Vầng sáng phía thượng nguồn sông Hinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sớm tinh mơ một ngày thu dịu mát trong lành, tôi rời TP Tuy Hòa ngược quốc lộ 29 kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên.

Sau hành trình hơn 60 km đã đến huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) tiếp giáp với hai huyện Ea Kar, M’Drắk (Đắk Lắk) và huyện Krông Pa (Gia Lai) - Nơi ấy có xã Ea Bia được nhiều người ví như vùng đất... cử nhân.

1. Huyện miền núi Sông Hinh đã sinh ra hai người con bình dị mà tài hoa giữa mênh mông đại ngàn, đó là nhà văn Y Điêng, sinh năm 1928 và nhà thơ Mô Lô Y Choi, sinh năm 1930. Cả hai đều là dân tộc Êđê. Nhà văn Mã A Lềnh, người dân tộc Mông từng ví von rằng nếu ở vùng sông Đông nước Nga xa xôi có một Sholokhov thì ở Việt Nam, nơi vùng sông Hinh có một Y Điêng.

Già làng Ma Vi (bìa phải) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Phú Yên về chuyện dạy và học tiếng Êđê.

Già làng Ma Vi (bìa phải) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Phú Yên về chuyện dạy và học tiếng Êđê.

Ở độ tuổi 96, sức khỏe Y Điêng đã xuống dốc sau cơn tai biến, nên phải xếp bút cách đây vài năm, nhưng giới văn học cả nước đều biết ông là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết, người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt và cũng là người Êđê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Gia tài văn học của ông có hơn chục tác phẩm văn xuôi và thơ đã được xuất bản cùng với 4 tập bản thảo chưa trình làng. Nổi bật là tập truyện ngắn “Em chờ bộ đội Awa Hồ”, “Ông già Khơ Rao”; truyện vừa “Như cánh chim Kway”; truyện dài “Hơ Giang”, “Drai Hlinh đi về phía sáng”, “Lửa trong tay chúng tôi”, “Trung đội người Ba na”, “Truyện cổ Êđê”; tiểu thuyết hai tập “Truyện bên bờ sông Hinh” và thơ có “Thơ tình Y Điêng”.

Ngoài ra, ông còn là người biên dịch nhiều tác phẩm từ tiếng Êđê sang tiếng Việt phổ thông như các trường ca Tây Nguyên “Xinh Nhã”, “Đăm Di”, “Khinh Dú”, Y Ban”, “Y Brao”, “Hbia Mlin” và đặc biệt là sử thi Êđê “Ma Drong Dăm”. Giữa tháng 1/2023, Y Điêng được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, bây giờ ông đang cư trú ở buôn Dành, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh. Còn nhà thơ Mô Lô Y Choi, mặc dù “gia tài” chỉ có hơn 50 bài thơ, nhưng ông là tác giả bài thơ “Cô gái vót chông” nổi tiếng đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên từ thời kháng chiến. Mô Lô Y Choi đã qua đời vào năm 2018, chỉ còn lại vợ ông - bà Ksor H’Đô, nguyên mẫu “Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon” trong bài thơ và ca khúc “Cô gái vót chông”, đang sinh sống ở buôn Thinh, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, nhưng đã già yếu.

Ngoài hai nhân vật nổi tiếng ấy, còn có người bạn của nhà văn Y Điêng là già làng Niê Y Kuân - thường gọi Ma Vi, sinh năm 1932, trú ở buôn Krông, xã Ea Bia. Nhiều thế hệ ở huyện Sông Hinh đều biết ông là người có công rất lớn trong hoạt động khuyến học, đưa buôn Krông trở thành buôn... cử nhân, rồi mở rộng đến nhiều buôn làng khác, tạo nên vùng đất học xã Ea Bia.

Cô giáo người Êđê dạy chữ cho học sinh ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh.

Cô giáo người Êđê dạy chữ cho học sinh ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh.

2. Trở lại thượng nguồn sông Hinh lần này tôi đau đáu nỗi buồn khi biết Ma Vi đã rời cõi tạm cách đây gần 2 tháng, hưởng thọ 92 tuổi. Sinh thời, Ma Vi từng kể cho tôi nghe về cuộc đời của ông. Kháng chiến chống Pháp, Ma Vi làm giao liên cho bộ đội Việt Minh, sau đó lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) học văn hóa xong lớp 4 thì về lại quê nhà xã Ea Bia làm cơ sở hoạt động hợp pháp, được phân công đảm nhiệm đội trưởng đội du kích xã, tham gia đào hầm chông, làm cung nỏ chống càn.

