Sống ở TP.HCM: Đại gia cũng lạc 'thiên đường' lạc xoong độc lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyện săn đồ lạc xoong không chỉ đơn thuần là việc mua sắm mà đã trở thành một thú vui trong đời sống văn hóa của thị dân TP.HCM. Giữa thời hiện đại, khi mà hàng hóa trở nên đa dạng, dễ tìm, dễ mua, tại sao đồ lạc xoong vẫn có sức hút?

Lạc xoong, hiểu đơn giản là những món đồ cũ đã qua sử dụng. Ở những gian hàng bán đồ lạc xoong, có thể tìm thấy đủ thứ trên đời. Đây không hẳn là đồ giá rẻ vì có những món lên tới tiền trăm, tiền triệu như trong cuốn sách Tự vị tiếng Việt miền Nam, tác giả Vương Hồng Sển có viết: "nhiều khi với mắt tinh đời, sẽ gặp đồ cổ quý, Minh, Khang Hy, ẩn tàng trong đám bạc son chợ trời".

Ở TP.HCM, có thể tìm mua đồ lạc xoong ở một vài khu chợ như Dân Sinh (Q.1), chợ Nhật Tảo (Q.10), chợ Kim Biên (Q.5). Hay trên các con đường Hùng Vương (Q.10), đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp), đường Hoàng Sa (Q.3) cũng có thể tìm thấy những gian hàng lạc xoong lề đường...

Lạc vào "thiên đường" lạc xoong

Dọc trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn gần đường ray xe lửa), có những gian hàng bán đồ lạc xoong lề đường bất chấp nắng mưa. Tại các gian hàng này, có thể tìm mua đủ thứ từ máy móc, quần áo, giày dép, trang sức, phụ kiện. Đặc biệt là giá nào cũng có.

Một gian hàng bán đồ lạc xoong nhộn nhịp trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp)

Một gian hàng bán đồ lạc xoong nhộn nhịp trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp)

"Quẹo lựa, quẹo lựa đi bà con cô bác ơi. Hàng mới, hàng mới, hàng mới về", vừa nói ông N.H vừa hí hoáy sửa chiếc ổ điện vừa thu được sáng nay. Gian hàng của ông H. là nơi tập hợp đủ thứ hầm bà lằng. Đây là "thiên đường mua sắm" dành cho những ai muốn săn lùng đồ điện tử, linh kiện, máy móc với giá "mắt cá chân".

Tôi hỏi mua một chiếc bình đun nước siêu tốc đã tróc sơn, ông H. báo giá 50.000 đồng. "Lấy đi cô, ấm này của Nhật, xài ngon lắm", ông với người ra nói.

Nghi ngờ về chất lượng, tôi hỏi ông có điện để cắm thử không, ông H. cười nói: "Mới mua đồ lạc xoong lần đầu hả, chỗ tôi hàng bao xài, bao đổi trả trong vòng một tuần. Cô đem về dùng không được thì mang ra đây tôi hoàn tiền. Tuy là đồ cũ nhưng mấy món tôi bán đều đảm bảo còn tốt, nếu không làm sao giữ khách mấy năm nay?".

Đồ điện tử ở chỗ ông H., được ông thu mua từ nhiều nguồn, sau đó mang về thay thế linh kiện, sửa sang lại rồi đem bán. Giá dao động từ 10.000 đến 300.000 đồng. Nán lại trò chuyện, tôi được ông bật mí rất nhiều điều thú vị về người bán đồ lạc xoong.

Săn đồ lạc xoong là thú vui của nhiều người TP.HCM

Săn đồ lạc xoong là thú vui của nhiều người TP.HCM

Theo lời ông, những người làm nghề này đều có đôi mắt quan sát tinh anh, chỉ cần liếc mắt, có thể nhận diện được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái. Muốn kiểm định chất lượng, họ chỉ cần cầm món đồ lên tay, lắc qua lắc lại vài cái là biết ngay còn sử dụng được hay không.

"Mấy món đồ này qua nhiều đời chủ, nếu không biết cách lọc hàng thì dễ thu phải đồ dởm lắm. Cái nghề này lời lãi chẳng được bao nhiêu nên phải cẩn thận ở khâu thu hàng. Lạc xoong là đồ còn dùng được chứ không phải phế liệu, đã bán thì phải bán đồ còn ngon", người đàn ông khảng khái.

Những người bán hàng ở đây làm tôi ngạc nhiên vì họ luôn thẳng thắn với khách về chất lượng sản phẩm. Thấy một anh shipper cầm trên tay chiếc ổ điện đen dài, ông H. liền phủi tay: "Loại này dởm, lấy cái màu xanh đi chú. Cái màu xanh là dây đồng, còn màu đen là dây nhựa. Lấy cái tốt về xài cho bền và an toàn".

Cách chỗ ông H. tầm 200m là gian hàng phủ đầy trang sức, tranh vẽ của ông Vui (46 tuổi, Q.Gò Vấp). Người đàn ông này trông rất sành điệu khi giới thiệu cho tôi mấy chai nước hoa, lắc tay, nhẫn, khuyên tai đủ kiểu dáng.

