Bừng sáng “ốc đảo” Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sau 20 năm băng rừng kéo điện về ốc đảo Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), ánh điện không chỉ thắp sáng các ngôi nhà mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Băng rừng kéo điện về "ốc đảo"

Hơn hai thập kỷ đã trôi qua nhưng những ký ức về dự án kéo điện về "ốc đảo" Kon Pne vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người từng tham gia. Một hành trình dài hơn 6 tháng, hàng trăm con người làm việc không ngừng nghỉ ngày đêm giữa rừng nguyên sinh để mang ánh sáng văn minh đến với vùng đất cách mạng sau 30 năm giải phóng.

Công trình xây dựng đường điện vào Kon Pne được khởi công vào ngày 25-10-2004, với tổng cộng 28,7 km đường dây trung áp kéo từ xã Đăk Rong vào xã Kon Pne, cùng 1,6 km đường dây hạ thế nối đến 3 trạm biến áp và đường dây điện đến tận nhà cho 285 hộ người Bahnar.

Không quản nắng mưa, các công nhân thợ đường dây (Điện lực Kbang) vẫn miệt mài băng rừng thay đường dây điện cho bà con xã Kon Pne. Ảnh: ĐVCC

Không quản nắng mưa, các công nhân thợ đường dây (Điện lực Kbang) vẫn miệt mài băng rừng thay đường dây điện cho bà con xã Kon Pne. Ảnh: ĐVCC

Điều đặc biệt, hơn 3 km đường dây trung áp phải kéo xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp để đến từng nhà dân dưới chân núi. Với địa hình hiểm trở, một người đi bộ trong điều kiện thoải mái cũng phải mất đến 40-50 phút để vượt qua chặng đường rừng ấy.

Thế nhưng, các thành viên trong đội thi công không chỉ đi bộ mà còn phải gánh trên vai những thùng công tơ điện, cuộn dây điện nặng hàng trăm ki-lô-gam trèo núi vượt đồi để đến được UBND xã Kon Pne. Mọi công đoạn chỉ dựa vào sức người vì lúc bấy giờ, đường vào Kon Pne chưa được thông, đèo chưa hình thành nên ô tô không thể tiếp cận.

Những cột điện cao chục mét "lọt thỏm" giữa rừng nguyên sinh. Ảnh: ĐVCC

Những cột điện cao chục mét "lọt thỏm" giữa rừng nguyên sinh. Ảnh: ĐVCC

Mặc dù điều kiện vận chuyển thiết bị và thi công vô cùng gian nan nhưng với quyết tâm và lòng kiên trì của cả tập thể, tất cả đều hướng đến mục tiêu mang ánh sáng văn minh đến với vùng đất cách mạng còn nhiều thiếu thốn của huyện Kbang.

Anh Hoàng Hữu Thắng-một trong những công nhân kỹ thuật đã tham gia dự án, xúc động nhớ lại: “Chúng tôi đã phải dựng lán ăn ngủ ngay giữa rừng-nơi được gọi là “xứ ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương”, xa gia đình hàng tháng trời, để tranh thủ từng giờ, từng phút, mang điện đến với bà con xã Kon Pne”.

Tiếp lời anh Thắng, anh Nguyễn Huy Thái-Tổ trưởng Tổ Đường dây và Trạm biến áp-chia sẻ: “Ngày ấy, người dân ở đây do cách biệt với bên ngoài nên khi gặp người khác làng, khác xã là họ không dám lại gần nhưng bằng sự nhiệt tình và gần gũi của cán bộ, công nhân viên ngành điện, dần dần họ đã hòa đồng với chúng tôi. Tuy còn khó khăn nhưng họ sẵn sàng chia sẻ cho anh em chúng tôi chỗ nghỉ ngơi cũng như có món ngon gì là họ đều đem đến tặng”.

Trước năm 2005, Kon Pne là xã duy nhất của tỉnh Gia Lai chưa có lưới điện quốc gia, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bằng nguồn vốn đầu tư mở rộng theo Dự án năng lượng nông thôn miền Trung của Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung), Công trình xây dựng đường điện vào Kon Pne được thực hiện với tổng kinh phí đầu tư là 5,7 tỷ đồng. Ngày 30-4-2005, Điện lực Gia Lai tổ chức lễ đóng điện, chính thức đưa “ánh sáng” văn minh đến với người dân Kon Pne và chính thức “xóa sổ” địa bàn cấp xã của tỉnh không có điện.

