Sống ở TP.HCM: U.90 'rực lửa', chết cũng muốn mang theo máy ảnh để bầu bạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Như một nốt nhạc lệch nhịp trong bản hòa ca thời đại mới, những người thợ chụp ảnh dạo ở TP.HCM dễ dàng lọt thỏm giữa nhịp sống hiện đại, vội vã.

Những “phó nháy” như ông Liêm, ông Diên được xem là “lão tướng” trong làng nghề chụp ảnh dạo. Họ đã từng mang chiếc máy ảnh của mình đi khắp TP.HCM, giúp nhiều thị dân thành phố này và cả khách du lịch lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Dù đã đã lớn tuổi nhưng họ vẫn quyết tâm bám trụ với nghề như một niềm kiêu hãnh cuối cùng của đời mình.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi điện thoại thông minh ngày càng phổ biến và không khó để sở hữu, họ gần như “thất nghiệp”. Ở khu vực Bưu điện Thành phố, Dinh Độc Lập hay Thảo Cầm Viên… cũng xuất hiện thêm nhiều “tay máy” mới, cạnh tranh về cả kỹ năng lẫn thiết bị với người cũ.

“Nghề chụp ảnh dạo kéo tôi khỏi bờ vực cái chết”

Dáng người thấp bé, bước đi chậm rãi, mang chiếc áo gile màu bộ đội sờn vai, đôi tay nhăn nheo cầm chiếc máy ảnh Canon 40D trân quý như báu vật, chốc chốc lại cúi xuống đấm chân vì mỏi... Ấy vậy, hơn mấy chục năm qua, người đàn ông đó vẫn đứng trước Bưu điện Thành phố chờ khách chụp ảnh, không nghỉ một ngày. Đó là ông Nguyễn Văn Diên (82 tuổi, ở Q.8), một trong những người thợ chụp ảnh dạo đời đầu ở TP.HCM.

Ông Diên là thợ ảnh lớn tuổi nhất trong nhóm thợ ở khu vực Bưu điện Thành phố hiện nay

Ông Diên là thợ ảnh lớn tuổi nhất trong nhóm thợ ở khu vực Bưu điện Thành phố hiện nay

Ông Diên vào nghề nhiếp ảnh từ những năm 1960. Suốt chừng ấy năm qua, dẫu trải qua đủ khó khăn, thăng trầm nhưng chưa một lần ông nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

“Những năm 1980 phải gọi là thời huy hoàng của nghề chụp ảnh dạo. Ngày trước, tôi học chụp ảnh ở bên đường Sương Nguyệt Anh, ra nghề rồi đi chụp khắp nơi ở TP.HCM. Lúc đó, cái nghề này nuôi sống cả gia đình, mỗi ngày tôi chụp cả trăm tấm là ít. Những ngày lễ, tết có khi chụp đến tối khuya mới về đến nhà”, người đàn ông trầm ngâm hoài niệm.

Ông Diên cho biết chiếc bảng tên này đã gắn bó với ông hơn chục năm

Ông Diên cho biết chiếc bảng tên này đã gắn bó với ông hơn chục năm

Thời dịch Covid-19, ông Diên từng rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, tuyệt vọng đến mức có ý định tìm đến cái chết. Vì thành phố phong tỏa, ông không thể ra đường “kiếm cơm”, một thân một mình sống trong căn phòng trọ nhỏ ở Q.8. Đỉnh điểm là khi không thể gắng gượng được nữa, ông phải bán đi chiếc xe máy Dream cũ đã đồng hành với mình gần chục năm.

“Lúc đó, tôi phải đứng giữa 2 lựa chọn là bán đi chiếc xe hay bán chiếc máy ảnh. Nhiều người khuyên tôi bán máy rồi chuyển sang chạy xe ôm hay chở đồ thuê, nhằm khi còn có tiền trang trải mà sống. Nhưng làm nghề mấy chục năm, chiếc máy này tôi coi như sinh mệnh, nói bỏ là bỏ làm sao. Cái nghề gắn liền với cái nghiệp, tiếp tục thì khổ mà bỏ thì không đành lòng”, ông Diên tâm sự.

Mỗi bức hình ông Diên chụp có giá từ 30.000 đến 50.000 đồng tùy kích thước

Mỗi bức hình ông Diên chụp có giá từ 30.000 đến 50.000 đồng tùy kích thước

Vợ mất, con cái đều đã có cuộc sống riêng, giờ đây ông Diên chỉ còn biết làm bạn với chiếc máy ảnh và những vị khách xa lạ. Ông tâm sự với tôi, nhiều đêm nằm ngủ, ông chỉ ước cho ông được chết một cách nhẹ nhàng. Khi ấy, ông không cần gì cả, chỉ muốn được mang theo chiếc máy ảnh để tiếp tục bầu bạn ở thế giới bên kia.