Nhiều người đi đường tranh thủ ghé vào lựa đồ

Nhiều người đi đường tranh thủ ghé vào lựa đồ

Ông tiết lộ, muốn bán được đồ lạc xoong, có 2 thứ cần phải biết: chiều khách và phân loại khách hàng.

"Người đến mua đồ lạc xoong thường sẽ lựa chọn, xem hàng rất lâu. Có người đến lục tung gian hàng nhưng chẳng mua món gì, cũng có người vặn vẹo đủ thứ… Nhưng đã buôn bán thì phải đối đãi với khách tử tế, có như vậy mới trụ nổi trong cái nghề này. Thật ra, chỉ cần nhìn qua, tôi đã đoán được đó là dân sành sỏi hay người mới. Giá cả tôi bán cũng tùy từng người, ai đi xe sang tôi lấy thêm vài đồng, thấy ai khó khăn thì nhằm khi bớt hoặc cho luôn, bù qua sớt lại thế đấy", ông Vui nói.

Thú vui của những ai mê đồ độc lạ

Trong vai người đi săn đồ lạc xoong, tôi tiếp cận và nói chuyện với một người đàn ông mang sơ mi đóng thùng, trên đai quần treo chiếc chìa khóa xe hơi, trông có vẻ rất giàu có đang mân mê một chiếc bình hoa cũ.

Thấy tôi tò mò, người này hớn hở nói: "Hàng mới đó, tôi tính mua về mà sợ bà xã nổi giận vì tôi có hơn chục chiếc ở nhà rồi". Ông Đức (47 tuổi, Q.Gò Vấp) là người đam mê săn đồ lạc xoong mấy năm nay. Hôm nào tiện đường, ông đều ghé vào mấy gian hàng lạc xoong để ngắm nghía cho đỡ "thèm", có món nào ưng bụng thì mua luôn.

"Cách đây mấy năm, tôi có dịp đi săn đồ lạc xoong với một ông bạn rồi bén duyên với bộ môn này đến nay. Đi mua đồ này, vui nhất là lúc tìm được một món đồ độc lạ và lúc thương thảo giá cả. Lạc xoong bán giá theo cảm hứng, ai không biết trả giá là thiệt thòi ngay. Lúc trước, người ta nói bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu, còn bây giờ khi đã quen, có khi tôi trả giá được hơn một nửa", ông Đức khoái chí.

Trang sức, nước hoa, đồ điện tử, hộp quẹt... đều có thể tìm thấy ở chợ lạc xoong

Trang sức, nước hoa, đồ điện tử, hộp quẹt... đều có thể tìm thấy ở chợ lạc xoong

Ông giải thích thêm, đồ lạc xoong khác với đồ cổ, cứ là đồ cũ đã qua sử dụng được chuyền tay nhau đem bán thì có thể gọi là lạc xoong. Còn đồ cổ thì hiển nhiên phải có giá trị về mặt thời gian, ý nghĩa văn hóa, lịch sử… Hàng lạc xoong được thu gom từ nhiều nguồn, phần lớn là hàng loại, không thể kiểm soát chất lượng. Vậy nên đi mua đồ lạc xoong cũng phải trông chờ vào vận may.

Tôi mạnh dạn hỏi ông Đức, vì sao ông có điều kiện khá giả nhưng vẫn len lỏi ở mấy gian hàng lạc xoong lề đường để mua, ông xua tay, cười nói: "Đại gia cũng đi săn đồ lạc xoong. Đồ hiệu thì ai có tiền là mua được ngay, còn lạc xoong thì chưa chắc".

Ở khu bán đồ lạc xoong có thể mua được nhiều món hàng xịn với giá rẻ

Ở khu bán đồ lạc xoong có thể mua được nhiều món hàng xịn với giá rẻ

Lẩn trong đám đông đang say sưa lục lọi mấy món đồ lạc xoong, còn có người đến góp vui bằng cách bán vài món đồ cũ của mình. Có người mang cái nồi cơm điện cũ rích hay mấy chiếc điện thoại "cục gạch" đến. Bản thân họ cũng biết những thứ này cho cũng không ai lấy nhưng lại thấy vui, ai nấy đều phấn khởi, xúm lại thi nhau bàn luận.

Người đi săn đồ lạc xoong cư xử rất văn minh, mỗi khi lục được món đồ độc lạ nào đó, họ xếp hàng để trả giá, ngắm nghía, sờ thử. Một người đàn ông bán hàng lạc xoong khu này nói với tôi: "Đi mua đồ lạc xoong, hiếm khi có cự cãi, đánh nhau lắm. Ai cũng nhẹ nhàng, trật tự để không ảnh hưởng đến các hàng quán bên cạnh".

Chợ lạc xoong online

Thời hiện đại, người dân TP.HCM còn có thể săn đồ lạc xoong ở các nền tảng trực tuyến. Trên Facebook, có không ít hội nhóm chia sẻ, trao đổi, mua bán đồ lạc xoong như: Sài Gòn Chợ Lạc Xoong, Chợ Lạc Xoong Sài Gòn… Thú vui săn lùng đồ lạc xoong còn giúp kết nối những người có cùng sở thích. Các nhóm trên mạng xã hội, các diễn đàn về đồ cũ luôn là nơi để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và tìm kiếm những món đồ mình mong muốn.

Theo Thái Thanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.