Kỳ 2: Đi tìm nguyên nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Ma trận” chất lượng cây giống, nguồn gốc chưa qua kiểm định, người trồng hồ tiêu vô tình phát tán mầm bệnh khắp nơi… là những nguyên nhân khiến “đại dịch” tiêu chết hoành hành.

Mầm bệnh phát tán

Nhìn những hàng tiêu trơ cọc, đôi mắt anh Lê Thanh Hưng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đỏ hoe như chực khóc. Vườn tiêu hơn 1.300 trụ đang trong giai đoạn thu hoạch đột nhiên chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Ban đầu chết rải rác, rồi chết cả vườn, ai bày gì anh cũng thử, đủ cách nhưng vẫn vô phương cứu chữa.

 
 Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, tiêu chết một phần là do người dân chăm bón chưa đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: M.N
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, tiêu chết một phần là do người dân chăm bón chưa đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: M.N

Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc-Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu cho biết: Ở Gia Lai, nhiều vườn tiêu bị nhiễm virus rất nặng. Bệnh này lây lan theo kiểu từ mẹ sang con, nếu lấy giống từ vườn bị nhiễm virus, mầm bệnh sẽ phát tán khắp nơi. Trong khi cây hồ tiêu được nhân giống vô tính, việc cắt cành giâm làm giống khiến cho việc lây lan từ vườn này sang vườn khác càng trở nên nghiêm trọng. Hoặc trong quá trình canh tác, chỉ cần 1 đến 2 trụ trong vườn bị nhiễm mà người dân làm cỏ, cắt cành vô tình không vệ sinh dụng cụ cũng bị lây bệnh sang cây khác.

“Người nông dân mua giống không lựa chọn, điện thoại đặt hàng và cứ thế đầu nậu gom giống từ các vườn chở tới bán, họ đâu quan tâm đến việc tiêu giống có mang mầm bệnh hay không? Nhiều cơ sở kinh doanh cây giống vì lợi nhuận sẵn sàng mua cây giống với giá rẻ, sau đó nuôi bằng thuốc, phân bón ngay trong vườn ươm. Thấy cây giống xanh tốt, người dân mua về trồng khoảng 2-3 tháng thì chết”-Thạc sĩ Ngọc nhận định.

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu: Hiện tượng các vườn tiêu bị nhiễm tuyến trùng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí ngay cả những vườn tiêu đang xanh tốt cũng xuất hiện tuyến trùng. Tất cả các vườn bị bệnh chết nhanh do nấm phytophthora gây ra đều xuất hiện tuyến trùng, đây là một trong những tác nhân đầu tiên tạo ra vết thương để cho nấm xâm nhiễm. Bệnh chết chậm là hiện tượng vàng lá chứ không phải bệnh, do canh tác dinh dưỡng không đảm bảo dẫn đến vàng lá chết chậm. “Chỉ mỗi tuyến trùng thì cây tiêu chưa chết được mà mới hư bộ rễ. Chỉ khi nào xuất hiện mầm bệnh thì tuyến trùng mới trở thành tác nhân tạo ra vết thương khiến cây tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết. Bên cạnh đó, cây tiêu nhiễm nấm fusarium cũng gây ra hiện tượng chết dần, chết mòn”-Thạc sĩ Ngọc cho biết.

Nông dân tự “đầu độc” vườn cây

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Nguyên nhân hồ tiêu chết một phần là do… giá cao. Giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong nhiều năm dẫn đến việc người dân thâm canh quá mức; sử dụng phân bón quá liều lượng; sử dụng phân phức hợp không cân đối tỷ lệ N, P, K và các chất kích thích, phân bón đậm đặc để cho năng suất cao đã làm cho cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại. Một nguyên nhân khác là do nguồn gốc giống không được chọn lọc, không rõ nguồn gốc, bị nhiễm bệnh trước khi đưa ra vườn.

Điều khiến Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc lo lắng là nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về nông nghiệp, đặc biệt là với cây hồ tiêu. Đến giờ người dân còn chưa phân biệt được thuốc sâu với thuốc bệnh, khi cây bị bệnh thì phun thuốc sâu, bị sâu thì phun thuốc bệnh. “Người dân bón phân cho cây hồ tiêu mà mỗi lần bón đến 5-7 lạng, họ cứ nghĩ đằng nào cũng bón vào đất, cây ăn không hết thì từ từ ăn. Nhưng như thế thì quá nhiều trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần từ 1,5 đến 2 lạng/gốc đối với hồ tiêu kinh doanh. Chưa kể cũng lượng phân này nhưng phải chia nhỏ ra bón nhiều lần”-Thạc sĩ Ngọc cho biết.

Ngoài ra, theo hướng dẫn, người dân phun thuốc 2 lần/tuần, mới phun được 2-3 ngày thấy không ổn, họ lại chạy mua thuốc khác về đổ vào thì “không cây nào chịu nổi, tiêu chết một phần cũng là do chính người dân tự đầu độc cây, chưa kể là phân, thuốc có đảm bảo chất lượng hay không?”-Thạc sĩ Ngọc nói. Nhiều người dân cũng tưới quá nhiều, cứ 3 đến 5 ngày tưới 1 lần, cây tiêu dễ bị nhiễm nấm, rồi lại đổ phân, thuốc vào gốc khiến cho dư lượng này tồn đọng trong đất. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc sản phẩm hồ tiêu Việt Nam liên tục bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Qua khảo sát diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê và Chư Pưh mới đây (tháng 3-2017), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Cây tiêu chết là do chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật. Việc sử dụng phân vô cơ quá nhiều thì cây tiêu không thể chống chịu và phát triển lâu dài được. Do đó, người dân cần tăng cường lượng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì chính quyền địa phương cần có biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng để sản xuất các loại phân bón hữu cơ. Có như vậy mới tạo được sự chủ động, bón phân đúng thời vụ nhằm tăng hiệu quả trên cây hồ tiêu.

 Minh Nguyễn
 

------------------------
Kỳ cuối: Siết chặt quản lý nguồn giống

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.