Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bờ xe nước sông Trà là biểu tượng độc đáo của người Quảng Ngãi từ những năm giữa thế kỷ 18. Không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đây còn là công trình công phu, mang tính mỹ thuật cao, đã đi vào thi ca, nhạc họa.

Dù đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” cách đây gần 30 năm, nhưng ký ức về một bờ xe nước, công trình “dẫn thủy nhập điền” thuở nào vẫn còn được ông Mai Văn Quýt (79 tuổi, trú thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi) tái hiện, phục dựng và trưng bày ở nhiều nơi.

Dẫn thủy nhập điền

Ông Mai Văn Quýt - một trong những người cuối cùng ở Quảng Ngãi còn giữ được kỹ thuật làm bờ xe nước. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ông Mai Văn Quýt - một trong những người cuối cùng ở Quảng Ngãi còn giữ được kỹ thuật làm bờ xe nước. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Hơn 30 năm trước, du khách đi dọc miền Trung, ngang qua bờ sông Trà Khúc dễ dàng bắt gặp những guồng xe nước nặng trĩu, cần mẫn suốt ngày đêm mang nước sông tưới tắm cho những cánh đồng màu mỡ mà không phải tiêu hao một giọt nhiên liệu nào. Mỗi bờ xe nước có khoảng 10 -12 bánh xe, cao 12m, dài 20m.

Từ tháng 8 âm lịch, mùa mưa lũ bắt đầu, bờ xe nước được tháo dỡ đưa lên bờ để vừa tu sửa và cũng để tránh bị lũ cuốn trôi. Qua mùa lũ, bờ xe nước lại được đưa xuống sông, lắp ráp để cung cấp nước tưới cho ruộng đồng. Để làm một bờ xe nước có 9 hoặc 10 bánh, mỗi bánh xe có đường kính 4m, tưới cho khoảng 70ha phải mất 4.000-5.000 cây tre và vô số dây rừng.

Để có bờ xe tưới nước cho ruộng lúa vào mùa xuân, mùa hạ, từ tháng 6 - 7, những người thợ bờ xe nước phải kết bè tre ngược sông Trà tìm đến những bản làng đồng bào dân tộc Hrê ở Sơn Hà, Ba Tơ mua từng cây tre, chặt kết lại thành bè thả trôi trên sông về xuôi. Họ chọn những gò cao để tập kết tre, rồi đêm ngày đan, vót.

Bờ xe nước trên sông Trà. Ảnh Tư liệu

Bờ xe nước trên sông Trà. Ảnh Tư liệu

Thường sau 23/10 âm lịch, khi khảo sát được khu vực đặt bờ xe nước ở cuối sông Trà. Những toán thợ bắt đầu dùng vồ để đóng cọc tre làm bờ cừ cho nước dâng lên.

Trong ký ức của các thợ xe nước, nghề làm bờ xe cực nhọc và đòi hỏi kỹ thuật thủ công khá cao. Cái khó nhất là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ. Bờ cừ phải xây theo hình chữ V, để nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe.

Mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc nhất định. Khi bánh xe quay, các ống tre này đong đầy nước. Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ, sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước đến đồng ruộng.

Điểm khác biệt giữa bờ xe nước Quảng Ngãi với những nơi khác là số bánh xe. Bờ xe ở Quảng Ngãi có đến 10-12 bánh, như một cỗ máy còn cọn nước, miền núi phía Bắc chỉ có 1 bánh xe. Trên sông Vệ và sông Trà Khúc từng có hơn 100 bờ xe nước.

Bờ xe nước được hình thành trên sông Trà Khúc và tồn tại hàng trăm năm qua. Trở thành một biểu tượng của người dân Quảng Ngãi về tính cần cù, sáng tạo, chịu đựng mưa nắng.

Ký ức về những vòng quay

Bờ xe nước được hình thành trên sông Trà Khúc và tồn tại hàng trăm năm qua. Trở thành một biểu tượng của người dân Quảng Ngãi về tính cần cù, sáng tạo, chịu đựng mưa nắng.

Ngày nay, dù bờ xe nước bị xóa bỏ gần 30 năm, thay thế bằng những công trình hiện đại hơn, nhưng những ký ức về công trình “dẫn thủy nhập điền” ngày nào vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Mai Văn Quýt và nhiều người dân Quảng Ngãi.

Nhà nằm cạnh sông Trà, tuổi thơ của ông Quýt gắn liền với những vòng quay của bờ xe nước. Ông kể, trước những năm 1990, khi chưa có công trình thủy lợi Thạch Nham, người dân các vùng hạ du sông Trà Khúc sản xuất nông nghiệp đều nhờ vào nguồn nước của sông Trà thông qua các bờ xe nước.

Sau mỗi mùa lũ, người dân trong vùng lại lập ra một nhóm “trưng cử” góp tiền (dạng cổ đông ngày nay) để làm bờ xe nước. Sau đó, nhóm này sẽ làm thủ tục xin hương lý, đồng thời cấp kinh phí cho nhóm thợ xe (gồm 7 thành viên, được dẫn đầu bởi 1 đoàn trưởng) có nhiệm vụ thi công, xây dựng, vận hành bờ xe. Khi mùa vụ hoàn tất, nhóm “trưng cử” được chia theo tỉ lệ 6 phần, còn nhóm thợ được chia 4 phần.

“Ông nội, rồi đến ba tôi đều làm đoàn trưởng, đến đời tôi là đời thứ ba. Từ năm 18 tuổi, tôi đã theo cha vót tre, chẻ nan. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày cùng cha đưa nước từ sông Trà về đồng ruộng để phục vụ tưới tiêu. Thời ấy, cha ông là một ông “trùm” (người chỉ huy làm bờ xe nước) có tiếng ở Quảng Ngãi”, ông Quýt nhớ lại.

Nhiều năm gắn bó với bờ xe nước và đảm nhiệm đoàn trưởng, ông Quýt có nhiều kỷ niệm về những lần chia nước cho bà con. Có những năm, nước vào ruộng ít, mùa màng thất bát, ông Quýt không dám ló mặt ra đồng, sợ dân “hỏi tội”. Lại có năm, nước vừa đưa lên ruộng mấy ngày thì gặp lũ tiểu mãn, bờ xe bị cuốn trôi mất mấy bánh xe, lúc đó cả làng xúm lại cùng sửa chữa và làm các bánh khác bù vào, cho kịp mùa vụ.

Khi công trình thủy lợi Thạch Nham được đưa vào vận hành, bờ xe nước chính thức kết thúc “sứ mệnh lịch sử”. Ông Quýt cũng như những người con Quảng Ngãi cảm thấy hụt hẫng vì mất đi một hình ảnh gắn liền với tuổi thơ.

Cũng chính từ đó, mà ông đã âm thầm gìn giữ bờ xe nước - biểu tượng một thời của Quảng Ngãi - theo cách riêng. Không còn là những bờ xe đồ sộ, ông chuyển hướng sang làm những mô hình bờ xe thu nhỏ, đường kính từ 2-4m đặt tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…

Mỗi bờ xe mô hình như thế có từ 2-4 bánh xe, tùy theo nhu cầu người sử dụng. Về nguyên lý, cách thức làm bờ xe mô hình vẫn giống hệt bờ xe ngoài thực tế. Người thợ phải làm sao cho bánh xe cân bằng, khi vận hành không bị lỗi, vẫn có thể múc nước và quay đều.

“Cái khác ở đây là một số nguyên liệu dùng làm bờ xe. Hồi xưa các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc lại bằng dây lạt, dây mây, còn tôi làm mô hình thì làm bằng dây kẽm, dây đồng, dây cước... buộc các chi tiết của bánh xe lại với nhau để tăng tuổi thọ sản phẩm. Còn nếu đem bờ xe đặt chỗ nước chảy vừa đủ mạnh, nó vẫn quay đều đặn”, ông Quýt nói.

Đã có nhiều nhà hàng, quán cà phê, khu du lịch ở Quảng Ngãi, và cả ở Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng đặt ông Quýt làm bờ xe đem về trưng bày. Hiện ông đang làm một mô hình bờ xe nước có đường kính 2m cho Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh, ông Mai Văn Quýt là một trong những người cuối cùng ở tỉnh này còn lưu giữ được kỹ thuật, cách làm truyền thống về bờ xe nước.

Nỗi lo thất truyền

Đối với ông Quýt, nỗi lo lớn nhất khiến ông luôn trằn trọc, đó là sau này những bánh xe nước dù là mô hình cũng sẽ bị mai một và thất truyền. “Tôi vẫn thường tâm sự với thế hệ con cháu rằng, đây là cái hồn, ký ức của cha ông để lại. Tuy nhiên, tôi nghĩ cái nghề này sẽ không lưu giữ được bao lâu nữa, chắc rồi cũng theo tôi về với cát bụi…”, ông Quýt trầm ngâm nói.

Theo NGUYỄN NGỌC (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.