“Tôi còn sống đến bây giờ là nhờ vào nghề chụp ảnh dạo này, chính nó đã cứu tôi khỏi bờ vực của cái chết. Nếu không có nghề, tôi không biết bám víu vào đâu để tiếp tục sống. Bây giờ, bạn trẻ cũng dần thay thế vị trí của tôi và anh em đồng nghiệp. Nhưng đó là chuyện tất yếu, tôi bây giờ gắng làm được ngày nào hay ngày đó. Thú thật, tôi làm vì khổ nhưng cũng là làm vì yêu. Nếu không được cầm máy chụp ảnh thì cuộc sống còn nghĩa lý chi”, nói đoạn ông Diên mở cho tôi xem tấm ảnh kỷ niệm một bạn khách chụp cho vào năm 2021. Lúc ấy, thành phố chuẩn bị có lệnh phong tỏa, cả khu Bưu điện Thành phố chỉ còn ông “cố chấp” ngồi đợi khách.

Không chỉ chụp ảnh ở TP.HCM, thời trai trẻ, ông Diên còn được mời đi Phú Quốc, Cần Thơ, Rạch Giá, Côn Đảo... để chụp đám tiệc vì tay nghề chụp rất đẳng cấp.

Người thợ ảnh xúc động khi kể về những kỉ niệm đáng nhớ trong mấy chục năm làm nghề của mình

Người thợ ảnh xúc động khi kể về những kỉ niệm đáng nhớ trong mấy chục năm làm nghề của mình

Qua rồi thời vàng son nhưng vẫn còn đó tình yêu và lòng nhiệt huyết với nghề chụp ảnh của người đàn ông lớn tuổi. Nhìn ông Diên lúc làm việc, cẩn trọng canh từng góc máy, chỉnh sửa dáng đứng cho khách, không ai nghĩ rằng ông đã là U.90. Có lẽ, con người ta mãi mãi còn trẻ khi họ còn được làm công việc mình yêu thích.

Ông Diên có lời dặn dò với người trẻ, rằng điều quan trọng nhất để mình có thể gắn bó lâu dài với một nghề nào đó, chính là tình yêu và trách nhiệm. “Mình không phụ nghề thì nghề cũng sẽ không phụ mình”, ông Diên đúc kết.

Ông Diên cho biết, năm 2021, khi ông mới bán chiếc xe Dream để có tiền trang trải cuộc sống, phóng viên Báo Thanh Niên và một số báo khác đã có đến gặp và viết bài chia sẻ hoàn cảnh của ông. Nhờ đó, ông đã được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, có thể chuộc lại chiếc xe máy để tiếp tục làm nghề.

Tình người TP.HCM giúp thợ chụp ảnh dạo sống lại thời hoàng kim

Không còn xa lạ, hình ảnh người thợ ảnh già với dáng người nhỏ bé, đầu đội chiếc nón Noel thương hiệu, mặc áo sơ mi trắng với quần jeans bụi, đeo chiếc máy ảnh Nikon D90 trước ngực, miệng cười móm mém để lộ hàm răng sún đã trở nên thân thuộc với người dân hay lui tới khu vực Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức bà. Không ai khác, đó là ông Nguyễn Quang Liêm (80 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) - một thợ chụp ảnh dạo già ở TP.HCM từng nổi lên như một “hiện tượng” trên mạng xã hội.

Ông Liêm thấy biết ơn vì chính tình người TP.HCM đã giúp ông sống lại thời hoàng kim của nghề chụp ảnh dạo

Ông Liêm thấy biết ơn vì chính tình người TP.HCM đã giúp ông sống lại thời hoàng kim của nghề chụp ảnh dạo

Ông Liêm bắt đầu mơ về chiếc máy ảnh vào năm 13 tuổi, khi tình cờ xem được một bộ phim ở rạp có một diễn viên nam cầm máy ảnh chụp hình cho nhiều người. Đến khi bước sang tuổi 25, ông quyết định bán đi sợi dây chuyền vàng của mình để đầu tư “bộ đồ nghề” thật xịn và chính thức trở thành một “phó nháy”.

Gần 50 năm làm nghề, ông Liêm thổ lộ: “Thời nay, ai cũng có máy ảnh, di động tốt để tự chụp hình cho nhau. Mỗi lần thấy các bạn trẻ vác máy đến, tôi tự ti dữ lắm. Máy tôi là máy đời cũ, có lần khách tạo dáng xong xuôi mà nó chết cứng, tôi áy náy và xấu hổ vô cùng. Tôi cũng không rành về các khoản chỉnh sửa, chỉ chụp và in ra một cách truyền thống. Mấy năm nay, nhờ con cái chỉ thêm, tôi mới biết cách gửi file ảnh sang Zalo cho khách”.

Ông Liêm tâm sự thêm, nghề chụp ảnh dạo ở TP.HCM đã có một thời gian “suýt chết”. Cách đây khoảng 2 năm, ông liên tục thất nghiệp trong vòng nhiều ngày, đi từ sáng đến tối mịt nhưng chỉ chụp được một, hai tấm ảnh, có khi chẳng được tấm nào. May sao trời tạo cơ duyên cho ông được gặp gỡ với một bạn làm sáng tạo nội dung nổi tiếng trên mạng, tên là Đoàn Minh Thông, nhờ bạn ấy chia sẻ câu chuyện nên bản thân ông và nghề chụp ảnh dạo mới được như bây giờ.

