Kỳ 3: Câu chuyện làm ăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi thì nhiều nhưng nhiều lần đi cũng chỉ là “cỡi ngựa xem hoa” trên xứ sở Lane Xang, cho nên người viết thành thật xin lỗi trước về những “chuyện nhặt” dọc đường này chưa chắc đã hoàn toàn chính xác, song như đã nói từ trước, không cầu toàn, cứ biết gì, nghe gì, thấy gì, hiểu gì thì nói nấy và để “cửa mở” cho mọi sự đóng góp, bổ sung về sau vậy. Và kỳ này là từ chuyện làm ăn “hiện đại” như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở nơi có thời mà theo những người Việt định cư tại đấy gọi là “rừng thiêng nước độc”...

.
 Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Anh Phan Thanh Thủ-người của Tập đoàn HAGL bất ngờ khi thông báo với mọi người trong đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Gia Lai tại Attapeu hôm 24-6-2014, tin vui làm mọi người từ ngạc nhiên này đến sự khâm phục kia... Cũng nên nhắc lại vài con số đáng nhớ mà chưa có dịp nêu ra về sự đầu tư của HAGL mà anh Thủ cho biết, từ khi đặt chân lên Attapeu, Vientiane đến tháng 6-2014, HAGL đã đưa vào Lào trên 1,2 tỷ USD để xây nên những công trình sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội. Trong vùng dự án của mình, đã có 4 cây cầu phục vụ dân sinh và sản xuất, hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông và điện lưới về đến các cụm dân cư, 2.000 ngôi nhà ở cho người lao động của doanh nghiệp và lương bình quân của họ hàng tháng 250 USD.

Cây trồng, vật nuôi ở đây, cho dù những ruộng mía, cỏ, cọ, cao su có đến hàng ngàn ha/thửa, nhưng HAGL làm như nó chỉ là một mảnh vườn, các loại cây trồng vừa nói đều tưới nước vào mùa khô và bón phân theo lịch trình và nhu cầu “ăn” của chúng. Cho nên, mía có năng suất trung bình 120 tấn/ha để đáp ứng quanh năm cho nhà máy đường với công suất 7.000 tấn/ngày và cho ra 30 MW điện từ bã mía sau khi đã lấy hết đường; tại nhà máy này lại có một dây chuyền sản xuất cồn công nghiệp đang trong quá trình đầu tư. Tận dụng “rác” của công đoạn này làm nguyên liệu cho công đoạn sản xuất tiếp theo là một trong những hình thức sản xuất “sạch”, mà ít có doanh nghiệp nghĩ đến, cho nên môi trường ngày càng bị hủy hoại bởi rác thải công nghiệp. Còn có thể nói, cọ trồng chỉ một năm đã cho quả, hy vọng tương lai gần những bạt ngàn đồng cọ kia sẽ đem lại lợi nhuận nhiều tỷ đồng cho mỗi chu kỳ sản xuất của doanh nghiệp.

 

Hệ thống nhà hàng, siêu thị do Tập đoàn HAGL đầu tư tại Vientiane. Ảnh: Bích Hà
Hệ thống nhà hàng, siêu thị do Tập đoàn HAGL đầu tư tại Vientiane. Ảnh: Bích Hà

Quan sát thật kỹ một lúc, chỉ riêng chuyện cái máy công cụ thu hoạch mía, thấy bao chuyện lạ mà đang diễn ra trước mắt... “chiếc máy này đã được cải tiến, làm chức năng thu hoạch mía, nó “gắp” đủ 300 kg thì “bỏ” lên xe tải bên cạnh, khi đủ trọng lượng của xe thì dừng..., công suất của máy đạt 300 tấn/ngày; cũng loại máy này còn làm chức năng trồng và chăm sóc mía; riêng trồng, công suất đạt 1 ha/ngày/máy...”-anh Thủ bảo vậy. Liên tưởng điều này về kiểu trồng mía của bà con nông dân Gia Lai mà thấy bao điều trăn trở; rồi một ngày gần đây, chuyện hội nhập, mở cửa, nhiều loại nông sản hàng hóa khi xuất và nhập khẩu thuế suất bằng không (0%), thì làm ăn kiểu nông dân mình liệu có tồn tại được, khi mà nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến với cái giá trên trời, bởi năng suất cây mía ngoài ruộng quá thấp, diện tích manh mún, làm ăn nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư về khoa học, kỹ thuật như hiện nay, và như thế giá thành và giá bán sản phẩm ra thị trường liệu có được chấp nhận? Và sự phá sản từ đồng ruộng đến nhà máy là điều chắc chắn!

Nói đến chuyện trồng cỏ nuôi bò, lại cũng là câu chuyện dài hấp dẫn, anh Thủ bảo, rồi đây sẽ định hình khoảng 2.000 ha cỏ để nuôi chừng 100 ngàn con bò thịt (hiện đã có trên 50.000 con như đã nói ở phần đầu); trong nước việc trồng cỏ nuôi bò không còn lạ nữa, song kiểu trồng cỏ mà tưới nước với những cánh đồng ngút ngàn tầm mắt thế kia để đạt 500 tấn/năm là chuyện chưa nghe, chưa thấy, lại còn lưu gốc được những 4 năm, thu hoạch 6 lần/năm, bình quân 60 USD/tấn cỏ. Trên những cánh đồng mênh mông cỏ, mía, cọ... chỉ lác đác người và máy móc, thế mà ở đấy lại diễn ra sự lao động khẩn trương, chăm chỉ, mang đẫm hàm lượng của khoa học và công nghệ, điều đáng mừng cho nền nông nghiệp nước nhà có những nhà đầu tư như HAGL.

