(GLO)- Giữa tháng 5, chúng tôi có chuyến thực tế dọc sông Đồng Nai, con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ Việt Nam, lớn thứ nhì Nam bộ về lưu vực và tiềm năng phát triển thủy điện chỉ sau hệ thống sông Đà. Chính từ điều này, sông Đồng Nai không còn vạm vỡ dòng chảy hay rạng rỡ thác ghềnh mà đã bị “cắt lát” trên chính bề mặt của nó, ngăn trở sự lưu chuyển của dòng thủy sinh vốn từ xa xưa đã ngược từ biển lên tận thượng nguồn. Cũng như bao con sông khác, dòng chảy của Đồng Nai đang hòa cùng dòng phát triển của đất nước qua việc phát điện, tưới tiêu… Nhưng rồi, quá trình đó cũng nảy sinh những tranh cãi giữa con người về việc làm nên lợi ích từ dòng sông mà nhiều khi chính nó mới trả lời được. Và đây là câu chuyện “đánh đổi” giữa sự phát triển với sự mất mát; câu chuyện về một phần số phận của dòng sông…
Đập dâng-đập tràn của thủy điện Đồng Nai 4 và một đoạn sông sau đập bị chết do chuyển nước. Ảnh: Nguyễn Thịnh |
Dòng sông ánh sáng
Sông Đồng Nai có tổng diện tích lưu vực là 38.160 km2 và chiều dài sông là 610 km chảy qua 11 tỉnh, thành phố. Dòng chính sông tính đến thủy điện Trị An có diện tích lưu vực là 15.400 km2 và chiều dài sông là 368 km bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang huyền thoại của tỉnh Lâm Đồng với hai nhánh Đa Nhim (đã được Nhật Bản xây dựng thủy điện từ năm 1964) xuất phát từ huyện Di Linh và nhánh Đa Dâng chảy từ huyện Đức Trọng hợp lưu phía sau thủy điện Đại Ninh thành sông mẹ.
Trên hệ thống sông này, từ ngày 19-11-2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khai thác thủy điện trên sông Đồng Nai với tổng cộng 16 bậc. Từ cao nguyên xuôi xuống, bây giờ có thể bắt gặp rất nhiều nhà máy thủy điện với quy mô lớn. Nhánh chính của sông Đồng Nai có tới 9 bậc thủy điện được Chính phủ quy hoạch theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm: Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5, 6, 8 và thủy điện Trị An. Nhánh sông La Ngà bắt nguồn từ TP. Bảo Lộc của Lâm Đồng gồm có 3 bậc thủy điện gồm Bảo Lộc, Hàm Thuận, Đa My. Nhánh sông Bé bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước hợp lưu với sông Đồng Nai sau hồ Trị An cũng có 3 bậc thủy điện gồm Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng.
Ảnh: Nguyễn Thịnh |
Từ ngày được Thủ tướng phê duyệt, đến nay, trong 16 bậc nói trên chỉ còn thủy điện Đồng Nai 6 và 8 là chưa được triển khai. Còn lại, 14 bậc đã hoàn thành đang đem về công suất điện hàng năm lên tới 2.632 MW cho quốc gia, sản lượng lên tới 10,5 tỷ kWh. Cạnh yếu tố tích cực này, với thủy điện Đa Nhim, có diện tích lòng hồ rộng khoảng 1.100 ha, dung tích 165 triệu m3 nước, trong đó đã có 5% lượng nước được chuyển dòng về phục vụ tưới cho tỉnh khô khát nhất nước là Ninh Thuận. Thủy điện Đại Ninh với 2.000 ha mặt nước, dung tích 320 triệu m3, chuyển 7% lượng nước cứu hạn cho vùng có nguy cơ sa mạc hóa ở huyện Bắc Bình và Bắc TP. Phan Thiết (Bình Thuận) với hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp được hưởng lợi. Ngoài ra, quá trình này cũng đem lại lợi ích về dân sinh và cơ sở hạ tầng cho những vùng tọa lạc. Đây chính là những mặt tích cực về lợi ích của hệ thống sông Đồng Nai đối với kinh tế-xã hội quốc gia.
