'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài 1: 'Áo xanh' về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những bạn trẻ nhiệt huyết, xung kích lên đường đến những vùng đất khó, hòa mình “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân, cống hiến sức trẻ để đổi thay và được trưởng thành.

Hình ảnh những chiến sĩ áo xanh đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng nhân dân, và họ thực sự là những người “đến dân mến, ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ”.

Từng đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre/Mùa hè xanh xôn xao nâng bước chân ta về/Đường làng quê tiếng ve như gọi mời say mê… Giai điệu tình nguyện Mùa hè xanh rộn ràng ấy đã làm nức lòng và gọi dậy trong lồng ngực những cô cậu sinh viên tuổi đôi mươi bao thổn thức, say mê để rồi xách ba lô, khoác áo xanh tình nguyện, đội mũ tai bèo lên đường hướng về vùng đất khó.

Lấy xe của cô chú mà đi các con ơi…

Trời xanh gió hát thật khẽ/Đang chờ ta đón hội hè/Đừng hỏi tại sao khác lạ thế/ Xoay xoay lại vui đến như này?/Vì hè ở đây! Chúng tôi là GALALO…

Đó là Hành khúc tuổi xanh của 28 sinh viên đội GALALO (Trường Đại học Ngoại thương) vang lên trong những giờ phút hân hoan, trong nhịp đập mạnh mẽ của những trái tim trẻ trung. Cái tên thân thương “GALALO - Gác lại âu lo” còn như một làn gió nhẹ mang đến sự tĩnh lặng, an yên thôi thúc tôi trở thành thành viên số 29 đồng hành cùng sinh viên Ngoại thương đến với xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vào những ngày hè rực lửa.

Đoàn sinh viên Ngoại thương tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Châu Linh

Đoàn sinh viên Ngoại thương tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Châu Linh

6h sáng, khi chuyến xe chuẩn bị lăn bánh, những cô cậu sinh viên khoá trên chạy tới ôm vội, động viên các em lên đường mạnh khoẻ, bình an và có một chuyến đi đáng nhớ. Đứa thì rụi mắt, đứa thì hài hước bảo: “Chúng em phải tạm quên uống trà sữa 10 ngày”, rồi hào hứng vì có 10 ngày không sách vở, không deadline. “Thật đúng nghĩa là gác lại mọi âu lo”- Thuỳ Anh vừa nói, vừa tranh thủ dọn dẹp bộ nhớ trong điện thoại để sẵn sàng cho một hành trình lưu lại những khoảnh khắc.

Bạn Nguyễn Minh Trung Hiếu - “bếp trưởng” làm nên những bữa ăn ấm áp giữa mùa chiến dịch. Ảnh: Châu Linh

Bạn Nguyễn Minh Trung Hiếu - “bếp trưởng” làm nên những bữa ăn ấm áp giữa mùa chiến dịch. Ảnh: Châu Linh

Chuyến xe đưa chúng tôi dần rời khỏi thành phố, đến những đoạn đèo quanh co, uốn lượn giữa hai bên làng mạc và cánh đồng xanh mướt. Tiếng động cơ dần bị thay thế bởi âm thanh của thiên nhiên như tiếng gió vi vu qua những tán cây, tiếng chim hót líu lo và tiếng hát vô tư, hồn nhiên của sinh viên Ngoại thương. Các thành viên thi thoảng lại ríu rít gọi tên “anh Na” (Trần Nhật Anh - đội trưởng), “chị Giáo” (Vũ Khánh Linh - đội phó) hay “chị Mí” (Nguyễn Thuỳ Trang- đội phó) để hỏi “một nghìn câu hỏi vì sao”, bởi đa số đều lần đầu lên vùng núi.

Lên tới xã Tân Thành, bà con ở khu chợ nhỏ vẫy chào chúng tôi với nụ cười niềm nở. Về địa điểm tạm trú của đoàn tình nguyện (Trường THCS Tân Thành) cất hành lý rồi vội tới trung tâm văn hoá xã cách khoảng 3km, thấy sinh viên hành quân giữa trời nắng nóng, bà con không cần biết tên tuổi, địa chỉ ở đâu, cứ thấy mặc áo xanh là bảo: “Lấy xe của cô chú mà đi các con ơi”…

Hòa nhịp “thở” của núi rừng

Sinh viên Ngoại thương giúp bà con thu hoạch ngô

Sinh viên Ngoại thương giúp bà con thu hoạch ngô

Điểm trường THCS Tân Thành ở thôn Nà Múc là nơi cả đội sẽ lưu trú trong 10 ngày thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh trên địa bàn. Ngay khi xuống xe, có bạn đã nháo nhác đi tìm xem nhà vệ sinh có đầy đủ tiện khi không, hay chỗ ngủ, nấu ăn ra sao…

Rất nhiều điều đã khiến các bạn thảng thốt trong ngày sinh hoạt đầu tiên, như phải tắm chung bằng vòi xịt vệ sinh, giường ngủ là những dãy bàn kê ghép lại với nhau hay la hét tán loạn khi có bọ cánh cứng bay vù từ cánh đồng vào phòng… Đó là những biểu cảm tự nhiên và dễ hiểu của những cô cậu sinh viên phố thị, lần đầu lên núi ở và sinh hoạt tập thể tại nơi mà điều kiện vật chất còn khó khăn.

