Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà đã ở bên nhau như thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày Đại tướng về với thế giới người hiền, đặc biệt là 3 năm trở lại đây, sức khỏe của phu nhân Đặng Bích Hà ngày một suy giảm.

Dù được con cháu tận tình chăm sóc nhưng không thể tránh khỏi quy luật của tạo hóa, bà đã ra đi ở tuổi 96.

Tôi nhận được tin PGS, TS Đặng Bích Hà-phu nhân của Đại tướng qua đời lúc 0 giờ 50 phút ngày 17-9-2024 từ Đại tá Nguyễn Bội Giong, người từng làm Bí thư Quân sự, giúp việc cho Đại tướng trong những năm kháng chiến chống Pháp cho đến nhiều năm sau này. Mọi người trong gia đình đều quý mến gọi ông là “chú Giong” bởi sự thân thiết, gắn bó như ruột thịt. Chính bởi vậy, ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc với gia đình Đại tướng.

Tôi nhớ có lần được cùng đoàn cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ do Đại tá Nguyễn Bội Giong dẫn đầu đến thắp hương tưởng nhớ một năm ngày mất Đại tướng. Dù khá mệt, bà Bích Hà vẫn đồng ý dành thời gian tiếp đoàn. Đoàn đến sớm hơn dự kiến khoảng 30 phút, nhưng ông Võ Hồng Nam, con trai của Đại tướng đã sẵn sàng đưa đoàn vào thắp hương trước bàn thờ Đại tướng. Khi trở lại phòng khách của gia đình, bà Bích Hà đã chờ ở đó. Vẫn khuôn mặt đôn hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, bà bắt tay và gọi chính xác tên từng người trong đoàn. Câu chuyện giữa những người lính già cùng bao kỷ niệm với anh Văn lại trở về sống động trong căn phòng nhỏ ấm cúng. Bà Bích Hà lắng nghe, mỉm cười và thỉnh thoảng gợi nhắc một vài câu Đại tướng từng nói với đồng đội.

Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà. Ảnh: TRẦN HỒNG

Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà. Ảnh: TRẦN HỒNG

Do sức khỏe của bà Bích Hà không cho phép nên đoàn phải chào tạm biệt sớm. Trên đường trở về, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện thú vị về Đại tướng và phu nhân từ các cựu chiến binh. “Chị Bích Hà là một người rất tốt bụng, chân thành và luôn quan tâm đến người khác từ những cử chỉ rất nhỏ mà tinh tế”-Đại tá Nguyễn Bội Giong mở đầu câu chuyện.

Đám cưới của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà được tổ chức rất giản dị cuối năm 1946. Suốt hai phần ba thế kỷ nên duyên vợ chồng, bà Đặng Bích Hà lặng thầm làm hậu phương vững chắc để ông yên tâm đảm nhiệm các trọng trách mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó. "Sinh ra trong gia đình danh giá, bản thân cũng là PGS, TS Sử học, lại là vợ của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng cả đời chị không màng lợi danh”-Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nói và kể lại câu chuyện ông chứng kiến trong một lần đến gặp Tổng Tư lệnh báo cáo gấp tình huống mới phát sinh trong chiến đấu của đơn vị mình.

Tại căn lán ở và làm việc của Đại tướng, ông thấy bên bếp lửa nhà sàn, bà Bích Hà đang đọc sách “Bàn về chiến tranh” (Di cảo của Clausewitz-nhà lý luận quân sự người Đức, bản dịch tiếng Pháp) cho Đại tướng nghe. “Chị Hà hôm nay đọc hơi nhanh rồi!-nghe Đại tướng nói với vợ như vậy, tôi hơi giật mình vì cách xưng hô lạ đó. Còn phu nhân Bích Hà thì tủm tỉm cười không giải thích. Xong việc ra về tôi mới nhận ra, có lẽ biết tôi đang chờ được báo cáo nên bà khéo léo làm vậy!”-Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể.