Và những khoảng tối…
Đi qua thủy điện Đồng Nai 3, có gần 1 km dòng sông bị “chết” do nước được chuyển qua hệ thống đường ngầm rồi mới trả về sông chính. Tại hồ thủy điện Đồng Nai 4, một thân đập cao sừng sững đến 128 mét-chỉ sau thủy điện Sơn La, Bản Vẻ-được xây dựng để ngăn nước. Sau đập này cũng có khoảng 4 km sông bị chết hẳn do nước bị chuyển qua lòng núi. Cây cầu mà chúng tôi đi qua bỗng dưng cao vòi vọi vì nước đã khô cạn hẳn. Những khúc sông ở sau thân đập giờ chỉ còn là những con lạch đầy phèn. Các loại thủy sinh, mặc nhiên, không có khả năng tồn tại.
Theo một số chuyên gia thủy điện, hệ lụy này là do quá trình tính toán xây dựng trước đây chỉ quan tâm đến hiệu suất điện năng mà ít quan tâm đến yếu tố trả nước cho sông mẹ để phục hồi môi trường thủy sinh vốn đã tồn tại ngàn đời. Bên cạnh những đập nước và lòng hồ thủy điện Đồng Nai, những vách núi và những ngọn đồi hầu hết đã không còn rừng, màu xanh có từ cây bụi vẫn đang nhẫn nại hồi sinh “mở đường” cho dòng sông phát sáng. Từ vùng thượng lưu xuống vùng trung lưu của dòng chính sông Đồng Nai hầu hết dân cư thưa thớt; hai bên lòng sông là vách núi dựng đứng. Quá trình này và ngay từ đầu, đã ít nhiều tác động đến sinh cảnh của Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Vùng đệm của VQG Cát Tiên bây giờ. Ảnh: Nguyễn Thịnh |
Kỳ thực, tác động đến Vườn Quốc gia Cát Tiên còn có nhiều yếu tố “lịch sử” của vùng này. Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, làn sóng di dân từ phía bắc đã tạo mới và phân bổ lại cơ cấu dân cư toàn vùng, liên quan đến các tỉnh Lâm Đồng, Đak Nông, Bình Phước trong đó có nhiều ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tại vùng lõi của vườn, hiện nay đã có hàng ngàn hộ dân sinh sống lâu năm, gồm cả đồng bào bản địa và dân nhập cư-đều đã thành dân hợp pháp mà trong quá khứ, họ cùng từng vô thức tác động đến tài nguyên của vùng trong cái nhìn còn bàng quan của giới chức chính quyền ngày đó. Toàn Vườn hiện đã hình thành nên những “vườn quốc gia điều” và một số cây trồng khác rộng đến trên 2.500 ha, ở cả vùng lõi và vùng đệm. Loại cây trồng này vốn cho giá trị kinh tế thấp mà người dân vốn nghèo không có chọn lựa nào khác.
Tại vùng trung lưu của con sông Đồng Nai, khó khăn nhất là khu Cát Lộc (khu A, khu B là khu Nam Cát Tiên) bao gồm địa bàn các xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 huyện Cát Tiên và Lộc Bắc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Có hơn 2.000 người dân sinh sống trong vùng lõi này, phần lớn là đồng bào dân tộc bản địa Châu Mạ, Stiêng. Hiện trạng rừng ở khu Cát Lộc đã bị tác động, xâm lấn nhiều. Đời sống đồng bào khu vực này còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các xã Đồng Nai Thượng và Phước Cát 2 đã thực hiện chuyển đổi khoảng 2.627 ha đất rừng sang đất trồng cây công nghiệp, nông nghiệp lâu năm và ngắn hạn. Điều này một mặt giống như “hợp thức hóa” những tác động vào vườn Cát Tiên trong quá khứ, cũng mở ra hướng đi mới cho một vùng nghèo khó.
Tiến trình này diễn ra khá tương đồng với “lịch sử” mất rừng như ở vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên… trước đây vậy.
Nguyễn Thịnh-Lê Đình Dũng