực bến sông Sê San (đoạn dưới chân đập thủy điện Sê San 3A (địa phận xã Ia Tơi, H. Ia HDrai, Kon Tum) phát hiện bãi tập kết gỗ với 41 lóng (từ nhóm III đến nhóm VI) với tổng khối lượng 37,5m3. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được chủ bãi gỗ cũng như nguồn gốc khai thác từ đâu. Thế nhưng, qua điều tra của PV, số gỗ trên đang tập kết tại đây chờ “vượt sông” tập kết về khu vực làng Nú (xã Ia Khai, H. Ia Grai, Gia Lai). Bởi đối diện bên kia bãi gỗ lậu là lán trại, thuyền của các đối tượng “lâm tặc” dựng lên trong thời gian khá dài. Sau khi gỗ đưa về khu vực bến sông Sê San tại xã Ia Tơi, đợi đêm xuống, các đối tượng dùng thuyền kéo gỗ qua bờ sông thuộc làng Nú, tập kết tại đây rồi dùng xe độ chế vận chuyển đi nơi khác. Đây cũng chỉ là một trong những điểm vận chuyển gỗ lậu nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Kon Tum – Gia Lai.
 
Một điểm tập kết gỗ trái phép ngay bên bờ sông Sê San (địa phận xã Ya Tăng, H. Sa Thầy, Kon Tum).
Liên tiếp bắt gỗ lậu vùng biên
Không chỉ tại các khu vực giáp ranh, tại những khu vực biên giới của H. Chư Prông (Gia Lai), lực lượng chức năng cũng đã liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng chục lóng, hộp gỗ cùng nhiều phương tiện dùng để vận chuyển gỗ lậu. Chỉ trong vòng chưa tới 10 ngày, Hạt kiểm lâm (HKL) H. Chư Prông đã phối hợp cùng với các đơn vị khác đã phát hiện 6 vụ cất giấu, vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép. Cụ thể, ngày 2-1, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, HKL H. Chư Prông đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Púch, BQL RPH Ia Púch tiến hành kiểm tra tại khu vực khoảnh 3, Tiểu khu 925 (lâm phần BQL RPH Ia Púch). Qua đó, phát hiện và lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện gồm 12 lóng gỗ với khối tượng hơn 2,4m3 (chủng loại căm xe, gõ, kiền kiền) và 1 xe máy không có BKS. Chỉ một ngày sau, HKL H. Ia Grai phối hợp với BQL RPH Ia Mơr, UBND xã Ia Mơr tiến hành kiểm tra tại khu vực khoảnh 5, tiểu khu 981 (lâm phần BQL RPH Ia Mơr) đã phát hiện vụ khai thác rừng trái phép. Tang vật thu giữ, gồm 26 hộp gỗ xẻ với khối lượng hơn 1m3 và 4 xe máy.
Khu vực rừng biên giới tại H. Ia Grai (Gia Lai) thuộc lâm phần quản lý của BQL RPH Ia Grai cũng trở thành “miếng ngon” cho các đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Đơn cử, vào khoảng 10 giờ ngày 15-1, Đồn Biên phòng Ia Chía (H. Ia Grai) đã phát hiện, bắt giữ 5 người dân đang phát rừng làm nương rẫy tại lâm phần quản lý của BQL RPH Ia Grai. Thu giữ 4 chiếc rìu và 3 con dao phát, qua đo đếm bước đầu xác định các đối tượng đã chặt phá 0,3ha diện tích rừng thuộc diện tích rừng phòng hộ. Các đối tượng khai nhận đã vào khu vực để phát rừng làm rẫy cho ông Rơ Lan Lem ở cùng làng. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ.
 
Thuyền chở gỗ lậu tập kết tại một bến thuyền bên bờ sông Sê San (địa phận xã Ia Kreng, H. Chư Păh, Gia Lai).
Trước đó, vào ngày 10-1, cũng tại địa bàn xã Ia Chía, lực lượng Phòng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Gia Lai đã phát hiện vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại Tiểu khu 364 thuộc lâm phần của BQL RPH Ia Grai. Tại hiện trường, có 6 gốc cây đường kính từ 50-90cm đã bị cưa hạ bằng cưa máy, 2 đối tượng đang khai thác trái phép là Trịnh Văn Phúc (1985) và Ksor Đối (1985, cùng trú xã Ia Chía, H. Ia Grai). Đồng thời, Phòng Cảnh sát môi trường cũng đã tiến hành tạm giữ phương tiện vận chuyển của 2 đối tượng, gồm: 1 xe độ chế có tời kéo, 6 lóng gỗ với khối lượng hơn 4m3. Hiện đối tượng và tang vật được bàn giao cho CAH Ia Grai tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, cứ vào thời điểm cuối năm, các đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép lại tìm mọi cách hoạt động, đặc biệt là tại các vùng giáp ranh và khu vực biên giới. Thế nên, để hạn chế, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng thời điểm này để khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, khoáng sản trái phép, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cần quan tâm hơn nữa đến những “điểm nóng”, khu vực giáp ranh về khai thác lâm khoáng sản trái phép. Có như vậy, mới không để các đối tượng “lâm tặc”, “khoáng tặc” lộng hành vào dịp này.
M.T (CAĐN)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

(GLO)- Sáng 6-1, tại lễ chào cờ đầu năm 2025, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã đọc thư chúc mừng năm mới của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc liên quan đến vụ án Phan Thị Thảo.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.