Người thợ chụp ảnh dạo tự tin nói rằng mình đã có một đời làm nghề thành công

Người thợ chụp ảnh dạo tự tin nói rằng mình đã có một đời làm nghề thành công

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Liêm nói: “Đã lâu lắm rồi, tôi mới có được cảm giác chụp đã tay như thời trước. Có nhiều bạn trẻ khi chụp xong còn bo thêm cho tôi vài chục, nhắn nhủ tôi cố gắng lên để còn chụp ảnh lâu dài. Thậm chí, tôi nhớ mãi một anh thanh niên đi mấy chục cây số để đến đây thật sớm ủng hộ cho tôi. Chính tình người, tình thương của người dân TP.HCM đã cưu mang tôi qua giai đoạn khốn khó, cũng là cho những người thợ chụp ảnh thêm hy vọng, được một lần sống lại thời huy hoàng ấy. Xem như tôi đã có một đời trọn vẹn, tận tâm, tận tụy cống hiến cho nghề chụp ảnh dạo”.

Cùng bạn đến Bưu điện Thành phố uống cà phê bệt, tận hưởng cuối tuần, chị Nguyễn Như Mai (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) nhờ ông Liêm chụp giúp mình vài tấm hình làm kỷ niệm. Chị Mai biết đến ông thông qua mạng xã hội, hình ảnh người đàn ông lớn tuổi vẫn rực lửa với nghề khiến chị nhớ về người cha quá cố của mình.

“Tôi thương và nể phục ông, dù tuổi đã cao nhưng tâm hồn ông còn trẻ lắm. Tính tôi thì hay ngại máy ảnh, cũng hơi tự ti vì khá đô con. Thấy tôi lúng túng không biết tạo dáng gì, ông liền chạy đến hướng dẫn tôi đặt tay trước bụng, thả lỏng vai, ưỡn ngực… Một tấm ảnh chỉ có 30.000 đồng nhưng ông Liêm sẽ chụp cho đến khi tôi ưng ý mới chịu ngừng”, chị Mai kể.

Những vị khách trung niên cũng rất thích thú khi được ông Liêm chụp hình

Những vị khách trung niên cũng rất thích thú khi được ông Liêm chụp hình

Không chỉ người trẻ, khách của ông Liêm không thiếu những người ở độ tuổi trung niên. Bà Lâm Mỹ Hạnh (44 tuổi, ở Q.Gò Vấp) bộc bạch: “Tôi rất thích những tấm hình được chụp bởi các thợ ảnh đường phố như ông Liêm. Cách chụp, màu ảnh như giúp tôi trở về tuổi thơ, cái thuở còn được ba mẹ dẫn đi Thảo Cầm Viên, Đầm Sen nước vui chơi rồi chụp hình. Bây giờ con cái nó mua cho cái di động, chụp ảnh, quay clip, cái gì cũng có nhưng chẳng gì hạnh phúc hơn cảm giác cầm tấm hình trên tay như lúc này”.

Làm mới nghề chụp ảnh dạo

Thời đại công nghệ số, việc sở hữu những bức hình hay video đẹp dường như trở thành nhu cầu thiết yếu của con người. Không chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh đơn thuần, người trẻ hiện nay còn muốn tạo nên phong cách riêng thông qua cách chỉnh màu, chọn bố cục ảnh, phong cách chụp… Đó là những yếu tố mà các thợ chụp ảnh dạo “đời đầu” khó lòng cạnh tranh.

Anh Huỳnh Minh Mẫn (27 tuổi, ở Q.Gò Vấp), chủ một studio chụp ảnh ở TP.HCM chia sẻ, bản thân anh và các đồng nghiệp khác rất kính trọng và ngưỡng mộ những thợ chụp ảnh dạo lớn tuổi bởi lòng yêu nghề, kiên định, gắn bó của họ.

“Bản thân tôi khi có thời gian cũng sẽ lên phố tìm gặp các bậc tiền bối để học hỏi thêm. Tôi nghĩ chữ “dạo” trong chụp ảnh dạo nên được hiểu theo nghĩa tự do làm việc, giờ giấc, tự do sáng tạo… chứ không nên hiểu theo nghĩa bấp bênh, tạm bợ. Thời buổi kinh tế khó khăn, tôi cũng không ngại lăn xả, ra đường chụp ảnh theo yêu cầu của khách để có thêm thu nhập. Người trẻ chúng tôi cũng nên góp phần nào đó để nghề chụp ảnh dạo có diện mạo mới, cũng là gìn giữ một nét đẹp văn hóa đường phố vốn có của TP.HCM”, anh Mẫn bộc bạch.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.