(GLO)- Sở dĩ người tiêu dùng chưa mặn mà với rau an toàn bởi không phân biệt được đâu là thật-giả. Do vậy, việc xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm thật sự cần thiết để tạo dựng niềm tin của họ đối với thị trường này.
Chọn giống sạch
Đa số người tiêu dùng hiện nay thường tìm mua sản phẩm rau an toàn thông qua các kênh như: người quen, cửa hàng uy tín, thậm chí là... tự trồng. Tuy nhiên, những sản phẩm “sạch” này liệu có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng ngay từ khâu lựa chọn đầu tiên hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bởi lẽ, muốn có rau sạch, trước tiên phải chọn được giống sạch.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Thiện ra mắt mô hình Tổ liên kết sản xuất rau sạch. Ảnh: Q.T |
Ông Võ Việt Hùng-Giám đốc Công ty TNHH Quế Lâm Tây Nguyên đưa ra quan điểm, để có rau sạch và an toàn, yếu tố đầu tiên là phải chọn giống. Giống ở đây phải sạch, được nhập về từ những đơn vị sản xuất, cung ứng có chứng nhận. “Trước kia thì rau sạch thật, bởi không có thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Lúc đó cũng chưa có những trung tâm nghiên cứu và chuyển giao giống rau đảm bảo chất lượng. Còn bây giờ, người sản xuất nên bỏ thói quen tự chọn giống theo kinh nghiệm nếu muốn làm rau sạch”-ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, 2 ha rau của Công ty được thực hiện theo quy định “5 không”: không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc bảo quản và không giống biến đổi gen. “Rau ở đây không mơn mởn như những vườn rau thông thường nhưng đảm bảo sạch. Bởi lẽ, rau được bón phân hữu cơ vi sinh do chính đơn vị sản xuất”-ông Hùng cho biết.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú, bày tỏ: “Không ít nhà vườn vì chạy theo lợi nhuận nên đã “tắm” thuốc bảo vệ thực vật cho rau. Do vậy, lượng hóa chất độc hại tồn dư trong hạt là rất lớn. Nếu lấy những hạt ấy làm giống thì sẽ tự đầu độc vườn rau cho vụ sau”.
Có lẽ chính vì vậy mà vườn rau rộng 3 ha của doanh nghiệp này được trồng khép kín bởi hệ thống nhà lồng hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn VietGAP. “Hàng năm, doanh nghiệp tiến hành đánh giá các mối nguy về hóa-sinh và vật lý của vùng đất trồng, nếu không phù hợp phải xử lý các mối nguy tiềm ẩn từ đất. Các bước này đều phải ghi chép và lưu hồ sơ cẩn thận. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước giếng khoan để tưới rau cũng phải đạt yêu cầu kỹ thuật”-ông Hoàng thông tin thêm.
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều nông dân đã chủ động xây dựng vườn ươm giống rau. “Thấy bà con trong vùng trồng rau nhưng chất lượng nguồn giống thiếu đảm bảo, tháng 6-2016, tôi đã tự mở vườn ươm cây giống với kinh phí đầu tư 450 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, tôi xuất bán khoảng 10 vạn cây giống, chủ yếu là ớt, bắp cải, cải các loại, cà chua, cần tây… cho nông dân thị xã An Khê và các huyện lân cận. Cây giống của tôi được nhiều người đánh giá đảm bảo chất lượng, thời gian thu hoạch sớm hơn và cho sản lượng cao hơn”-ông Nguyễn Tất Thắng-chủ vườn ươm Thắng Ngân (phường An Bình, thị xã An Khê) vui vẻ nói.
Đầu tư mô hình trồng thủy canh
Rau sạch của công ty Hương Đất An Phú hoàn tất khâu gắn thương hiệu cho sản phẩm chuẩn bị xuất ra thị trường. Ảnh: M.N |
Nắm bắt nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân, một số hộ đã mạnh dạn bắt tay vào trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh. Thay vì sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên, rau được trồng trong môi trường nước, trong các nhà lồng có điều hòa nhiệt độ, có hệ thống làm mát tự động. Người trồng rau không phải tốn công làm cỏ, làm đất và đặc biệt là không cần đến thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất gây hại nào khác vì đã có sự ngăn chặn kỹ càng nguồn lây bệnh từ đất, không khí. Chính vì vậy, sản phẩm đến tay người người tiêu dùng hoàn toàn sạch và an toàn. Tại huyện Đak Pơ-một trong những vựa rau lớn của tỉnh, mô hình này đã và đang được trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, cho biết: Sau khi đánh giá hiệu quả vườn rau thủy canh rộng 100 m2 của anh Nguyễn Hoàng Việt tại xã Phú An, huyện có kế hoạch nhân rộng mô hình này. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang hoàn tất dự án xin vốn khoa học-công nghệ tỉnh năm 2018 (khoảng 1,2 tỷ đồng) để xây dựng và phát triển mô hình này. Với loại rau được sản xuất theo phương pháp thủy canh, người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt được khi mua thông qua những đặc điểm như: bộ rễ dài cỡ 1 gang tay, có màu trắng phau, giá bán đắt gấp đôi rau sản xuất truyền thống…
Trong khi đó, tại vựa rau lớn nhất TP. Pleiku, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú cũng mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn. Đầu năm 2017, đơn vị này đã liên kết với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình trồng cà chua và cải xanh bằng phương pháp thủy canh hồi lưu theo hướng VietGAP trên diện tích 2.000 m2 với kinh phí đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng. “Đây là hướng đi đúng nhằm góp phần ổn định thị trường tiêu thụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và góp phần làm giàu cho người sản xuất rau an toàn; đồng thời cho thấy sự phù hợp với quá trình phát triển đô thị của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực”.
Nhóm phóng viên