Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.

Hai chốt cách trụ sở Đồn Biên phòng Ia Lốp 5-7 km, đóng gần đường biên giới với nước bạn Campuchia, ở giữa mênh mông cây rừng. Mỗi chốt được giao quản lý hơn 7 km đường biên giới. Tách biệt với khu dân cư, vườn rẫy của dân trong vùng và điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn.

Tích trữ thực phẩm vào mùa mưa

Chốt 2 dựng sát con đường tuần tra bằng bê tông, hướng mặt phía đường biên giới giáp ranh giữa xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) và xã Ozatung, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Đó là một ngôi nhà thưng tôn màu xanh tứ phía bắt mắt giữa khoảnh rừng, rộng chừng 30 m2, xung quanh có hàng rào bao và một vườn rau xanh. Trên mái nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió.

Vừa nhanh tay rót ly nước chè xanh mời khách, Đại úy Trần Hữu Chinh-Chốt trưởng Chốt 2 vừa vui vẻ chuyện trò. Theo Đại úy Chinh, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chốt cũ đóng cách đây chừng 2 km là nơi làm việc của tổ liên ngành phòng-chống dịch và quản lý, bảo vệ biên giới. Chốt ở cạnh suối Đen, thường bị nước dâng làm ngập mỗi khi mưa to. Để thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ công tác, sau đó, cán bộ, chiến sĩ chốt 2 chuyển về nơi đây.

Cán bộ, chiến sĩ Chốt 2 (Đồn Biên phòng Ia Lốp) tăng gia sản xuất. Ảnh: H.S

Cán bộ, chiến sĩ Chốt 2 (Đồn Biên phòng Ia Lốp) tăng gia sản xuất. Ảnh: H.S

“Hàng ngày, ngoài công tác tuần tra bảo vệ biên giới, anh em trong chốt đều thực hiện tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, địa hình vùng này trũng thấp nên vào mùa mưa, nước đọng quanh nhà, cũng có khi tràn vào sân. Đất pha cát nên việc tăng gia trồng rau xanh cũng gặp khó. Anh em bỏ công chăm chút kỹ lắm nhưng cây cứ héo queo rồi chết. Chúng tôi phải ra trụ sở chốt cũ trồng rau xanh thì mới đủ cung cấp cho bữa cơm mỗi ngày”-Đại úy Chinh tâm sự.

Thiết bị kích sóng điện thoại ở Chốt 2. Ảnh: H.S

Thiết bị kích sóng điện thoại ở Chốt 2. Ảnh: H.S

Chỉ tay về phía góc nhà có treo chai nhựa cắt đôi, Đại úy Chinh tiếp lời: “Chỗ này, sóng điện thoại yếu lắm. Ngày trước, muốn gọi cho ai, chúng tôi phải cầm điện thoại đi quanh chốt dò sóng. Nhưng nhiều khi nói chưa hết câu thì mất kết nối.

Để tiện cho việc liên lạc, báo cáo công việc với đơn vị, chúng tôi mua 1 thiết bị kích sóng treo góc nhà. Có điều, sóng điện thoại cũng phập phù lắm. Anh em hay nói đùa đấy là nơi gửi gắm yêu thương với người thân trong gia đình.

So với địa bàn khác thì anh em ở đây vất vả hơn. Vào mùa nắng, chúng tôi mướt mồ hôi cả ngày, ngủ không yên giấc, da cháy do bắt nắng. Đến mùa mưa, nhiều khi nước suối Đen và suối Nokia dâng cao, tràn qua đường cả 1-2 m nước, không ra được đơn vị lấy thực phẩm, chúng tôi phải tự túc cho qua bữa”.

Tháo dây buộc chú dê con chừng 2-3 tháng tuổi nơi gốc cây bạch đàn trước cổng chốt, binh nhất Nguyễn Văn Thắng tươi cười kể: “Lúc mới sinh, dê con này rất yếu, chúng em pha sữa cho uống mới sống được đến nay. Vậy nên, nó rất quý người. Lâu lâu lại chạy lung tung làm đổ vật dụng nên phải buộc lại. Ở đây có điện mặt trời nhưng không tích được nhiều, có khi phải rút phích cắm tủ lạnh vào ban đêm để đảm bảo cho các thiết bị phục vụ nhiệm vụ công tác của chốt. Niềm vui của anh em trong chốt là điện thoại thăm hỏi người thân và chăm sóc chú dê nhỏ này”.

Đóng quân trong rừng khộp, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Chốt suối Pa cũng gặp không ít khó khăn. Mùa mưa, không ít lần cán bộ, chiến sĩ bị chia cắt với đơn vị do nước suối dâng cao.

“Vì là rừng khộp nên mùa mưa nước thoát không kịp, mặt đất đọng nước, anh em phải lội nước đi tuần tra. Chúng tôi cũng phải tự túc thực phẩm mỗi khi nước suối dâng cao. Đất đai nhiễm phèn, vất vả lắm mới chăm được luống rau.

Mùa khô thì nắng nóng khủng khiếp. Anh em trong chốt thường phải “tùy nghi di tản” vào mấy bụi cây để tránh nắng. Quân số của chốt cũng mỏng, địa bàn rộng mà phải thực hiện song song nhiều nhiệm vụ nên cũng gặp không ít khó khăn”-Đại úy Hoàng Quốc Bảo-Chốt trưởng Chốt suối Pa-bộc bạch.

Vững tay súng bảo vệ biên cương

Địa bàn xa, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, tỉnh Đắk Lắk và có khí hậu khắc nghiệt không làm nản chí những người lính quân hàm xanh. Được tôi luyện trong môi trường quân ngũ, với bản lĩnh chính trị vững vàng, các anh luôn quyết tâm vượt khó, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

“Đại bản doanh” luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Những chiếc chăn được xếp vuông thành góc cạnh như viên gạch. Bàn ghế sạch không vết bụi. Các vật dụng, sách báo được sắp xếp khoa học, theo đúng bảng hướng dẫn. Những vườn rau tốt tươi, mướt mắt.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: H.S

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: H.S

Cùng chúng tôi dạo một vòng quanh vườn rau cạnh suối Đen, Đại úy Chinh chia sẻ: “Nhờ sự nỗ lực khắc phục khó khăn của anh em mà nguồn rau xanh không bao giờ thiếu. Mùa nào thức nấy. Chúng tôi trồng mướp hương, mướp đắng, bí, mùng tơi, riềng, sả và nuôi cả heo, dê. Gặp hôm nước suối dâng cao, chúng tôi còn giăng lưới bắt cá để bữa cơm thêm phần cải thiện.

Trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, chúng tôi thực hiện có hiệu quả và được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao. Thời gian qua, không để xảy ra các vụ việc vi phạm các quy định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên địa bàn được giao quản lý, góp phần vào thành tích chung của đơn vị. Công tác đối ngoại cũng được thực hiện rất tốt. Dù còn khó khăn nhưng được sự động viên của chỉ huy đơn vị và gia đình, chúng tôi luôn vững vàng về mặt tư tưởng, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Nói về công tác tăng gia sản xuất, hiếm có nơi nào bì được với Chốt suối Pa. Hiện ở chốt có 60 con gà, 50 con bò, 10 con heo, 1 ao cá và vườn rau xanh tươi tốt quanh năm.

“Chúng tôi chú trọng công tác tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống bộ đội. Vậy nên, nguồn thực phẩm luôn dồi dào, đa dạng, giúp đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Lúc nước dâng chia cắt với đơn vị, chúng tôi sử dụng nguồn thực phẩm tại chỗ nấu ăn.

Chúng tôi cũng tặng rau xanh cho các hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn, hướng dẫn bà con cách trồng rau, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. Nhiều gia đình đã áp dụng thành công, họ quý cán bộ, chiến sĩ của chốt lắm”-Chốt trưởng Chốt suối Pa cho hay.

Binh nhất Nguyễn Văn Thắng hái ớt về phục vụ bữa cơm tại Chốt 2. Ảnh: Hoành Sơn

Binh nhất Nguyễn Văn Thắng hái ớt về phục vụ bữa cơm tại Chốt 2. Ảnh: Hoành Sơn

Công tác bảo vệ biên giới được cán bộ, chiến sĩ Chốt suối Pa thực hiện với những kết quả nổi bật. Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn không xảy ra các vụ việc săn bắt động vật hoang dã, khai thác rừng trái phép, xuất-nhập cảnh trái phép.

Cũng theo Đại úy Bảo: “Qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn đứng chân nắm được các quy định, nội quy khu vực biên giới và chấp hành nghiêm túc. Thông qua hoạt động tuần tra, nếu phát hiện trường hợp có ý định vào đặt bẫy thú rừng, chúng tôi nhắc nhở ngay.

Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm nắm bắt tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ để kịp thời động viên làm tốt nhiệm vụ đơn vị giao. Vào buổi tối, anh em thường sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tạo không khí vui tươi sau mỗi ngày làm việc”.

Trung tá Nguyễn Văn Thành-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp: Đơn vị xác định thực hiện nhiệm vụ ở các tổ, đội công tác, nhất là ở các tổ, chốt ở khu vực biên giới là trọng tâm, hàng đầu nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh biên giới và đối ngoại. Đơn vị thường xuyên quán triệt cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị của công tác biên phòng. Từ đó, xác định tốt vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ ở tổ, chốt, đội.

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Tết ăn con dúi ở Kon Pne

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.