“Tiếp sức” học sinh nghèo hiếu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn giúp các em học sinh nghèo có thêm điều kiện đến trường, Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai đã trao học bổng cho nhiều trường hợp.

Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai là tổ chức từ thiện gồm những người kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thành lập từ tháng 7-2022, hiện Hội có 61 thành viên ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Anh Phan Nhật Phụng chia sẻ: “Chúng tôi làm từ thiện đã lâu, nhất là trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng thường là “mạnh ai người ấy làm”, chưa phát huy được sức mạnh tập thể. Do đó, khi ngồi lại với nhau, chúng tôi quyết định thành lập Hội, gầy dựng ngôi nhà chung để cùng nhau giúp đỡ những người còn khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập”.

Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai tặng quà cho các học sinh ở huyện Mang Yang. Ảnh: Nhật Phụng

Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai tặng quà cho các học sinh ở huyện Mang Yang. Ảnh: Nhật Phụng

Theo anh Phụng, mỗi tháng, các thành viên đóng góp quỹ với tổng số tiền khoảng 30 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội tổ chức các chương trình từ thiện. Tất cả chương trình đều mang danh nghĩa của Hội chứ không nhằm quảng bá hình ảnh cho một cá nhân hoặc doanh nghiệp nào. Qua các kênh thông tin, Hội tìm hiểu những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm học, đạt học lực khá hoặc giỏi để trao học bổng (trị giá 1 triệu đồng/tháng) nhằm góp phần tiếp sức các em tới trường.

Để đảm bảo học bổng được trao đúng đối tượng, Hội phân công thành viên tiến hành xác minh thông tin, tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp. Trong đó ưu tiên học sinh THPT và sẽ tiếp tục hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/tháng nếu các em thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học.

Hiện nay, Hội đang hỗ trợ 8 em học sinh, trong đó có 3 em vừa thi đậu cao đẳng, đại học. Em Hoàng Thị Hương (xã Tơ Tung, huyện Kbang) là sinh viên năm thứ nhất ngành Sư phạm Trường Đại học Quy Nhơn. Gia đình Hương thuộc diện cận nghèo. Năm học lớp 11, em là học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh. Từ kết quả này, khi học lớp 12, Hương đã được nhận học bổng 1 triệu đồng/tháng từ Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai. Hiện tại, Hương được nhận 1,5 triệu đồng/tháng.

Hương bộc bạch: “Với gia đình em thì đây là số tiền không hề nhỏ. Đó là động lực giúp em cố gắng học tập để vào đại học và vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ khi là sinh viên. Các anh, các chú trong Hội cũng thường xuyên gọi hỏi thăm, động viên khiến em rất cảm động và càng quyết tâm hơn. Em mong muốn sau khi ra trường được trở về quê dạy học”.

Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai trao học bổng cho em Ksor Nguyễn Ngọc Quỳnh (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Nhật Phụng

Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai trao học bổng cho em Ksor Nguyễn Ngọc Quỳnh (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Nhật Phụng

Mới đây, qua sự kết nối của Báo Gia Lai, Hội đã trao 4 triệu đồng cùng suất học bổng 1 triệu đồng/tháng cho nữ sinh nghèo bị ung thư máu là Ksor Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 2013, tổ 3, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa). Bà Ksor H'Yưn-bà ngoại của Quỳnh-tâm sự: “Đầu năm học, tôi phải đi vay mượn để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho cháu. Các chú bên Hội biết được hoàn cảnh thì cho cháu tiền để học và chữa bệnh. Từ nhỏ, Quỳnh đã chịu nhiều thiệt thòi, giờ được quan tâm hỗ trợ như vậy thì cháu có thể yên tâm học hành và điều trị bệnh”.

Không chỉ trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, Hội Thiện nguyện nông nghiệp Gia Lai còn trao hàng ngàn suất quà tại các trường vùng sâu, vùng xa ở các huyện: Phú Thiện, Mang Yang, Chư Prông… Ngoài ra, Hội thường xuyên hỗ trợ các trường hợp bị tai nạn giao thông, bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài mức hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp từ nguồn quỹ chung, tùy từng hoàn cảnh gia đình mà các thành viên hỗ trợ thêm. Trong hơn 2 năm qua, Hội đã chi hàng trăm triệu đồng cho hoạt động thiện nguyện.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.