Sống ở TP.HCM: Vào thế giới cư xá, 'giờ có cho vàng cũng không bỏ đi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi nhắc đến TP.HCM, người ta thường nghĩ ngay đến những tòa nhà cao chọc trời, những con phố sầm uất và nhịp sống hối hả của một thành phố 'không ngủ'.

Ấy vậy, giữa lòng TP.HCM năng động vẫn tồn tại những cư xá lâu đời, mang trong mình những câu chuyện và kỷ niệm khó quên về một thời đã qua.

Hai chữ "cư xá" vốn không có trong từ điển Hán - Việt, đến nay cũng không còn được dùng trong các bản đồ quy hoạch dân cư đô thị. Nhưng những cư xá như Thanh Đa, Bắc Hải, Đô Thành, Lữ Gia, Bàn Cờ… lại được thị dân TP.HCM nhắc nhiều, bởi họ xem nó như một phần "máu thịt" của thành phố này.

Nhiều tư liệu ghi chép rằng hai từ ghép cư xá được dùng sau năm 1954 để chỉ một khu nhà ở có cấu trúc giống nhau. Những cư xá được mệnh danh là "thành phố trong thành phố".

Cư xá Thanh Đa hiện nay

Cư xá Thanh Đa hiện nay

Nghĩa tình làng xóm ở cư xá đã tồn tại hơn nửa thế kỷ

Giấc trưa, tôi ghé thăm cư xá Thanh Đa. Nằm bên bờ sông Sài Gòn, Thanh Đa là một trong những khu cư xá nổi tiếng và lâu đời nhất TP.HCM. Thanh Đa là tên gọi của 21 lô chung cư cũ tọa lạc ở P.27, Q.Bình Thạnh. Được xây dựng từ những năm 1960, cư xá này đã trở thành mái ấm của hàng nghìn gia đình qua nhiều thế hệ.

Theo quy hoạch ban đầu, khu cư xá này có đầy đủ các hệ thống giao thông, công trình, dịch vụ công cộng. Muốn đến cư xá Thanh Đa, người dân có thể di chuyển bằng đường bộ qua cầu Kinh hoặc đi từ P.Linh Đông (TP.Thủ Đức) sang phà Bình Quới.

Theo chia sẻ của cư dân Thanh Đa, năm 1975, nơi này được chính quyền cấp làm nơi ở cho gia đình của các công nhân, viên chức. Theo thời gian, cơ sở vật chất cũng dần xuống cấp. Đến Thanh Đa, không khó để nhìn thấy những con đường nhỏ quanh co, những dãy nhà cũ kỹ với nước sơn đã bạc màu theo năm tháng. Thế nhưng, tình cảm làng xóm của người dân nơi đây vẫn son sắt như thuở ban đầu.

Không gian bên trong cư xá Thanh Đa bình yên đến lạ

Không gian bên trong cư xá Thanh Đa bình yên đến lạ

Khi thấy tôi thở dốc, mệt bở hơi tai khi leo lên 3 tầng lầu, bà Du Di (69 tuổi) ở lô 8 cư xá Thanh Đa vội vã trao tay tôi cốc trà đá. "Người bên ngoài vào cư xá chơi hả cô, chứ người sống ở đây lâu năm dăm ba cái bậc thang này nhằm nhò gì", bà Di cười giòn giã.

Bà Di sống ở cư xá Thanh Đa đã hơn 30 năm, hồi đó chồng bà là một viên chức nên được nhà nước cấp nhà ở. Hiện nay, bà sống cùng người em dâu vì chồng và em chồng không may qua đời trong đợt dịch Covid-19.

Ngược dòng thời gian, bà Di nhớ lại những ngày đầu tiên gia đình mình chuyển đến đây. Khi ấy nơi này chưa được hiện đại, tiện nghi như bây giờ. Vì có 3 mặt giáp sông nên xung quanh cỏ dại, rau muống mọc um tùm.

