Sống ở TP.HCM: Trong thế giới chung cư cũ ẩn mình, tìm Sài Gòn xưa độc lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa lòng TP.HCM sầm uất, náo nhiệt, vẫn còn đó những căn chung cư cũ già nua, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Vốn tưởng, khi nhịp sống ngày càng hiện đại, những khu chung cư cũ sẽ bị lãng quên dần theo thời gian. Và chỉ có những người ở tuổi bóng xế mới bằng lòng ở lại, gắn bó với nơi nhiều hoài niệm này. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, những khu chung cư cũ lại một lần nữa sống dậy, thu hút người trẻ bởi những quán cà phê, quán ăn "ẩn mình".

Chung cư là những tòa nhà cao tầng được chia thành nhiều căn cho các hộ gia đình sinh sống, thường xuất hiện nhiều ở các đô thị, nhất là đô thị lớn như TP.HCM. Theo nhiều nguồn tư liệu, chung cư được xây dựng ở TP.HCM từ rất sớm, vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Toàn thành phố phải có đến vài trăm căn chung cư lớn, nhỏ.

Chung cư Tôn Thất Đạm, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Trãi hay Lý Tự Trọng… đều là những cái tên thân thuộc, gắn bó nhiều thập kỷ với thị dân thành phố này.

Tìm Sài Gòn xưa trong những chung cư cũ

Ai đến TP.HCM cũng không khỏi trầm trồ trước nét đẹp hoài niệm của chung cư cũ 14 Tôn Thất Đạm, tọa lạc ngay tại trung tâm Q.1. Theo lời người dân sinh sống ở đây thì chung cư này được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc (năm 1886), gồm có tầng trệt và 4 tầng lầu. Xung quanh đó là những địa điểm nổi tiếng như tòa nhà Bitexco, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TP.HCM….

"Sống sót" qua 3 thế kỷ đầy biến động, bên trong chung cư Tôn Thất Đạm vẫn có những cư dân sống đời nhẹ nhàng, bình thản, lưu giữ ký ức về một thời đã qua.

Không gian xưa cũ ở chung cư Tôn Thất Đạm

Không gian xưa cũ ở chung cư Tôn Thất Đạm

Ghé thăm khu chung cư Tôn Thất Đạm vào một trưa cuối tuần, người tôi gặp đầu tiên là bà Tí (77 tuổi) - giữ xe ngay tầng trệt chung cư. Mái tóc bà bạc trắng, giọng nói có vẻ hơi đanh đá nhưng thật ra, bà là người chân tình. Được biết, bà Tí về sống ở chung cư này từ sau năm 1980, bà tự hào vì mình nằm lòng mọi thứ về nơi này, ai đến, ai đi cũng biết tuốt.

"Cả khu này chỉ có đâu đó chừng 50, 60 hộ. Những người cùng thời với bà giờ còn rất ít, đa số đều theo con cái chuyển đi nơi khác sống. Tuy đã xây hơn trăm năm nhưng nơi này còn tốt lắm, cũ kỹ vậy thôi chứ bê tông cốt thép chắc nịch", bà Tí nói.

Thấy bà Tí bận luôn tay luôn chân, tôi tạm biệt bà rồi "đơn phương độc mã" đi khám phá những điều bí ẩn ở khu chung cư cũ này.

Nhịp sống bình yên, chậm rãi ở chung cư cũ Tôn Thất Đạm

Nhịp sống bình yên, chậm rãi ở chung cư cũ Tôn Thất Đạm

Những mảng tường vàng cũ, những ô cửa sắt hoen gỉ vì thời gian, chiếc cầu thang được thiết kế theo phong cách của thời trước… tất cả đều mang đến cảm giác hoài niệm cho những ai ghé thăm. Ở tầng 1 của chung cư, tôi có duyên gặp được một người phụ nữ U.70, đã ở đây từ thuở mới lấy chồng.

Người phụ nữ ngỏ ý muốn giấu tên, bà bảo nhiều năm nay, báo chí, đài truyền hình đến hỏi chuyện, ghi hình nhiều, giờ bà già rồi nên cũng ngại. "Chục năm trở lại đây, người ta chuyển đi nơi khác rồi cho thuê mặt bằng để làm quán cà phê, shop quần áo. Nhìn cũ cũ vậy thôi chứ có tiền nhiều khi còn không thuê được. Chung cư Tôn Thất Đạm trước đây là tòa cao ốc được người Pháp xây dựng, sau năm 1975 thì được cấp cho các cán bộ, công chức ở. Chồng tôi khi xưa thuộc diện này nên cũng được cấp cho một căn", người phụ nữ lớn tuổi kể lại.

Khi bước chân vào căn hộ của bà, không khó để nhận thấy dấu ấn của thời gian hằn trên bốn vách tường và mấy món đồ đạc. "Mỗi góc nhỏ ở đây đều có kỷ niệm mà tôi nghĩ nếu rời khỏi nơi này, tôi sẽ mất đi một phần của chính mình", bà nói.

Ở các chung cư cũ hiện nay, có rất nhiều quán cà phê, quán ăn thú vị thu hút giới trẻ

Ở các chung cư cũ hiện nay, có rất nhiều quán cà phê, quán ăn thú vị thu hút giới trẻ

Căn hộ nhà bà rộng đâu đó 40 m2 nhưng lại có đến 3 khu vực: ngoài cùng là shop quần áo của con gái, kế đến là nơi để đồ đạc, trong cùng mới là nơi sinh hoạt.

Bà cho hay, dù đã hơn trăm tuổi nhưng hầu như nơi này không có gì thay đổi. Chỉ là càng ngày càng đông đúc, nhộn nhịp vì có nhiều bạn trẻ, khách du lịch đến tham quan.

