Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.

7 năm phục dựng lồng đèn cổ

Làng nghề truyền thống Phú Bình (nằm giáp ranh quận 11 và quận Tân Phú, TPHCM) những ngày này tất bật sáng đêm gia công hàng ngàn chiếc lồng đèn giấy kiếng. Những khâu đầu tiên được chuẩn bị vào khoảng Tết Nguyên đán mới kịp những đơn hàng lớn được đặt từ khắp cả nước mùa Trung thu.

Mẫu lồng đèn cổ “cá hóa long” được phục dựng.

Mẫu lồng đèn cổ “cá hóa long” được phục dựng.

Những nghệ nhân lớn tuổi ở đây hầu hết được truyền nghề từ nhiều đời, bắt nguồn từ làng làm lồng đèn Báo Đáp nổi tiếng ở Nam Định. Khi vào Nam, họ mang theo những mẫu lồng đèn cổ nổi tiếng tinh xảo. Tuy nhiên, giai đoạn 1940-1950, chiến tranh, cuộc sống khó khăn, nguyên liệu bị đứt nguồn cung, hầu hết các mẫu lồng đèn cổ vì thế bị thất truyền.

Các mẫu lồng đèn cổ của làng Báo Đáp từng được trưng bày ở bảo tàng tại Hà Nội, nhưng theo thời gian, chỉ còn những tấm ảnh chụp là lưu giữ lại ký ức những chiếc lồng đèn xưa. Với mong muốn phục dựng những chiếc lồng đèn cổ mà ngày bé có dịp ngắm nhìn, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách đã lặn lội khắp nơi với hành trang là vài tấm ảnh, hình vẽ tư liệu trắng đen, mờ nhòa.

Rồi có người mách ông vào làng Phú Bình hỏi thử. Ban đầu, ai cũng từ chối, mãi khi ông gặp được gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Văn, vốn là người từ làng Báo Đáp, có hơn 60 năm kinh nghiệm làm lồng đèn. Lúc này, tuổi ông Văn đã cao, nhưng với lòng yêu nét đẹp cổ xưa, ông đã nhận lời cùng các con và nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục dựng các mẫu lồng đèn này.

“Các mẫu đèn cổ vốn rất công phu, tinh xảo, rất nhiều chi tiết, và phải làm chính xác 100% để tôn trọng thiết kế của ông bà mình xưa. Mình hoàn toàn không biết về kỹ thuật, chất liệu ngày ấy, hình ảnh thì chỉ có vài góc độ. Phải thử từng thứ một, sai là bỏ hết làm lại, bỏ không biết bao nhiêu mà kể, cần nhiều thời gian, tỉ mỉ, tốn kém lắm”, nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành (57 tuổi, con trai nghệ nhân Trọng Văn) lý giải.

Cũng vì thế, phục dựng chỉ 1 mẫu lồng đèn cổ đã tốn vài năm kiên trì. Như mẫu lồng đèn con cua, chỉ riêng khâu dùng nứa tạo khung đã mất 1 năm, vì phải phục dựng từng đốt trong số 8 cẳng 2 càng sao cho mềm mại nhưng vẫn có độ cứng nhất định. Rồi khâu dán lụa phải tính toán xem người xưa dùng chất liệu gì để bám keo bền 5-10 năm, khi vẽ phải lên màu đẹp nhất. Nhiều chất liệu cảm quan giống hồi xưa nhưng thực chất lại không phải. Tương tự, với khâu vẽ, tốn hơn 1 năm để “chốt” mẫu cua đỏ (cua luộc), và bắt đầu làm thêm mẫu cua xanh (cua sống). Khâu này nhà nghiên cứu Trịnh Bách phải túc trực ở TPHCM, dùng trí nhớ của mình truyền đạt lại cho các nghệ nhân vì các ảnh tư liệu chỉ trắng đen, không thể hiện màu sắc. Công đoạn cuối cùng là khâu trang trí, gồm gắn mắt, lông, dán các chi tiết bằng giấy, phun dầu bóng, keo cho mẫu được lung linh khi thắp đèn và giữ được lâu. Đèn thắp bên trong cũng phải làm loại nến to, đựng trong chén và tính toán vị trí lắp vào để sáng đều, mẫu được lung linh nhất. Chỉ riêng mẫu con cua, ông Bách và các nghệ nhân đã kiên trì ròng rã 3 năm mới ưng ý, đưa ra trưng bày.