Theo các CCB, bà Đặng Bích Hà là một người phụ nữ cư xử rất khéo léo và đúng mực. Với người con riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái là Võ Hồng Anh, bà cũng chăm sóc rất chu đáo. Những người cận vệ của Đại tướng từ hồi ở Chiến khu Việt Bắc đến bây giờ vẫn truyền tai nhau câu chuyện ngày Đại tướng cùng mẹ đẻ và con gái Võ Hồng Anh đoàn tụ sau nhiều năm xa cách. Năm ấy, ông và phu nhân Bích Hà mới cưới chưa lâu. Bằng con đường bí mật, tổ chức đã bố trí đưa thân mẫu của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Kiên và Võ Hồng Anh rời Quảng Bình lên Chiến khu Việt Bắc. Phải mất gần 6 tháng chờ đợi, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới đoàn tụ tại Định Hóa, Thái Nguyên và được bố trí sinh hoạt tại vị trí cách Sở chỉ huy Bộ Tổng Tư lệnh một mỏm đồi.

Hằng ngày, Đại tướng cùng các đồng chí trong cơ quan dù đi đâu cũng đều phải qua khu vực này rồi mới rẽ về các hướng. Hồng Anh lúc này mới hơn 10 tuổi, thường ngồi trên mỏm đồi hướng về phía trước chờ vó ngựa của cha về. Có hôm không thấy cha về, cô nhất định ngồi đó không đi. Phu nhân Bích Hà sốt ruột cũng ra ngồi bên cạnh hàng giờ đồng hồ rồi hai mẹ con mới cùng trở về. Hồng Anh là người rất cá tính, nếu không nói là khó gần. Nhưng bằng trái tim nhân hậu của mình, phu nhân Bích Hà đã khiến cô cảm động và yêu quý rất tự nhiên. Bà Hà đối xử với Hồng Anh công bằng như với 4 người con do chính mình sinh ra.

Là vợ của vị Đại tướng nổi tiếng và luôn bận rộn, bà Hà đã thay chồng chăm sóc các con và luôn sánh bước cùng ông trong nhiều chuyến công tác và cả cuộc sống thường nhật. Ngược lại, dù việc quân cơ bộn bề, Đại tướng vẫn dành thời gian bên gia đình, định hướng, nhắc nhở các con khi cần thiết. Đại tá Lê Quyên (hiện trú tại Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy Đại tướng lớn tiếng với vợ con. Bữa cơm của ông bà chẳng mấy khi có sơn hào hải vị mà thường là những món ăn đạm bạc tự tay phu nhân chế biến. Tôi nhớ mãi một hôm đi công tác về muộn, Đại tướng cho phép tôi ở lại dùng bữa tối. Trong bữa cơm, hai người không nói quá nhiều nhưng qua mỗi hành động, cử chỉ, tôi lại thấy một sự ăn ý đến kỳ lạ”.

Tiếp lời đồng đội, Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ lại: “Tháng 2-1948, tôi về công tác tại Văn phòng Tổng Chính ủy và được phân công làm Bí thư cho Đại tướng, có điều kiện để gần gũi anh chị. Anh Văn và chị Hà có cách quan tâm đến cấp dưới rất riêng. Khi ấy, biết tôi và nhiều cán bộ trẻ của Văn phòng chưa lập gia đình nên hầu như năm nào cũng được anh chị mời sang ăn Tết cùng gia đình. Thường khoảng chiều 28 Tết, chị Hà trực tiếp cùng vài người tổ chức gói bánh chưng. Sáng mồng Một Tết, anh em cơ quan và bạn bè thân cận đến chúc Tết, trên tay người thì hộp bánh, hộp mứt, gói ô mai gọi là “góp Tết”. Chị Hà đã đặt sẵn chiếc bàn, ai mang gì tới thì để lên đó và mọi người cùng thưởng thức. Anh chị cũng quây quần bên các chiến sĩ của mình, chuyện trò vui vẻ không phân biệt tướng sĩ”.

Căn nhà số 30 Hoàng Diệu luôn giữ một không khí đầm ấm, thân thiện. Đại tướng phải vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chăm sóc, hầu như ngày nào bà Bích Hà cũng vào thăm chồng, cùng ông chuyện trò, đọc sách cho ông nghe. Khi nào mệt, bà không vào được, qua các con ông dặn: "Bảo chị Hà giữ gìn sức khỏe!”. Đại tướng và phu nhân đã bình dị bên nhau như thế!

Theo BÍCH TRANG (qdnd.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.