"Thấy vậy tôi cũng vui mừng vì chung cư cũ nhưng lại mới với các bạn trẻ, họ có cách tận hưởng nơi này của riêng mình. Tôi thấy mình may mắn khi được sống ở đây, ngay trung tâm nên đi đâu cũng tiện. Dù về sau gia đình đông con có hơi chật chội nhưng tôi cũng chưa một lần có ý định rời đi", người phụ nữ vừa nói vừa quơ tay lấy cây chổi quét vài chiếc lá rơi trước hành lang.

"Tôi ở đây nên cũng được hưởng sự trẻ trung"

Ở TP.HCM, nhiều chung cư cũ như được "tái sinh", trở thành tổ hợp giao lưu văn hóa, nghệ thuật của thế hệ trẻ. Các quán cà phê, cửa hàng thời trang ở đây thường mang phong cách retro, có kết hợp giữa nét hoài cổ và hiện đại.

Khi đang say sưa nhìn ngắm, chụp ảnh ở chung cư 42 Nguyễn Huệ, tôi gặp chị Nguyễn Trần Anh Thư (23 tuổi, ở H.Củ Chi) - một cô gái sinh ra và lớn lên ở mảnh đất TP.HCM thân thương. Cách đây 2 năm, chị bắt đầu có sở thích khám phá những quán cà phê, quán ăn trong các khu chung cư cũ. Chị kể, ở những nơi cũ kỹ, tưởng chừng không dành cho người trẻ, chị lại tìm được cho mình sự bình yên và cả những người bạn mới.

Bức hình chị Thư chụp tại một chung cư cũ ở TP.HCM

Bức hình chị Thư chụp tại một chung cư cũ ở TP.HCM

"Việc người trẻ tìm đến các chung cư cũ ở TP.HCM không chỉ đơn thuần là một trào lưu, mà còn phản ánh nhu cầu khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử. Những chung cư cũ này đã tồn tại hàng chục năm, từng chứng kiến biết bao sự thay đổi của thành phố. Khi đặt chân đến đây, tôi không chỉ cảm nhận được không gian của Sài Gòn xưa qua kiến trúc, mà còn được nghe những câu chuyện thú vị từ cư dân. Chính sự đối lập giữa vẻ cũ kỹ của chung cư với phong cách sống năng động của giới trẻ tạo nên sức hút đặc biệt", chị Thư chia sẻ.

Xét về độ nổi tiếng, chung cư 42 Nguyễn Huệ phải đứng nhất nhì ở TP.HCM. Không biết tòa nhà này có gì đặc biệt mà có những vị khách sẵn sàng leo bộ cả chục tầng lầu để ngắm hoàng hôn hay tìm cho mình một nơi ẩn náu giữa thành thị náo nhiệt.

Mọi ngóc ngách trong chung cư 42 Nguyễn Huệ đều được trang trí rất thu hút

Mọi ngóc ngách trong chung cư 42 Nguyễn Huệ đều được trang trí rất thu hút

Chung cư 42 Nguyễn Huệ từng có bức hình gây bão trên kênh National Geographic. Tọa lạc ở khu đắt đỏ ngay trung tâm Q.1, đây là nơi tập trung của nhiều nhà hàng, bar, pub, shop thời trang có "gu". Theo lời của bà Trần Thị Kim Phượng (84 tuổi, một cư dân sống ở tầng 4 chung cư 42 Nguyễn Huệ) thì mặt bằng ở đây rất đắt, rẻ nhất phải tính bằng con số mấy trăm triệu.

Sau khi chồng mất, 2 người con gái đi lấy chồng, bà Phượng một mình gắn bó, gìn giữ ngôi nhà nhỏ trong chung cư Nguyễn Huệ. Bà kể, con gái lớn nhiều lần muốn đón bà ra ở chung nhưng bà không chịu. Bà bảo: "Bà sẽ ở đây cho đến ngày cuối đời hoặc khi nhà nước giải tỏa, buộc lòng mọi người phải đi thì bà mới đi. Ở đây lâu rồi nên mọi thứ thành nền nếp quen, xa mấy ngày là nhớ liền".

Một góc chung cư 42 Nguyễn Huệ lấp lánh về đêm

Một góc chung cư 42 Nguyễn Huệ lấp lánh về đêm

Bà Phượng dù đã qua tuổi 80 nhưng rất trẻ trung, nói chuyện "xì - tin", ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ, bà biết còn nhiều hơn cả tôi. Bà cười nói rằng, vì chung cư nằm ngay mặt phố, bà gặp gỡ người trẻ, người nước ngoài nhiều nên cũng học lỏm được mấy câu. "Bà cũng được hưởng ké sự trẻ trung của tụi nó, chứ không là bà đi theo ông xã lâu rồi", người phụ nữ cười giòn tan.

Chung cư 42 Nguyễn Huệ ngày và đêm là 2 hình tượng hoàn toàn trái ngược. Ban ngày bình yên, hoài niệm nhưng đêm xuống thì "thay tính đổi nết", nó năng động, sầm uất, người Việt, người Tây tấp nập.

Tính đến nay, những hộ dân cư như bà Phượng trong chung cư 42 Nguyễn Huệ còn rất ít, theo nhẩm tính của bà thì chưa đến 10 hộ. Chung cư cũng đã xây thêm thang máy để phục vụ khách khứa đến thăm. Tối nào, sau giờ cơm tối, bà Phượng cũng tranh thủ đi bộ xuống phía trước chung cư, nhìn ngắm phố xá. Bà thấy lòng mình trẻ và hân hoan khi được gặp gỡ, giao lưu với mọi người.

Theo Thái Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.