Ký ức hãi hùng của 3 thanh niên Bahnar bị lừa bán sang Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với cái bẫy “việc nhẹ lương cao”, 3 thanh niên ở xã Yang Nam (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã bị lừa bán sang Campuchia.

Tại đây, họ bị ép phải thực hiện hành vi lừa đảo và thường xuyên bị đánh đập vô cớ. Sau hơn 2 tháng sống trong “địa ngục”, phải gọi điện cho gia đình gửi tiền sang chuộc thân, họ mới được trở về Việt Nam.

Cán bộ Công an xã Yang Nam trao đổi với anh Đinh San và Đinh Văn Đá về việc bị lừa bán sang Campuchia. Ảnh: R.H

Cán bộ Công an xã Yang Nam trao đổi với anh Đinh San và Đinh Văn Đá về việc bị lừa bán sang Campuchia. Ảnh: R.H


Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh San (SN 2002, làng Tpôn 2, xã Yang Nam) cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài làm rẫy, vợ chồng anh chăm chỉ đi làm thuê cho người dân trong vùng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Tháng 10-2023, anh bất ngờ được một đối tượng không quen biết gửi lời kết bạn trên mạng xã hội Facebook. Sau nhiều lần nhắn tin hỏi thăm tình hình đời sống, đối tượng này hứa hẹn sẽ giúp anh tìm công việc đóng gói, vận chuyển mỹ phẩm tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương hấp dẫn.

Tin lời, ngày 16-10-2023, anh San rủ Đinh Văn Đá (SN 2007, làng Tpôn 2) và Đinh Dun (SN 2006, làng Tpôn 1, xã Yang Nam) đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh. Khi đến Bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh), 3 người được các đối tượng đón lên xe chở đi.

“Khi lên xe, do mệt mỏi, cả 3 chúng tôi ngủ thiếp đi. Đến ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi nghe người ta nói với nhau bằng ngôn ngữ lạ, lại thấy dọc đường có nhiều bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài. Lúc này, chúng tôi mới biết đã bị bọn buôn người lừa bán sang Campuchia”-anh San kể.

Sau khi bị bán cho ông chủ người Trung Quốc, nhóm của anh San bị ép buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo thông qua các ứng dụng, trang mạng xã hội. Để đáp ứng yêu cầu công việc, hàng ngày, nhóm của anh bị ép phải học thuộc các nội dung, cách thức lừa đảo. Do không thành thạo việc đánh máy vi tính, không biết cách lừa đảo nên 3 người không đạt doanh số theo chỉ tiêu.

Vì vậy, cả 3 thường xuyên bị các đối tượng chửi bới, đánh đập. Không những thế, họ còn bị các đối tượng ép làm việc tới khuya và bắt chạy bộ hàng chục cây số nên sức khỏe ngày càng giảm sút.

“Nhiều lần chúng tôi xin về Việt Nam thì đều bị họ đánh. Biết cả 3 người không đáp ứng được công việc nên ông chủ yêu cầu nộp tiền chuộc. Đến cuối tháng 12-2023, chúng tôi đã liên lạc với gia đình. Khi 3 gia đình bán các tài sản có giá trị gom góp đủ 150 triệu đồng tiền chuộc thân và 30 triệu đồng tiền xe chuyển qua cho bọn chúng thì mới được thả về Việt Nam”-anh San cho biết.

Đối với Đinh Văn Đá, những ngày tháng bị lừa bán, bị ép buộc lao động tại Campuchia giống như sa vào “địa ngục trần gian”. Gia cảnh khó khăn và mong muốn đỡ đần cho gia đình, để có chi phí vào TP. Hồ Chí Minh làm “việc nhẹ lương cao”, Đá đã phải cầm cố chiếc xe máy của mình.

Tuy nhiên, khi đến nơi, Đá mới biết mình đã bị dính vào bẫy lừa của bọn xấu. Giờ trở về, tài sản có giá trị đã bán hết nên gia đình Đá rơi vào cảnh lao đao.

Đá chia sẻ: “Em là con đầu trong gia đình có 5 anh em, hoàn cảnh khó khăn. Bố mất sớm nên em chỉ học đến lớp 4 rồi nghỉ. Em đi làm để kiếm tiền lo cho cuộc sống, giúp gia đình bớt khổ. Nào ngờ, em lại bị kẻ xấu lừa nên gia đình phải bán đất đai, gia súc để chuộc thân.

Tại nơi em làm việc cũng có rất nhiều người Việt Nam bị bọn chúng lừa đảo và ép làm việc tương tự. Chúng ác lắm, chửi bới, đánh người bất cần lý do. Khi về tới nhà, em rất mừng, như từ cõi chết sống lại.

Bây giờ, em phải cố gắng lao động, giúp gia đình mua lại đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Em mong mọi người phải cảnh giác, đừng tin theo những lời hứa việc nhẹ lương cao rồi rơi vào bẫy lừa”.

Trao đổi với P.V, Thượng úy Lê Ngọc Thành Hoàn-Phó Trưởng Công an xã Yang Nam-thông tin: Ngay sau khi xác minh 3 công dân Đinh San, Đinh Văn Đá và Đinh Dun trở về địa phương, Công an xã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên các gia đình ổn định tinh thần. Để xảy ra sự việc trên là do nhận thức của 3 công dân còn hạn chế.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ban ngành, đoàn thể và 3 công dân này tuyên truyền tại các thôn, làng về hình thức lừa đảo trên mạng xã hội để người dân địa phương nâng cao nhận thức.

Người dân nếu có nhu cầu về việc làm cần đến các trung tâm giới thiệu việc làm, doanh nghiệp uy tín. Khi đi lao động, người dân phải ký hợp đồng và có xác nhận của chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi của mình”-Phó Trưởng Công an xã Yang Nam cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Bị xe ô tô tông trúng, 1 phụ nữ tử vong

Bị xe ô tô tông trúng, 1 phụ nữ tử vong

(GLO)- Sáng 3-5, ông Trịnh Quốc Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Drăng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông khiến 1 người dân cư trú trên địa bàn xã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Khi biết Công ty AIC đồng ý cho Công ty Gene Việt liên danh gói thầu giai đoạn 1 dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Phan Quốc Việt liền chỉ đạo giao lại Cty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay vì thấy công ty này chưa đủ năng lực.