Cứ thế, mất khoảng 7 năm liên tục (từ 2017-2023), nhà nghiên cứu và các nghệ nhân mới khôi phục được 8 trên 10 mẫu lồng đèn cổ, gồm: cá hóa long, cá chép, cua sống - cua luộc, bộ tam đa (đào - lựu - phật thủ), củ tỏi… “Càng làm, càng thấy khâm phục ông bà ta trong thời buổi khó khăn mà vẫn làm được những mẫu lồng đèn kỳ công như vậy. Mình càng quý và quyết tâm phục hồi nó”, nghệ nhân Trọng Thành bày tỏ.

Thao thức với lồng đèn truyền thống

Mùa Trung thu, dù tất bật với những đơn hàng lồng đèn, các nghệ nhân làng Phú Bình vẫn không giấu được bồi hồi: đâu chỉ có lồng đèn cổ, chính những mẫu đèn giấy kiếng phổ thông trẻ con chơi ngày nay cũng đi qua lắm thăng trầm. Năm 2004, khi lồng đèn điện tử bùng nổ trên thị trường, lồng đèn giấy kiếng tưởng đã hết thời. Cả gia đình ông Văn dù có người đã lớn tuổi cũng đành tìm nghề khác sống. Mãi đến 9 năm sau, các đại lý cũ bất ngờ quay lại, động viên gia đình làm lại. Ông Thành kể: “Họ quý nhà mình làm đẹp, chất lượng có tiếng, cam kết mình làm bao nhiêu họ lấy hết. Mấy anh em cũng thương nhớ cây đèn truyền thống của cha mẹ để lại, nên quay lại làm”.

Nhưng thời đại đã thay đổi, không thể cứ làm như cũ, cả nhà bắt đầu nghiên cứu cải tiến lồng đèn truyền thống, như làm sao để đèn có thể xếp lại, thuận tiện cho vận chuyển số lượng lớn nhưng phải dễ bung ra để khách hàng có thể tự làm tại nhà. Rồi màu vẽ cũng phải làm sao để bám chắc hơn, phối màu thế nào để dù đèn chưa thắp nến cũng vẫn thấy sáng sủa, còn khi thắp phải sáng đều, lấp lánh, bắt mắt từ xa… Các hộ làm đèn cũng dần tìm cách tạo nét riêng cho mỗi nhà, cũng cây đèn con cá, con thỏ, giá chỉ vài chục ngàn đồng nhưng mỗi nơi có nét vẽ khác biệt, cách làm khung độc quyền… tạo sự đa dạng cho thị trường lồng đèn.

“Đây là cái nghề của mình, muốn nó tồn tại, phát triển phải không ngừng nâng cao tay nghề, nghiên cứu, cải tiến, thử những mẫu thật khó, thật đẹp, không thể lặp đi lặp lại các kiểu đơn giản mãi được”, nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình (47 tuổi, con trai ông Trọng Văn), chia sẻ.

Tại Hội lồng đèn Huế tổ chức tại Phủ Nội vụ, Đại nội Huế, gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Văn đã giới thiệu 10 mẫu lồng đèn mới làm bằng giấy kiếng, vải lụa (tùy điều kiện trưng bày). Các mẫu này dựa trên ý tưởng của lồng đèn cổ làng Báo Đáp, nhưng sáng tạo theo hướng cách tân, hiện đại…“Những loại trưng bày trong bảo tàng này vốn không làm vì mục đích kinh doanh, chúng tôi dùng doanh thu bán đèn giấy kiếng phổ thông để “nuôi” dòng này, nhưng vẫn phải làm tới nơi tới chốn để con cháu mai sau biết ta từng có lồng đèn truyền thống đẹp như thế nào”, nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình chia sẻ.

Theo TÂM HIỀN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.