Những bậc thang cư xá Thanh Đa đã hao mòn theo thời gian

Những bậc thang cư xá Thanh Đa đã hao mòn theo thời gian

"Thời này ai có nhà hay thuê được nhà ở cư xá là sướng lắm đấy. Nơi đây bước vài bước chân là có chợ, có tiệm thức ăn, muốn ăn món gì cũng có. Rồi các dịch vụ làm tóc, làm móng tay, móng chân thì đếm không xuể, nhằm khi còn phục vụ tận cửa, từng nhà. Thanh Đa còn có cả công viên bờ sông nên khí hậu thoáng đãng, trong lành, những nơi khác khó mà có được", bà Di tấm tắc.

Sau khi chồng mất, bà Di cũng không ít lần thấy mình cô đơn, lẻ bóng. Cũng may có làng xóm nghĩa tình, ngày nào cũng bắc cái ghế, xới tô cơm, tâm tình với nhau đủ thứ trên đời.

Cơ sở vật chất bên trong cư xá Thanh Đa cũng dần xuống cấp

Cơ sở vật chất bên trong cư xá Thanh Đa cũng dần xuống cấp

"Tôi giờ một thân một mình, cũng may có các bà ở đây quan tâm. Chúng tôi đều là những người sống ở Thanh Đa lâu năm, giờ có cho vàng cũng không bỏ đi nữa là. Hồi đợt nghe tin chỗ này giải tỏa vì xuống cấp, ai cũng bồn chồn, hoang mang. Tôi chỉ mong mình có thể được ở đây cho đến ngày cuối đời", bà Di nói.

Bà Huỳnh Thị Liên (72 tuổi), một người hàng xóm của bà Di nói thêm: "Hồi còn trẻ ai cũng bận đi làm thuê làm mướn, giờ già rồi mới có ngày ngồi thảnh thơi, nhìn ngắm thật kỹ cư xá này. Cả khu cư xá như một đại gia đình. Nhà nào có việc gì, cả xóm đều biết và giúp đỡ nhau".

"Mùa dịch Covid-19, chỉ cần một nhà có người đi cách ly là cả lô đều quan tâm, lo lắng. Có trái bầu, trái bí hay bát cơm cũng mang san sẻ cho nhau, cùng nhau vượt qua thời điểm đó. Bây giờ, dù thành phố thay đổi nhiều nhưng tình cảm giữa hàng xóm láng giềng vẫn còn nguyên vẹn", bà Liên kể lại.

Mọi người sống trong cư xá xem nhau như một gia đình

Mọi người sống trong cư xá xem nhau như một gia đình

Lạc vào một thế giới khác

Giữa nhịp sống hối hả ngay trung tâm TP.HCM, cuộc sống bên trong những cư xá dường như rất khác biệt - bình yên và đầy hoài niệm. Không phải đi đâu xa, ngay đường Điện Biên Phủ giao với Nguyễn Hiền (P.4, Q.3), mấy chục năm qua, cư xá Đô Thành vẫn còn đó, cất giữ ký ức của bao thế hệ. Đây là một khu dân cư rộng lớn với kiến trúc xây dựng đa dạng.

Cánh cổng lợp ngói đỏ với 2 câu đề: "An cư thôn linh ứng/Lạc nghiệp địa phương dân" (Dịch nghĩa: Thôn xóm thiêng liêng yên bình/Người dân vui với công việc hằng ngày) chính là niềm tự hào của cư dân Đô Thành. Bởi khắp TP.HCM, hiếm có cư xá nào được xây cổng chào đẹp đẽ, uy nghiêm như thế.

Cổng vào cư xá Đô Thành ngày nay. Đây là một trong những cư xá có kiến trúc hiện đại, phong phú nhất

Cổng vào cư xá Đô Thành ngày nay. Đây là một trong những cư xá có kiến trúc hiện đại, phong phú nhất

Đảo xe một vòng quanh cư xá Đô Thành, tôi nhẩm tính bên trong này có tổng cộng 8 con đường, được đánh số thứ tự từ 1 đến 7 (bắt đầu tính từ cổng) và đường Nguyễn Hiền. Bao quanh cư xá là những con đường "có tiếng" ở TP.HCM như đường Nguyễn Đình Chiểu, Vườn Chuối, Bàn Cờ hay Cao Thắng.

