Làm giàu từ ý chí và nghị lực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm đầu mới lấy nhau, vợ chồng anh Djên (làng Nhing, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực của mình, hai vợ chồng anh đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Với quyết tâm đó, hiện nay gia đình anh Djên đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm.

Anh Djên cần mẫn chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: Mai Ka
Anh Djên cần mẫn chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: Mai Ka

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn cao ráo và thoáng mát, anh Djên cười hiền lành, giải thích: “Mọi người thông cảm vì sáng giờ mải làm ngoài vườn nên quần áo mình đã thấm ướt mồ hôi. Chờ mình đi nấu ấm nước rồi cùng ngồi nói chuyện”. Bản tính thật thà, chất phác của anh nông dân suốt ngày quần quật với ruộng vườn, heo gà khiến chúng tôi không khỏi cảm phục và yêu mến.

Lớn lên trong một gia đình thuần nông ở làng Nhing, hơn ai hết anh Djên là người thấu hiểu cuộc sống khó khăn khi bị cái nghèo, cái đói vây bám. Với ý chí, quyết tâm của mình, anh luôn ấp ủ khát vọng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thoát nghèo. Năm 2011, hai vợ chồng anh quyết định trồng tiêu để phát triển kinh tế. Sau khi được Hội Nông dân xã xuống hỗ trợ một phần về kinh phí và kỹ thuật, 50 trụ tiêu đầu tiên của gia đình anh đã phát triển tốt. Không dừng lại ở đó, từ những nguồn vốn ít ỏi được tích lũy, anh tiếp tục trồng cà phê, mít, lúa và chăn nuôi thêm bò, heo, gà… Với phương châm “tích tiểu thành đại”, anh không ngại khó, ngại khổ để từng bước phát triển mô hình kinh tế của mình.

“Thực ra, ban đầu mọi việc cũng gặp khó nhiều lắm. Nhưng cứ nghĩ tới 4 đứa con đang tuổi ăn học, hai vợ chồng tôi lại cố gắng khắc phục. Tự nhủ không bao giờ được nản chí, dừng bước. Mình còn trẻ, phải biết học hỏi từ những mô hình kinh tế làm hay, làm giỏi. Vậy là mình thường đi tìm tòi, học tập về khoa học- kỹ thuật, về cách chăm cây tiêu thế nào cho không bị chết, nuôi bò sao cho hiệu quả”-anh Djên chia sẻ. Với diện tích canh tác ít nhưng nhờ áp dụng đúng khoa học- kỹ thuật nên gia đình anh Djên đã bắt đầu có thu nhập ổn định. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm, tham khảo các mô hình thành công của các hộ sản xuất kinh tế giỏi, anh Djên đã tiến hành trồng dây tiêu dưới gốc trụ sống. Do trồng xen trong vườn cà phê nên không cần phải che chắn mà tiêu vẫn phát triển tốt. Đối với cây cà phê, vợ chồng anh tái canh từng phần bằng cách chặt bỏ những cây cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, cải tạo số cà phê còn lại để nâng cao chất lượng.

 

 Đàn heo của anh Djên đang trong độ tuổi sinh sản. Ảnh: Mai Ka
  Đàn heo của anh Djên đang trong độ tuổi sinh sản. Ảnh: Mai Ka

Sau nhiều nỗ lực, hiện gia đình anh đã sở hữu 800 trụ tiêu, 6 sào cà phê, 1 ha lúa và chăn nuôi thêm bò, heo, gà… Trong thời gian tới, anh Djên tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu và chăn nuôi thêm bò. “Làm việc là không được hài lòng với cái mình đã đạt được rồi dừng lại ở đó. Phải tiếp tục cố gắng để kinh tế gia đình ngày càng vững vàng. Nghĩ lại những khó khăn của ngày bắt đầu mới thấy bây giờ mọi việc thuận lợi với mình như thế nào”-anh Djên tâm sự.    
 
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Djên còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ thực tế bản thân cho các hộ nông dân trong làng, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Sơn Nguyễn Đình Khánh, cho hay: “Anh Djên nhiều năm qua được xem là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất. Djên biết vượt khó làm giàu và không nản chí trước những thất bại. Djên trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi cho tất cả hội viên nông dân trong xã học tập”.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.