“Khác với khung cảnh cả buôn làng chìm trong bóng đêm mịt mù mỗi khi mặt trời khuất núi, tối ngày 30-4-2005 từ trong nhà ra các tuyến đường ngõ của xã Kon Pne bừng sáng ngay giữa rừng già nguyên sinh. Không thể tả hết niềm vui sướng của bà con Bahnar nơi "ốc đảo" này lúc đó. Ai trong làng cũng phấn khởi, cùng nhau hát múa cả đêm. Lũ trẻ chạy nhảy, cười nói, quây quần bên nhau, vui lắm!”-ông Đinh A Nhát (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne) phấn khởi kể.

Còn anh Nguyễn Văn Thao-kỹ thuật viên từng tham gia dự án thì nhớ lại: “Ngày đóng điện công trình, hình ảnh khiến chúng tôi nhớ mãi là sự hân hoan của người dân khi thấy ánh điện đầu tiên chiếu sáng cả buôn làng vùng sâu heo hút này. Họ đánh chiêng, nhảy điệu xoang trong niềm vui sướng. Chứng kiến khoảnh khắc ấy, chúng tôi cảm thấy mọi gian khó, vất vả qua bao tháng trời kéo dây vượt suối băng rừng, đạp núi đều như tan biến”.

Công nhân Điện lực Kbang hỗ trợ kiểm tra đường điện tại thôn 2, xã Kon Pne, huyện Kbang. Ảnh: Hoàng Hoài

Công nhân Điện lực Kbang hỗ trợ kiểm tra đường điện tại thôn 2, xã Kon Pne, huyện Kbang. Ảnh: Hoàng Hoài

Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ kéo điện đến tận nhà từng hộ dân, cán bộ công nhân viên Điện lực Kbang còn hỗ trợ lắp đặt toàn bộ hệ thống điện trong nhà cho tất cả các hộ dân của xã. Đồng thời, hướng dẫn cho bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Bên cạnh đó, đơn vị còn trao tặng cho nhà rông của xã Kon Pne 1 chiếc tivi để giúp tiếp cận thông tin và nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.

Ánh sáng văn minh đánh thức buôn làng

Nằm sâu trong lòng ngọn Kông Hleng cao ngất, xã Kon Pne từng được ví như một “ốc đảo” biệt lập, nơi mà cuộc sống dường như bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Vùng đất từng “sở hữu” nhiều cái không: không chợ, không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia... và những khó khăn chồng chất đó đã khiến đời sống của người dân ở đây trở nên cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau 20 năm kể từ khi tiếp nhận lưới điện quốc gia, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về hạ tầng giao thông đã kéo Kon Pne gần lại với thế giới bên ngoài để chuyển mình theo thời cuộc.

Cơ sở hạ tầng tại xã Kon Pne (huyện Kbang) hôm nay đã có nhiều đổi thay. Ảnh: Hoàng Hoài

Cơ sở hạ tầng tại xã Kon Pne (huyện Kbang) hôm nay đã có nhiều đổi thay. Ảnh: Hoàng Hoài

“Ngày xưa, mình muốn thấy đường để học bài buổi tối thì phải đốt nhựa của cây thông thắp sáng, nhà ai có điều kiện hơn sẽ đốt đèn dầu. Nhưng ánh sáng từ lửa của nhựa cây và đèn dầu cũng sẽ không đều, không đảm bảo. Còn bây giờ có điện về với làng rồi, con mình được học trong ánh sáng tốt, không phải đi tìm cây thông lấy nhựa nữa. Không những vậy, hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, khoảng cách giữa xã với trung tâm thị trấn Kbang và các xã khác được rút ngắn, nông sản làm ra không chỉ để ăn mà còn bán cho thương lái để nâng cao thu nhập”-anh Đinh Ủi-Trưởng thôn Kon Ktonh (xã Kon Pne)-tâm sự.

Nhân viên Điện lực Kbang tuyên truyền, hướng dẫn người dân tải ứng dụng theo dõi hóa đơn tiền điện. Ảnh: Hoàng Hoài
Nhân viên Điện lực Kbang tuyên truyền, hướng dẫn người dân tải ứng dụng theo dõi hóa đơn tiền điện. Ảnh: Hoàng Hoài

Không chỉ có những ngôi nhà được thắp sáng trong đêm tối, những chiếc tivi phát chương trình truyền hình mà người dân nơi đây còn có trong tay những chiếc điện thoại thông minh để kết nối với thế giới bên ngoài mạng xã hội, những chiếc tủ lạnh để bảo quản thực phẩm và cả những chiếc máy bơm điện giúp tưới tiêu nông nghiệp. Điều đáng mừng hơn là một số hộ dân đã bắt đầu sử dụng các thiết bị điện hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống kinh tế.