Bà Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi), chủ một quán nước vỉa hè trong cư xá Đô Thành chia sẻ: "Ngày trước, số dân của cư xá này ước tính phải bằng một phường của TP.HCM bây giờ. Cư dân trong đây thì nhiều tầng lớp, hoàn cảnh, không chỉ có công chức nhà nước mà người lao động bình dân, người có hoàn cảnh khó khăn cũng vô số kể. Đô Thành này ai ở cũng được, không kỳ thị một ai".

Người phụ nữ tự hào bật mí cho tôi "những điều bạn chưa biết về cư xá Đô Thành", rằng đối với những người lần đầu đến đây, việc tìm đường, tìm địa chỉ là chuyện hết sức nan giải. Bởi không chỉ cấu trúc của các tòa nhà trong cư xá hầu như giống hệt nhau mà ngay cả những con đường cũng là "anh em cùng cha cùng mẹ".

Khung cảnh bình yên bên trong cư xá Đô Thành

Khung cảnh bình yên bên trong cư xá Đô Thành

Theo lời bà Hoa, trong cư xá Đô Thành, muốn thuê nhà hay phòng trọ giá rẻ có thể tham khảo ở đường số 1. Đường số 2, số 3 thì có diện tích rộng nhất, có nhiều cửa hàng, dịch vụ tiện ích. Đường số 4 thường là nơi sinh sống của người dân lao động, có nhiều con hẻm nhỏ thông với đường Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng. Những con đường còn lại là những đoạn đường nối, chỉ dài đâu đó 50 m. Riêng đường Nguyễn Hiền là con đường dài bao trọn bề dọc của cư xá này.

Bên trong cư xá còn có Trường THCS Bàn Cờ - nơi gắn liền với tuổi thơ của những người giờ đây đã trở thành ông, thành bà. Những ngày hè, Đô Thành cũng vắng lặng, thiếu vắng tiếng cười nói vì các em học sinh nghỉ học. Những người bán hàng rong quanh đây bảo nhau: "Bán ế nốt mấy bữa nữa thôi, sắp nhỏ đi học lại là làm không ngơi tay liền".

Ông Trịnh Văn (67 tuổi), một cư dân cao tuổi ở cư xá bộc bạch: "Trải qua nhiều thập kỷ, cư xá Đô Thành cũng không tránh khỏi sự thay đổi. Những tòa nhà cũ kỹ được tu sửa, nâng cấp, nhưng người ta vẫn cố gắng gìn giữ nét đẹp vốn có của nó. Tôi có một số ông bạn đã mất, cũng có người theo con cháu chuyển ra chung cư sống, đi nước ngoài định cư. Nhưng tre phải già thì măng mới mọc, bây giờ Đô Thành có nhiều thế hệ cư dân mới, các cháu trẻ trung, năng động cũng làm cho nơi này náo nhiệt hẳn lên", ông Văn cười hiền, nói.

Đô Thành ngày nay không chỉ có nhà ở mà còn có rất nhiều công ty, văn phòng, cửa hiệu… Anh Đỗ Ngọc Hùng (23 tuổi) được dịp ghé cư xá uống cà phê với bạn bày tỏ: "Thật không ngờ ngay giữa TP.HCM lại có một nơi khác biệt như thế. Ở đây, mọi người dường như sống rất chậm, giản dị và mến khách. Tôi rất thích khám phá những địa điểm cổ xưa, tôi đặt mục tiêu sẽ khám phá hết tất cả các cư xá có trong thành phố này".

Dù thành phố đã thay đổi nhiều nhưng cư xá Đô Thành vẫn giữ được một phần hồn của Sài Gòn xưa. Đó là sự gắn kết, tình cảm giữa người với người, điều mà khó tìm thấy ở những nơi khác. Dưới những tán cây xanh rợp bóng, cư xá Đô Thành vẫn ở đó, gìn giữ một nét đẹp văn hóa rất riêng của TP.HCM.

Những cư xá lâu đời ở TP.HCM không chỉ là nơi ở, mà còn là những chứng nhân lịch sử, lưu giữ ký ức và câu chuyện của biết bao thế hệ đã qua.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.