Kỷ niệm với bác Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay tôi, tới khi lên Pleiku nhận công tác, cũng đâu nghĩ người mình gặp chiều hôm ấy, cái hôm tôi đi một vòng thám thính trước khi chính thức bước chân vào số 4 Trần Hưng Đạo, trụ sở Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum đã gặp bác Núp rồi.

Để rồi từ đó, những kỷ niệm với bác Núp cứ nối dài theo năm tháng.

1. Khoảng năm 1983, tôi khi ấy thành người Pleiku được khoảng 2 năm, với tư cách chủ nhà, đón một nhóm sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách khoa Đà Nẵng lên thực tập. Là tôi có người quen trong nhóm ấy thôi. Có 2 điều khiến các bạn ấy ngạc nhiên, một là Pleiku có... điện. Là xe chạy từ Đà Nẵng sáng sớm, đến Pleiku lúc nửa đêm, khi tới bến xe, chỗ Khách sạn Mường Thanh bây giờ, cả xe reo ầm lên: Có điện! Và 2, hôm sau khi qua đường Hoàng Hoa Thám, tôi bảo bác Núp ở trong ấy, nếu muốn gặp thì chiều quay lại, ông ấy hay chơi với cháu trước sân vào buổi chiều, sau giờ làm việc. Tất cả lại ồ lên: Ơ bác Núp còn sống à?

Thì ngay tôi, tới khi lên Pleiku nhận công tác, cũng đâu nghĩ người mình gặp chiều hôm ấy, cái hôm tôi xuống bến xe xong, vào thuê khách sạn ngay ngã ba Diệp Kính ấy, vứt ba lô vào đấy, đi một vòng thám thính trước khi chính thức bước chân vào số 4 Trần Hưng Đạo, trụ sở Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum, trình quyết định phân công công tác để chính thức trở thành người Pleiku, đã gặp bác Núp rồi, nhưng vẫn hoàn toàn không biết đấy là nhân vật của cả tiểu thuyết lẫn âm nhạc “Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao/có anh hùng là chim đầu đàn/gương anh Núp đánh Tây giữ làng”...

22-1426.jpg
Tác giả (bìa phải) cùng các nhà văn chụp ảnh lưu niệm với Anh hùng Núp. Ảnh: H.H.G

Thì đang đi thơ thẩn thế, cuối năm dương lịch, chiều muộn, trời lạnh và gió, nhưng lại nắng, nắng ong vàng, thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc nguyên bộ complet nhưng đi dép, đứa trẻ con trên vai, ung dung đi trên con đường đầy bóng cây xanh. Mấy hôm sau, tôi được giao nhiệm vụ tiếp cận Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai-Kon Tum giúp một việc liên quan văn bản. Và trời ạ, thì ra tôi đã gặp ông trong cái chiều đầu tiên đặt chân đến Pleiku ấy.

Rồi sau này nhiều lần tiếp cận, giúp việc cho ông. Rồi đi cùng ông về cơ sở, có chuyến đi gần cả tuần, lang thang, đúng nghĩa là lang thang, từ làng này sang làng kia, dù dự định ban đầu là xuống thị trấn Dân Chủ (xã Krong, huyện Kbang), chiến khu một thời, rồi về làng ông, làng Stơr nhưng sau nổi tiếng thành làng Kông Hoa trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”.

Đi mới thấy, ông quả là một người có tâm hồn thi sĩ, hết sức thi sĩ. Ông phiêu bồng trong ký ức, trong những kỷ niệm. Ông hát, ông nói, ông uống (rượu cần), thậm chí như quên thực tại, ông trở về cái thời gian khổ nhưng oai hùng của mình.

2. Tôi nếm trận sốt rét rừng đầu tiên là đợt đi với ông xuống thị trấn Dân Chủ ấy. Tới nơi thì đã tối, là xuất phát ở Pleiku từ sáng sớm, ghé Mang Yang, tới mấy làng. Anh lái xe biết tính ông rồi, nói nếu không giục thì ông sẽ... ở đây đêm nay chứ không xuống Dân Chủ được đâu, nên chúng tôi phải cố thuyết phục ông lên xe.

Giữa rừng, cây cao vút, soi ngược đèn pin lên chỉ thấy thăm thẳm lá. Tôi và anh lái xe của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được giao một... con chó. Bên bờ suối, chúng tôi xử lý cậu vàng, tới khoảng nửa đêm thì mới được ăn. Và cái thời gian ở bờ suối ấy, tôi làm mồi cho muỗi, về Pleiku sốt rét vật ngay. Cũng may, người nhà làm ngành Y nên chỉ mấy ngày là khỏi.