 

Một số mặt hàng của Việt Nam được bày bán ở nhiều chợ, siêu thị của Lào. Ảnh: Bích Hà
Một số mặt hàng của Việt Nam được bày bán ở nhiều chợ, siêu thị của Lào. Ảnh: Bích Hà

Có dịp cùng chuyến đi cả tuần với nguyên Tổng Giám đốc HAGL Nguyễn Văn Sự, mới thấy cách làm ăn của họ, trong đó, tôi thật khâm phục sự làm việc hết mình của vị nguyên Tổng Giám đốc người xứ Quảng này. Dừng lại ăn trưa trên chặng đường dài xuyên biên giới giữa Lào và Campuchia ở một khu rừng nguyên sinh mát rượi, thức ăn, đồ uống đã chuẩn bị sẵn trên xe, là những hộp cơm và đồ ăn nguội, nước suối đóng chai, anh bảo, “mọi người thông cảm, khi có điều kiện sẽ... nhậu sau, giờ thì chỉ vầy thôi nhé”. Bữa cơm giữa rừng, giữa đường vừa xong, anh đã cặm cụi với cái máy tính xách tay, gọi tôi và bảo: Này nhé, đây là... là sẽ bạt ngàn rừng cọ, cỏ, cao su, mía và bò nhé-anh chỉ những nơi đã đánh dấu cả trong nước và nước ngoài mà ở đó Tập đoàn đã được sở hữu những vùng đất sinh vàng... một viễn cảnh mà không ngoa chút nào khi anh nói đến sự sắp xếp lại ngành nghề, chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp của Tập đoàn HAGL.
 

HAGL hiện là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất ở Lào với số vốn trên 1,2 tỷ USD, gồm cụm công nghiệp mía đường, 6 nhà máy thủy điện; trồng cao su, cọ dầu, bắp, mía với diện tích trên 40.000 ha… giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương; đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội hơn 30 triệu USD... Dự án trồng cỏ nuôi bò đang triển khai, theo ông Phan Thanh Thủ-người được coi là “tư lệnh vùng” tại Nam Lào, thì đến tháng 9-2015 đàn bò thịt cao sản của HAGL ở đây đã có trên 50.000 con. Và được biết doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhiều khu, cụm thương mại, dịch vụ tại Vientiane.

Tôi lại tự nghĩ, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh họ làm gì được đấy, lời lãi ít nhiều gì cũng có, làm đâu ra đó, cái khó chẳng bó nổi cái khôn, cơ chế chính sách của Nhà nước “ban cho” thì giữa họ với doanh nghiệp có yếu tố nhà nước thì họ là người chịu thiệt hơn, thế sao doanh nghiệp nhà nước làm đâu thua lỗ đó, cái khó bó hết cái khôn; doanh nghiệp ngày càng rơi vào bờ vực phá sản, còn lãnh đạo doanh nghiệp thì giàu lên trông thấy.

Lại nhớ, Bác Hồ từng dạy, cán bộ, con người cái gốc cái cội của mọi thành công. Tôi tin chắc ở Tập đoàn HAGL tuy có trên 150 đảng viên, một Đảng bộ đã có lần tôi viết bài ca ngợi, động viên họ nhưng sự tổ chức quán triệt và học tập về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không thể tốt hơn những nơi khác, thế mà đội ngũ cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp của họ lại làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác thật sự có hiệu quả.
 

Ông Nguyễn Văn Sự, người thứ nhất từ phải sang. Ảnh: B.H
Ông Nguyễn Văn Sự, người thứ nhất từ phải sang. Ảnh: B.H


Lan man không khéo lạc đề, trở lại chuyện làm ăn, hỏi một công nhân trong nhóm đang chăm chỉ với công việc hoàn thiện những công đoạn cuối cùng ở trại nuôi bò về những chuyện khá... phổ thông. Anh bảo anh là người đồng hương với Chủ tịch Tập đoàn Đoàn Nguyên Đức, sợ tôi không hiểu, anh bảo “Bình Định đấy, nhưng mà họ Bùi-Bùi Thanh Hiển”. Còn về thu nhập, “thì ít thôi, thợ cơ khí mà, chỉ có 13 triệu đồng mỗi tháng, sau khi trừ tiền ăn, còn chỗ ở thì được bao không”-anh Hiển nói trong vẻ tự hào. Còn nữ nhân viên phục vụ người Lào xinh đẹp có tên Việt là Ly ở Khách sạn HAGL-Attapeu thì giấu bặt chuyện lương bổng, cô nói khá sõi tiếng Việt, bảo cũng như mọi người ở Attapeu được vào làm việc với HAGL thì rất mừng, hết khổ, bớt nghèo sao không mừng được.

Tạm biệt những người thân thích ở Attapeu, tôi luôn nuôi hy vọng rồi một ngày kia HAGL sẽ “di thực”, sẽ “nhập khẩu” cách làm ăn ở đây về Việt Nam, về Gia Lai; cùng với việc làm giàu cho xứ nghèo của bạn ở nước Triệu Voi thì cũng phải đóng góp phần quan trọng cho chuyện mở ra một lối làm ăn mới, hỗ trợ cho những người “đồng hương” có cơ hội phát triển, hội nhập với các đàn anh đàn chị khi các ký kết, các hiệp định giữa các nước trong khu vực và thế giới chính thức có hiệu lực. Nói thêm, khi tôi viết bài này, thì tại Gia Lai, HAGL đã đầu tư, liên kết đầu tư mở ra nhiều trại chăn nuôi với hàng vạn con bò thịt giống ngoại, chất lượng cao và hàng ngàn con bò sữa, có mấy ngàn ha cỏ cho chăn nuôi và có cả mấy nhà máy chế biến thịt, sữa đang giai đoạn hoàn thành đưa vào khai thác...

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.