Trong một cuộc càn quét của địch vào năm 1962, hàng trăm binh lính cùng với xe tăng ập vào buôn làng thực hiện mưu đồ xóa trắng, dồn dân lập ấp chiến lược, Ma Vi cùng một số cán bộ được lệnh rút về xã Sông Hinh hoạt động du kích. Đến năm 1966, đồng bào nổi dậy phá ấp chiến lược, kéo nhau về lại buôn làng sinh sống, từ đó Ma Vi được giao làm thư ký rồi thường trực xã Ea Bia. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Ma Vi tiếp tục công tác ở địa phương gần 20 năm nữa, trong đó có nhiệm kỳ 1984-1989 ông giữ chức Chủ tịch UBND xã Ea Bia.

Nghỉ hưu rồi nhưng tuần nào Ma Vi cũng đạp xe ra thị trấn Hai Riêng, cùng nhà văn Y Điêng phụ trách chương trình phát thanh tiếng Êđê ở Đài Truyền thanh huyện Sông Hinh, trực tiếp biên dịch tiếng Việt sang tiếng Êđê kiêm nhiệm phát thanh viên gần chục năm. Những bản tin, bài viết chuyên đề do hai ông thực hiện không chỉ giúp đồng bào Êđê tiếp thu thông tin thời sự, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn nâng cao nhận thức pháp luật, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, y tế, vệ sinh môi trường, khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp... Ma Vi và nhà văn Y Điêng còn là người thầy giảng dạy tiếng Êđê cho cán bộ - chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức huyện Sông Hinh và một số cơ quan ở tỉnh Phú Yên.

Ngồi bên suối Ea Thum Plung - nơi xưa kia đồng bào thường tổ chức một số nghi lễ tâm linh, ông Tô Văn Giang - Bí thư Đảng ủy xã Ea Bia cho biết, hàng chục năm liền già làng Ma Vi dành nhiều công sức phối hợp chính quyền, nhà trường vận động đồng bào đưa con em đến trường, đẩy lùi tập tục lạc hậu, từng bước nâng cao dân trí, đổi mới đời sống văn hóa... Ông gõ cửa từng nhà, kiên trì thuyết phục nhiều gia đình khó tính tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em mình đến trường học phổ thông văn hóa rồi tiếp tục hành trình vào trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

Ma Vi thường khuyên bảo mọi người: “Thế hệ trẻ trong thời bình có rất nhiều thuận lợi, cần phải nỗ lực học tâp để có kiến thức góp phần xây dựng quê hương, đất nước mình ngày càng đổi mới, phát triển hơn”. Ông chính là già làng cẫn mẫn gieo mầm sáng cho nhiều buôn làng phía thượng nguồn sông Hinh.

Anh Lê Mô Y Xóa - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia, huyện Sông Hinh (bên trái) kể cho phóng viên nghe về truyền thống hiếu học ở địa phương.

Anh Lê Mô Y Xóa - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia, huyện Sông Hinh (bên trái) kể cho phóng viên nghe về truyền thống hiếu học ở địa phương.

Ông Niê Y Lôi - một người dân ở buôn Krông, nhớ lại: “Nói vậy chứ thời gian đầu vận động cực kỳ khó khăn, vì nhiều gia đình chỉ tính đến chuyện nuôi nhiều bò, mang gùi lên nương rẫy trồng sắn, mía, trỉa lúa, ngô để “no cái bụng, ấm cái lưng”. Già làng Ma Vi vận động được nhiều gia đình cho con em mình đi học đến nơi đến chốn, vì ông đã làm gương dạy dỗ con mình học hành thành đạt để mọi người làm theo”.