Tôi lục trong sổ tay. Thì cái bữa tối ăn khuya ấy, phải gần 2 giờ sáng, chúng tôi mới leo lên võng và trên cái võng đung đưa giữa rừng ấy, tôi đã nguệch ngoạc những dòng này: “Lịch sử văn chương và âm nhạc Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ, ấy là một nhân vật văn học và âm nhạc đã tồn tại cùng với tác phẩm mà mình là nhân vật chính hàng hơn nửa thế kỷ, tác phẩm nổi tiếng và nhân vật cũng nổi tiếng. Một tiểu thuyết viết về toàn cái tốt, cái đẹp mà nổi tiếng. Ca khúc cũng thế, rặt ca ngợi mà lại rất đắm đuối, rất ngọt, rất vào. Rồi nữa, tác giả tiểu thuyết và nhân vật cũng gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ. Họ có những kỷ niệm cực đẹp về nhau. Và từ nhân vật ấy, cả cộng đồng làng đã coi tác giả văn học là người của cộng đồng mình. Cặp bài trùng anh hùng nghệ sĩ này là một hiện tượng của văn chương Việt Nam, của một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc và nó sẽ còn sống mãi, không chỉ trong văn chương, mà trong ký ức của những người đã sống, đang sống và sẽ còn mãi đến mai sau. Không ai quên và không được phép quên lịch sử.

Và may mắn thay, văn chương nghệ thuật đã góp phần làm nên lịch sử, lưu giữ lịch sử cùng với những con người bình dị Stơr hôm nay. Trong họ có một phần lịch sử. Lịch sử nhỏ nhoi từ cái giọt nước mắt trùng phùng đến cả một dân tộc vĩ đại, từ cái bến nước nơi Núp đã trao vòng cầu hôn cho Liêu đến cái dáng còng của bà Ch’rơ, người em của Liêu, người vợ nối dây tảo tần chịu thương chịu khó của Núp. Từ ngọn Kon Ka Kinh hùng vĩ đến dấu tích hầm chông bẫy đá vẫn còn ở làng Stơr ngày nào”...

11-4033.jpg
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ảnh: Ngọc Duy

3. Trong cuộc đời của mình, có ít nhất 3 người đàn bà đã đi qua cuộc đời Anh hùng Núp với tư cách là vợ. Người thứ nhất là H’Liêu, tên thật và cũng là tên nhân vật trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Bà H’Liêu sinh một người con trai là H’rup rồi mất trước khi ông Núp tập kết ra Bắc. Tôi đã ngồi ở cái con suối mà tác giả tiểu thuyết tả mở đầu tiểu thuyết rằng ông Núp trao vòng cho Liêu ấy. Con suối trong vắt chảy từ ngọn Kon Ka Kinh hùng vĩ uốn lượn giữa rừng già trước khi chảy qua làng Stơr, tức Kông Hoa trong “Đất nước đứng lên”.

Nhưng có chuyện này thì phải vài chục năm sau, khi xuống dự lễ tưởng niệm 10 năm Ngày mất của Anh hùng Núp, tôi mới biết, ấy là trước khi ông Núp cõng con trai H’rup vượt Trường Sơn ra Bắc tập kết, thì ông đã được dòng họ làm lễ trao vòng nối dây với em gái ruột của H’Liêu là bà Ch’rơ lúc này còn rất trẻ, mới chừng 13, 14 tuổi...

Vào năm 1963, ông Núp từ Hà Nội vượt Trường Sơn vào thị trấn Dân Chủ, rất gần quê ông Núp, bây giờ chỉ chạy hơn tiếng đồng hồ xe máy, nhưng thời ấy phải đến năm 1967 tổ chức mới đưa bà Ch’rơ từ làng Stơr ra cứ với ông được. Bà trở thành vợ nối dây của ông và là người cấp dưỡng phục vụ cho ông từ dạo ấy...

Lại nhớ kỷ niệm, khi nhà văn Nguyễn Khắc Trường vào Gia Lai. Trước đấy, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã có cái bút ký về Anh hùng Núp, muốn gặp để viết sâu hơn, thành một cuốn sách. Ông bảo tôi tìm cách có một chuyến đi với ông, chỉ mấy anh em văn chương thôi. Tôi bàn với nhà văn Chử Anh Đào, anh phân công luôn: Anh sẽ lo xe lên Kon Tum, còn lên tới đấy thì cụ Núp là “pháo” rồi, anh em ta chỉ là pháo thủ, Kon Tum sẽ đón tiếp pháo rất trọng thể, không lo việc ăn trưa. Ông Hùng, tức tôi, lo làm việc với MTTQ Việt Nam tỉnh, “mượn” ông Núp.

Tôi sang gặp chú Thiệu-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói chuyện “mượn” cụ Núp với 2 lý do. Một là nhà văn Nguyễn Khắc Trường muốn tiếp xúc với ông để viết sách và 2 là sinh viên Trường Trung cấp Sư phạm Kon Tum muốn được tiếp xúc với người anh hùng huyền thoại của họ. Lúc này, ông Núp và vợ là bà Ch’rơ đang ở một phòng ngay trong trụ sở cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ông Thiệu giao hẹn, trả đúng giờ và không được để ông Núp... say.

Kết quả, cả 2 sự giao hẹn ấy đều... không thực hiện được. Phải 10 giờ đêm, chúng tôi mới về tới Pleiku và 2 là, ông Núp rất say. Sáng hôm sau, khi tôi vào xem tình hình ông Núp thế nào thì gặp ngay chú Thiệu đang ở đó và “nghiêm khắc phê bình” chúng tôi. Khổ, tôi bảo lên tới Kon Tum thì chúng tôi không thể làm chủ tình hình được nữa, rất nhiều nơi chèo kéo và nơi đâu ông Núp cũng hết mình.

Một chuyện nữa cũng nhớ. Hôm ấy, tự nhiên chị Sáu-Phó Giám đốc Sở Y tế gọi: “Hùng ơi giúp chị, sang bệnh viện chụp ảnh cụ Núp”. Nể chị nên tôi cũng... liều, đeo cái máy ảnh Pratika đời đầu sang bệnh viện. Thì ra là Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương vào thăm ông trong bệnh viện. Phòng hẹp, thế mà tôi cũng cố chụp được cái ảnh đủ mặt các nhân vật chính mà không dàn dựng gì, thậm chí các nhân vật không biết mình bị chụp. Ảnh này sau dùng làm bìa tạp chí của Sở Y tế.

*

Thời chiến tranh khốc liệt, vùng Gia Lai có nhiều bài hát rất hay, rất trữ tình, thăm thẳm tâm trạng, những là “Dấu chân trên rừng” (Vĩnh An), “Vui mùa chiến thắng” (Văn Chừng), “Ca ngợi Anh hùng Núp” (Trần Quý)... Những bài hát hay cả ca từ và giai điệu. Cái giai điệu hào hùng nhưng da diết, hoành tráng mà trữ tình, trong sáng nhưng vẫn gieo thổn thức, gieo cảm xúc chiều sâu, đến giờ nghe vẫn thích.

Và tôi đã lặng người đi khi nghe cái bài hát “Ca ngợi Anh hùng Núp” được phát liên tiếp ở Hội trường 20 Lê Hồng Phong ngày ông mất. Lặng người nghe và lặng người thấy những hình ảnh rất xúc động: Trước giờ chuẩn bị di quan, những người dân bình thường, có nhiều chị nhiều cô bán vé số hấp tấp chạy vào thắp hương tiễn ông...

Có thể bạn quan tâm

Công trình nhà máy thuỷ điện Krông Pa 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: V.T

Công bố 6 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh an toàn đập, hồ chứa thủy điện

(GLO)- UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 413/QĐ-UBND công bố Danh mục gồm 5 thủ tục hành chính mới và 1 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Gia Lai có 8 huyện, thị đã thực hiện xử lý xong dữ liệu hộ tịch sai lệch

Gia Lai có 8 huyện, thị đã thực hiện xử lý xong dữ liệu hộ tịch sai lệch

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính tháng 4-2025. Đối với việc rà soát, xử lý sai lệch giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 8 địa phương đã hoàn thành.

Gia Lai: Trên 216 tỷ đồng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5-2025 trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Gia Lai: Trên 216 tỷ đồng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5-2025 trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5

(GLO)- Tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai, từ ngày 25-4 đến ngày 28-4, BHXH tỉnh thực hiện kỳ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng của tháng 5-2025 sớm hơn so với thường lệ và đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam.

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Đak Đoa trợ cấp xã hội cho em Nêu

Đak Đoa trợ cấp xã hội cho em Nêu

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) ban hành quyết định 1097/QĐ-UBND ngày 21-4-2025 về việc trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 và Nghị định 76/2024/NĐ-CP ngày 1-7-2024 của Chính phủ.