Là một trong những hộ đầu tiên trong thôn có máy xát gạo chạy bằng điện, gia đình chị Y Hmlí (thôn 2, xã Kon Pne) nhận thấy việc sử dụng máy xát gạo vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí và đặc biệt dễ sử dụng hơn so với thiết bị chạy bằng dầu hay phương thức xát gạo truyền thống.

Nhân dân xã Kon Pne luôn nỗ lực thay đổi, chuyển mình theo từng ngày. Ảnh: Hoàng Hoài

Nhân dân xã Kon Pne luôn nỗ lực thay đổi, chuyển mình theo từng ngày. Ảnh: Hoàng Hoài

Với sự phát triển nhanh cả về quy mô và dân số, năm 2022, Công ty Điện lực Gia Lai đã đầu tư thêm 2 trạm biến áp 50 kVA nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân Kon Pne.

Ông Ngô Văn Toàn-Giám đốc Điện lực Kbang-cho biết: “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong việc quản lý, vận hành các công trình điện trên địa bàn xã Kon Pne do đặc thù địa hình xa ngái, hiểm trở, nhiều rừng núi, thời tiết xấu, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức để cung cấp cho bà con nguồn điện ổn định. Có điện thì đời sống kinh tế lẫn tinh thần của bà con xã Kon Pne mới được nâng lên và chúng tôi cũng tự hào khi được đóng góp một phần nhỏ vào sự chuyển mình ấy”.

Nhân viên Điện lực Kbang kiểm tra Trạm biến áp Đăk HLơ nhánh 2 (xã Kon Pne). Ảnh: Hoàng Hoài

Nhân viên Điện lực Kbang kiểm tra Trạm biến áp Đăk HLơ nhánh 2 (xã Kon Pne). Ảnh: Hoàng Hoài

Trao đổi với P.V, ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-cho hay: Nhờ được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hạ tầng cơ sở điện-đường-trường-trạm được đầu tư khá đồng bộ, tình hình kinh tế-xã hội và diện mạo nông thôn của xã Kon Pne từng ngày khởi sắc. Đến nay, Kon Pne đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 32 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng so với năm 2022 và gấp nhiều lần so với thời điểm trước 2005, khi chưa có điện. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao, chiếm hơn 41% dân số nhưng so với thời điểm trước năm 2005 thì tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 1 nữa.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với lợi thế sẵn có, cùng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Kon Pne tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng xã ngày càng giàu đẹp. Trong đó, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, xã tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như khai thác hiệu quả lâm sản phụ, dược liệu dưới tán rừng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, từng bước giảm nghèo bền vững”-Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho hay.

Sau 20 năm kéo điện về làng, ánh sáng không chỉ đến từ những bóng đèn thắp sáng trong đêm, mà còn là ánh sáng của tri thức, sự kết nối và cơ hội phát triển. Chính sự hiện diện của điện lưới quốc gia đã mở ra một trang mới cho cuộc sống của người dân Kon Pne, giúp đồng bào Bahnar nơi một thời "ốc đảo" dần xóa đi những khoảng trống mịt mờ về thông tin và đưa họ đến gần hơn với sự phát triển của xã hội hiện đại ở phía bên kia rừng già nguyên sinh.

Có thể bạn quan tâm

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ cuối: Nỗ lực vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ cuối: Nỗ lực vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

(GLO)- Công tác chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy” còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các cấp của 3 huyện, 7 xã biên giới trên địa bàn Gia Lai phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra.
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 3: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 3: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy

(GLO)- Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương, với quyết tâm xây dựng “vùng xanh” nơi biên giới, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với tội phạm ma túy.
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 2: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 2: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

(GLO)- Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, lực lượng Công an 3 huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc một cách quyết liệt với mục tiêu cao nhất là giữ sạch "vùng xanh".
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai về việc chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương quyết liệt vào cuộc.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

(GLO)- Để có cuộc sống ấm no như hôm nay, những thế hệ đi trước đã không tiếc mồ hôi, công sức để biến vùng đất hoang hóa thành những vườn cây cao su xanh tốt. Không những thế, họ quyết tâm vỡ đất, lập làng, đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Gặp người 7 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ

Gặp người 7 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi nhắc lại năm tháng gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng ấy, cựu chiến binh Nguyễn Thắng Lợi (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện)-người chiến sĩ với thành tích 7 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ vẫn không khỏi xúc động xen lẫn tự hào.
“Tỷ phú chân đất” thời 4.0

E-magazine“Tỷ phú chân đất” thời 4.0

(GLO)- Xuất phát điểm là nông dân nghèo khó nhưng với đức tính cần cù cùng với khát vọng làm giàu, vươn lên bằng chính nghị lực của mình, những “tỷ phú chân đất” thời 4.0 ở huyện Chư Păh đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp.