'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài 2: Mồ hôi đổ trên 'con đường mơ ước'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi màn sương vẫn còn lơ lửng trên đỉnh núi, cả bản làng thôn Nà Múc (xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) như bừng tỉnh bởi tiếng động cơ rền vang, tiếng cười giòn tan của sinh viên tình nguyện trong bước chân hối hả thúc giục nhau làm việc…

Một ngày mới bắt đầu của những chiến sĩ áo xanh, cùng người dân địa phương với sứ mệnh mở ra con đường mơ ước từ bao đời nay.

Gian nan đường tới trường

Trước ngày đón đoàn sinh viên vào xóm Nà Múc hỗ trợ bà con đổ bê tông đường, tôi được anh Hoàng Thanh Long - Phó Bí thư xã Tân Thành chở vào để tiền trạm, và có thời gian tìm hiểu thêm về cuộc sống của bà con ở đây. Từ đường làng chính vào sâu trong xóm phải đi hơn 2km, chiều ngang chừng 2m, một bên là vực, đường gập ghềnh, khó đi. Phó Bí thư xã Tân Thành cho biết, ở đây, mỗi dịp hè, trẻ em hầu như khó tham gia các hoạt động do Chi đoàn tổ chức, bởi chỉ lo mỗi chuyện đi học thôi cũng đã rất khó khăn.

Đi sâu vào trong xóm, tôi gặp chị Hoàng Thị Sinh (SN 1984), đang cắm cúi thu hoạch ớt. Chị Sinh kể bằng giọng lạc quan: “Chúng tôi sống ở đây 20 năm, mưa thì đi bộ hoặc có dự báo mưa sẽ dắt xe máy ra ngoài đường chính trước vài hôm. Có hôm sạt lở thì huy động mỗi nhà một người cùng xúc đất, dẹp đường rồi dần cũng quen. Người lớn thì vậy, nhưng thương mấy đứa nhỏ. Khi mùa mưa đến, đường trở nên lầy lội, trơn trượt, có khi chỉ đi bộ không thôi cũng ngã. Cũng mừng nhiều cháu rất ham học. Đến trường bằng những đôi chân nhỏ bé lấm lem bùn đất, từng bước chậm chạp kiên trì tới trường”.

Gia đình chị Sinh có 4 đứa con, đứa lớn nhất nay đã đi làm ăn xa. Dù cả năm có nhiều đợt mưa lớn nhưng các con chị chưa khi nào nghỉ học. “Cứ mỗi lần đi họp phụ huynh, tôi lại được khen vì các con chăm chỉ đến trường. Hôm nào đường khó đi quá, tôi lại cõng con đến trường”, chị Sinh nói.

Thế nhưng khi nhắc đến sinh kế của gia đình, chị Sinh giọng trầm lại, ánh mắt thoáng chút buồn bã. Theo chị, không chỉ trời mưa, nông sản ở đây (chủ yếu ngô, bí xanh, ớt) luôn trong tình trạng ế ẩm hoặc chỉ bán được nửa giá. “Đường khó đi nên bà con ít ai dám chở nặng, cồng kềnh. Nếu tay lái không vững rất dễ bị tai nạn. Thương lái nhiều khi cũng ngại đi vào tận trong này, nếu bán rẻ hơn nửa giá buôn may ra còn có người vào cân cho. Có đợt được mùa, những thùng bí xanh, ớt được xếp chồng lên nhau nhưng chỉ … chất đầy trong góc nhà. Nếu cố lắm thì đẩy xe bộ ra thành phố bán rẻ”, chị Sinh chia sẻ.

Tiếng cười giòn xua nắng hè rực lửa

Nhận nhiệm vụ đầu tiên là hỗ trợ bà con ở thôn Nà Múc đổ đường bê tông, 28 sinh viên đội GALALO (Trường Đại học Ngoại thương) lúc đầu có chút ái ngại vì sợ không làm được việc mà còn “vướng chân” thêm. Có bạn trước lúc đi còn bị mẹ trêu: “Mẹ đây còn không biết làm nông, sao con biết cầm cuốc, cầm xẻng”.

Hành quân bộ vào xóm khi màn sương vẫn còn lơ lửng trên đỉnh núi, chúng tôi đã thấy chiếc xe chở xi măng can đảm len lỏi đi vào xóm. Lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xã, bà con nhân dân đang tụ họp với tinh thần phấn chấn, chuyển chở từng bao xi măng vào sâu trong xóm.

Nhóm GALALO chúng tôi nhanh chóng hoà vào không khí ấy. Mấy anh dân quân tự vệ làm mướt mải mồ hôi nhưng cũng không quên động viên mấy bạn sinh viên nữ e thẹn vì lần đầu đẩy xe rùa, cầm cuốc, cầm xẻng… còn lúng túng. Sinh viên nam chia nhau thành từng nhóm, người xúc, người đổ, người vận chuyển xi măng.

Năm nay, trường Đại học Ngoại thương có 5 đội sinh viên tình nguyện thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh trên các địa bàn xã Châu Kim (tỉnh Nghệ An); xã Tân Thành, Gia Lộc, Tân Liên, Thạch Đạn (tỉnh Lạng Sơn) với các công trình, phần việc ý nghĩa như: làm đường bê tông; xây dựng hàng rào xanh; xây dựng nhà tình thương; thắp sáng đường thôn; vẽ tranh tường; tặng tủ sách thanh niên; hỗ trợ thu hoạch nông sản… Tổng giá trị nguồn lực trao tặng khoảng 300 triệu đồng.

“Bao xi măng nặng, lần đầu tiên em phải dùng hết sức lực để khiêng lên vai. Được nhiều người hò reo cổ vũ, em đã cố gắng không để bị “đứt gánh” giữa đường (cười)”, bạn Tuấn Phong (sinh viên trường ĐH Ngoại thương), nói.

Chàng “mập” Anh Quân (sinh viên trường ĐH Ngoại thương) cũng tiết lộ sự thật thú vị, đó là trước khi đi Mùa hè xanh, em đã kiên trì tập gym để nâng cao thể lực. Vì thế, Anh Quân là một trong những gương mặt làm việc năng suất nhất đội. Luôn tay, luôn chân làm việc trong chiếc áo xanh thấm đẫm mồ hôi, có lúc thở hổn hển nhưng Quân vẫn nói liên hồi.

Bạn đội trưởng Nhật Anh (sinh viên trường ĐH Ngoại thương), quay sang bảo tôi: “Quân là chàng trai rất nhiều năng lượng, hoạt ngôn và hài hước nên rất hay “làm trò” để các bạn trong đội quên đi mệt mỏi hay nắng nóng”.

Thi thoảng, tôi lại thấy Trần Diệp Hương (sinh viên trường ĐH Ngoại thương) tranh thủ lau bụi, xi măng vương trên trán. Hương cười nói: “Từ mấy lớp kem chống nắng, phấn phủ giờ được thay bằng xi măng rồi chị ạ”. Ngày thứ 2 đi đổ bê tông đường, tôi không còn thấy các bạn nữ dậy từ sáng sớm để trang điểm, đánh phấn phủ nữa. Thay vào đó, các bạn đã có tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương hơn những ngày đầu để tranh thủ đi làm trong lúc trời còn trưa nắng gắt.

Chị Hoàng Thị Sinh thấy vậy thương, ra vỗ vai mấy bạn sinh viên gọi vào giải lao uống nước. Chị vừa lấy nón quạt cho mấy đứa, vừa bảo: “Mấy đứa ngang tầm tuổi con của cô, thấy các con dãi nắng, cô thương lắm”.

Sinh viên Ngoại thương góp sức làm đường bê tông tại thôn Nà Múc. Ảnh: Châu Linh

Sinh viên Ngoại thương góp sức làm đường bê tông tại thôn Nà Múc. Ảnh: Châu Linh

Trong lúc giải lao, bà con trong xóm người cho tải bí, người cho túi mướp, rồi bó rau ngót để cả nhóm đỡ chi phí, cải thiện bữa ăn. Biết bà con ở đây khó khăn, nhóm sinh viên từ chối nhận nhưng các bà, các cô cứ dúi vào tay, rồi còn bảo muốn ăn rau gì thì vào nhà lấy thêm.

Anh dân quân Hoàng Văn Sính lau mồ hôi, với gọi tôi ngồi phía đối diện rồi bảo: “Chưa khi nào bà con ở đây có dịp sinh hoạt, làm việc sôi động, vui như thế. Chúng tôi làm cũng quên mệt vì thi thoảng lại có những pha hài hước, gây cười của các em khuấy động, xua tan cái nắng nóng, mệt nhọc”.

“Con đường này là cả niềm hy vọng, mong ngóng của 76 hộ dân tại thôn Nà Múc trong hàng chục năm qua. Vì vậy, sự tham gia, đóng góp của đoàn sinh viên tình nguyện trong xây dựng, làm con đường mơ ước đã góp phần tạo phong trào xây dựng nông thôn mới, đem đến tín hiệu tích cực cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá trên địa bàn”.

Ông Lương Văn Cai - Chủ tịch UBND xã Tân Thành

Buổi đầu tham gia làm đường bỡ ngỡ, buổi hai các bạn đã quen việc, thành thạo hơn, rồi buổi thứ ba tăng tốc, cật lực. Có những bạn nam còn nói vui, sau 3 buổi đi đổ bê tông đã “nổi cơ tay” mà không cần tập thể lực. Có bạn thì gửi ảnh cho mẹ để chứng minh con đã làm được chứ không “tiểu thư” như mẹ nghĩ…

Anh Hoàng Thanh Long - Phó Bí thư xã Tân Thành kiêm “xe ôm” cho cả đoàn tình nguyện quay sang tôi nói bằng giọng phấn khởi: “Đoàn viên, thanh niên địa phương mọi ngày không nói câu nào, rất rụt rè. Ấy vậy mà khi thấy các cô cậu sinh viên đẹp trai, xinh gái thì mắt sáng bừng, làm quen rất nhanh, làm việc năng suất hơn mọi lần”.

Nhóm sinh viên Ngoại thương tranh thủ nghỉ giải lao khi làm đường bê tông tại thôn Nà Múc (xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Châu Linh

Nhóm sinh viên Ngoại thương tranh thủ nghỉ giải lao khi làm đường bê tông tại thôn Nà Múc (xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Châu Linh

Nhìn thấy sức trẻ và tinh thần nhiệt huyết của các sinh viên tình nguyện tại địa phương, ông Lương Văn Cai - Chủ tịch UBND xã Tân Thành nhớ lại giai đoạn trưởng thành từ công tác Đoàn của mình. Ông Cai cho biết, rất lâu rồi địa phương mới có dịp đón đoàn sinh viên tình nguyện về thực hiện các công trình, phần việc.

“Con đường này là cả niềm hy vọng, mong ngóng của 76 hộ dân tại thôn Nà Múc trong hàng chục năm qua. Vì vậy, sự tham gia, đóng góp của đoàn sinh viên tình nguyện trong xây dựng, làm con đường mơ ước đã góp phần tạo phong trào xây dựng nông thôn mới, đem đến tín hiệu tích cực cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá trên địa bàn”, ông Cai cho biết thêm.

(còn nữa)

Theo CHÂU LINH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.