Trên chiếc xe cũ kỹ của bà con mượn tạm để đi chợ, chàng trai Minh Đức kể thêm cho tôi nghe về đặc trưng của sinh viên Ngoại thương để “biện minh” cho những biểu cảm hồn nhiên ấy. “Chúng em thường hay được gọi với cái mác “mọt sách”, suốt ngày chỉ xoay quanh sách vở. Có những ngày em đi giữa sân trường, khuôn viên xung quanh đều kín sinh viên ngồi đọc sách. Vì thế, mỗi bạn đều luôn trong trạng thái “lên dây cót” học tập để không bị bỏ lại phía sau”, Đức chia sẻ.

Chưa có trải nghiệm nhiều về kỹ năng xã hội nên khi đến ở địa bàn khó khăn, Đức và các bạn đều bỡ ngỡ, ngạc nhiên, rồi có những nỗi sợ như sợ côn trùng, sợ nước lạnh, sợ nắng, sợ lạc đường… Nhưng Đức cũng như nhiều bạn trẻ cùng đoàn rất hào hứng trải nghiệm cuộc sống nơi đây.

Tối đến, theo hiệu lệnh của đội trưởng, trước 22h30 phút, các thành viên tự giác cất điện thoại vào một chiếc hộp để đi ngủ. Ai nấy đều rất “vật vã” trong ngày đầu tiên bị thu điện thoại, tập đi ngủ sớm. Có bạn trằn trọc không ngủ được vì theo thói quen mọi ngày “ôm” laptop, điện thoại chạy deadline hoặc xem TikTok đến 1h sáng.

Buổi sáng thức giấc đầu tiên, từ 5h30 sáng, “chị Giáo” phòng nữ, “anh Na” phòng nam thay nhau đi từng bàn gọi các thành viên dậy. Có bạn phải lăn lộn mất 30 phút sau mới có thể dậy nổi trong bộ dạng ngáp ngắn, ngáp dài.

Là chủ nhân của những nguyên tắc khiến các thành viên đôi khi phải thở dài, “anh Na” đội trưởng cho biết, đó là cách để các bạn thích nghi, biết nghĩ cho tập thể thay vì chỉ nghĩ cho bản thân.

Là chủ nhân của những nguyên tắc khiến các thành viên đôi khi phải thở dài, “anh Na” (Trần Nhật Anh - đội trưởng) cho biết: “Đó là cách để mỗi thành viên thích nghi, biết nghĩ cho tập thể thay vì chỉ nghĩ cho bản thân. Đặc biệt, trong chuyến đi này, các bạn phần nào hiểu giá trị của sức lao động, sự vất vả của người dân để từ đó biết cố gắng thoát khỏi vùng an toàn và trân trọng cuộc sống của mình hơn”.

Ấm áp bếp ăn “anh nuôi”

Trong lúc chuẩn bị cho bữa ăn đầu tiên ở Tân Thành, tôi bất ngờ khi thấy một chàng trai bảnh bao, ít nói được phân làm “bếp trưởng” - Nguyễn Minh Trung Hiếu đang lên thực đơn, liệt kê những đồ dùng, thực phẩm còn thiếu rồi lấy xe đi chợ. Hôm đầu, lạ đường, Hiếu và các bạn đi chợ mất hơn 2 tiếng vì vừa đi vừa hỏi dò đường. Cậu còn “đau đầu” khi mỗi bữa chỉ giới hạn từ 300 đến 400 nghìn đồng tiền mua thực phẩm cho 32 miệng ăn.

Về đến nơi, chưa kịp đặt đồ xuống, Hiếu khoe: “Bà con ở đây đáng yêu quá! Thấy em mặc áo xanh hỏi giá từng mặt hàng, vừa bán hàng, các cô ở chợ người thì chạy vào nhà hái cho thêm mấy quả bí xanh, người thì cho thêm nhiều nước sốt thịt để chấm rau…”.

Hiếu nhìn giống mẫu hình chàng trai lý tưởng đảm đang, tháo vát, ai cũng nghĩ cậu được huấn luyện từ bé hoặc có năng khiếu nấu ăn. Nhưng khi lân la tâm sự, Hiếu mới tiết lộ sự thật với tôi mà sợ các bạn nữ biết sẽ “cười”.

“Trước đây, 12 năm học ở nhà với bố mẹ, em chưa phải bước chân vào bếp làm bất cứ việc gì hay nấu món ăn nào cho ai. Từ ngày lên đại học, phải ăn hàng quán nhiều em mới thấy trân trọng những bữa cơm nhà hơn. Vì thế, em đã bắt đầu tự học nấu ăn, tự vào bếp và trở thành Hiếu phiên bản masterchef”, Hiếu chia sẻ.

Đến với Mùa hè xanh, Hiếu muốn mang phiên bản ấy đến để được đóng góp điều gì đó cho cả đội. Mấy ngày đầu, Hiếu đứng bếp từ sáng tới tối. Các bạn tình nguyện viên khác đi làm nhiệm vụ về thay nhau vào hỏi thăm. Điều khiến cậu hạnh phúc nhất đó là thấy các bạn của mình vừa ăn khoẻ hơn thường ngày, vừa tíu tít khen ngon.

Nhớ nhất bữa ăn đầu tiên ở Tân Thành, cơm bị nát gần như cháo do chưa biết cách sử dụng nồi. Mâm cơm có màu xanh là chủ đạo, nhưng ai nấy đều khen ngon và mở đầu bữa ăn bằng khẩu hiệu rất đỗi thân thương: “Chúng mình cảm ơn đội hậu cần ạ!”.

(Còn nữa)

Theo CHÂU LINH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.