Khi Lơ Mô Tu - người con trai đầu của Ma Vi thi đậu Khoa Y dược Trường Đại học Tây Nguyên, cả buôn Krông sôi động. Trong tiệc rượu chia vui, Ma Vi tranh thủ vận động đồng bào cho con em mình “đi học cái chữ thật giỏi để vượt khó, thoát nghèo”. Anh Tu tốt nghiệp đại học năm 1996, về làm bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh rồi lần lượt đảm nhiệm chức trách Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Bí thư kiêm Chủ tịch thị trấn Hai Riêng, Phó Bí thư thường trực, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh. Đến giữa năm 2024, anh Tu được Tỉnh ủy Phú Yên điều động luân chuyển làm Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa.

Người con kề là Lơ Mô Y Ngưu, tốt nghiệp Trường Trung cấp An ninh nhân dân và đã công tác ở Đội An ninh Công an huyện Sông Hinh từ nhiều năm qua. Những năm sau đó, thêm nhiều con em ở buôn Krông vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk... nên đến năm 2013, Krông trở thành buôn đầu tiên ở huyện Sông Hinh có nhiều người đỗ đạt cao trong học tập, được ví như buôn... cử nhân.

Lê Mô Y Xóa - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia cho biết, đến nay toàn xã có 67 người tốt nghiệp đại học và hơn 40 người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Nổi bật trong số đó có gần 10 người tốt nghiệp đại học quân sự tại các Trường Sĩ quan lục quân 1, Trường Sĩ quan lục quân 2 như: Ksor Y Phan, Ksor Y Ky, Ksor Y Xuân, Ksor Y Bin... đang công tác ở Bộ Chỉ huy quân sự hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk. 9 người tốt nghiệp Đại học Luật, trong đó có Ka Sô Bách - Thẩm phán TAND huyện Sông Hinh, Nay Y Sôn - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bá cùng một số cán bộ chủ chốt xã Ea Bia như: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã - Nay Y Nha, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã - Y Cái, Bí thư Đoàn Thanh niên xã - Y Hóc.

Hàng chục trường hợp còn lại tốt nghiệp các khoa toán, hóa, văn, sử, sư phạm tiểu học, công tác xã hội, quản lý nhà nước, nông lâm... đang công tác tại các trường học, cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở các xã và huyện Sông Hinh như Ma Bin - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sông Hinh, Nay Y Sét - Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, Nay Chiến - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Bia, Ksor Y Diêu - Bí thư Đảng ủy xã Sông Hinh, Hờ Dưng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bia, Lê Mô Y Xóa - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia... Nhiều gia đình ở xã Ea Bia có 4-5 người con đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng như nhà các ông Kbuôr Y Khóa, Niê Y Lôi, Oi Điêu, Ma Rứk...

Một buổi sinh hoạt của học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Ea Bia. Ảnh: An Thùy.

Một buổi sinh hoạt của học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Ea Bia. Ảnh: An Thùy.

Ea Bia hiện có 734 hộ gia đình gồm 2.946 người dân, trong đó có gần 85% là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nhiều con em tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp là buôn Krông rồi đến buôn Dành, buôn Nhum. Và, điều đáng ghi nhận là nhiều năm qua, xã Ea Bia luôn đảm bảo 100% trẻ em đến trường học khi đúng độ tuổi, 100% buôn làng và 95% gia đình đạt văn hóa, số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nỗ lực vào đại học, cao đẳng mỗi năm thêm nhiều. Ông Hồ Viết Thiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học sơ sở xã Ea Bia cho biết, trong năm học 2024-2025 nhà trường tiếp nhận 240 học sinh tiểu học và 129 học sinh trung học cơ sở; còn Trường Mẫu giáo xã Ea Bia có 142 học sinh nhập học.

Đến phố núi Hai Riêng hay đi về các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Sông Hinh, nhiều người đều cảm nhận diện mạo kinh tế - xã hội ở vùng đất này thật sự đổi mới và phát triển từ “điện, đường, trường, trạm” cho đến đời sống người dân. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ thường xuyên của Đảng và Nhà nước dành cho học sinh, trong “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, đã và đang được huyện Sông Hinh triển khai thực hiện, có cả dự án phát triển phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều người tin rằng từ điển hình vùng đất học Ea Bia cùng với những dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều buôn làng ở huyện Sông Hinh không chỉ thêm nhiều cử nhân, mà còn có nhiều con em vươn đến hành trình sau đại học.

Theo Phan Thế Hữu Toàn (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.