Ký ức củ mài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 46 năm thống nhất đất nước, cái đói không còn ám ảnh người dân xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Nhưng trong ký ức của nhiều người, củ mài-một loại củ rừng đã giúp cứu đói trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và những năm đầu sau ngày hòa bình vẫn còn sâu đậm.
Nhắc đến củ mài, già làng Kpă Pryt (buôn Ia Rnho) bồi hồi: “Trong nhiều loại củ rừng, rau rừng chống đói cho người dân vùng này, củ mài vẫn được xem là số 1”. Già làng Pryt kể, Đất Bằng có địa hình khá đặc biệt với núi nối vào nhau liên hoàn. Sâu trong những dãy núi chính là “thánh địa” của cây củ mài.
Sau ngày giải phóng, cuộc sống vẫn đói khổ, già trẻ, gái trai đều phải lên núi đào củ mài. Có những ngày cả làng hơn 50 gia đình Jrai lên núi tìm củ mài về ăn chống đói. Vì vậy, đến trẻ con cũng nhận diện được cây mài giữa mênh mông cây rừng.
Củ mài có 3 loại, loại củ có vỏ màu đỏ hồng, loại có vỏ màu nâu vàng, ruột hơi ngà và loại có ruột trắng muốt. Cả 3 đều có chung đặc điểm dễ nhận ra là lá xanh đậm hình trái tim, thân to bằng bắp tay người lớn, nhưng lại là loại dây leo tựa như cây sắn dây. Ngon nhất và cũng khó tìm nhất là loại củ mọc sâu trong rừng, có vỏ màu nâu vàng, ruột trắng mềm. Các loại củ mài nói chung chỉ ngon nhất khi dây đã lụi, lúc đó củ mài già nên ăn bùi hơn.
“Củ mài ăn sâu vào lòng đất cả mét, rất khó đào. Ở chỗ thuận lợi thì nhường cho đàn bà, trẻ em, còn thanh niên khỏe mạnh thì vào sâu trong rừng hoặc lên trên đỉnh núi cao. Hình như cây củ mài mọc ở nơi hiểm trở thì càng ngon. Cũng có khi các gia đình dắt díu nhau đi sâu vào rừng ở 2-3 ngày để tìm loại củ ngon nhất về ăn cho đỡ ngán”-ông Pryt kể.
Già làng Pryt cho biết thêm, củ mài đào về lột vỏ và rửa cho bớt nhớt, sau đó cắt khúc hấp cơm, nhưng thường chỉ 1 phần gạo “cõng” 4-5 phần củ mài. Hoặc khi hết gạo, củ mài đem nấu canh và thả vào vài cọng rau rừng ăn thay cơm. “Bây giờ thỉnh thoảng ăn thấy ngon chứ hồi đó dọn mâm cơm, thấy củ mài nhiều trẻ nhỏ khóc ré lên”-già Pryt nhớ lại.
Ấy thế mà có những năm củ mài trên núi không đủ cứu đói, có nhà lên núi cả ngày phải về tay không, phải nhờ người trong buôn san sẻ. “Những năm 2001-2002, một số gia đình vẫn còn đi đào củ mài về ăn. Có nhà phải ăn độn vì thiếu gạo, nhưng cũng có người ăn vì nhớ hương vị của nó”-ông Pryt nói rồi cười xòa.
Ký ức về củ mài vẫn được các thế hệ ở Đất Bằng nhắc nhớ trong những câu chuyện hàng ngày. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ký ức về củ mài vẫn được các thế hệ ở Đất Bằng nhắc nhớ trong những câu chuyện hàng ngày. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thuộc thế hệ 9X, chị Hnen sinh ra khi cái đói đã lùi xa. Chị cũng có những kỷ niệm với loại củ chống đói này khi được nghe kể từ người già. Dường như củ mài và những ký ức của một thời đói cơm lạt muối đã trở thành kỷ niệm chung của làng.
“Mình cũng từng theo người lớn lên núi đào củ mài vài lần. Nhưng thế hệ mình không phải ăn mài độn cơm mà vì tò mò và muốn nếm thử hương vị của nó. Cha mình cùng thời với già làng Pryt, cũng từng chiến đấu ở vùng Đất Bằng. Những câu chuyện như vậy làm mình tự hào vì ngay trong những năm tháng đói khổ nhất, người Jrai vẫn một lòng tin theo cách mạng, góp phần làm nên truyền thống vẻ vang cho vùng đất anh hùng”-Hnen nói.
Vài năm trở lại đây, khi tôi theo đuổi chế độ ăn thực dưỡng (chú trọng các nhóm thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc tự nhiên) và tập thể dục cường độ cao, được khuyến khích ăn củ hoài sơn (củ mài) trong thực đơn. Không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, hoài sơn còn là một loại dược liệu, một vị thuốc quý trong Đông y. Giá trị dinh dưỡng cao, củ mài không chỉ chống đói cho người Tây Nguyên trong thời gian dài mà còn giúp họ khỏe mạnh, thông tuệ, sáng tạo những giá trị văn hóa đặc sắc.
Trong từ điển dược liệu phương Tây, củ mài là loài thực vật thuộc họ củ nâu (Dioscoreaceae), tên khoa học là Dioscorea Persimilis. Đây là loại cây phát triển mạnh ở rừng núi nhiệt đới. Do có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên hiện nay, nhiều bài thuốc bổ có thành phần của loại củ này. Một số địa phương ở miền núi phía Bắc đã trồng và khai thác cây củ mài để phát triển kinh tế.
Còn ở vùng căn cứ kháng chiến Đất Bằng, già Pryt cho biết, củ mài vẫn còn nhiều trên các ngọn núi, trong những cánh rừng mênh mông. “Bây giờ, đời sống no đủ nên không còn ai phải lên núi đào củ mài ăn thay cơm nữa. Nó chỉ còn trong ký ức mà thôi”-già làng hồn hậu cho biết.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.