*Kiến nghị của cử tri huyện Kbang:
Đề nghị UBND tỉnh xem xét mở tuyến đường từ xã Kon Pne, huyện Kbang đi xã Hà Đông, huyện Đak Đoa để tăng cường kết nối giao thương giữa xã Kon Pne với các xã của huyện Đak Đoa cũng như các xã, huyện lân cận và TP. Pleiku (hiện nay, trục đường từ xã Kon Pne đến trung tâm huyện Kbang khoảng 80 km, đến TP. Pleiku khoảng 170 km).
Huyện Kbang ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện để các xã vùng sâu, vùng xa phát triển. Ảnh: M.P |
Trả lời:
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá tác động của tuyến đường đến đất rừng, môi trường và công tác quản lý, bảo vệ rừng; Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì kiểm tra và đề xuất tạm dừng việc đề xuất đầu tư dự án do ảnh hưởng tiêu cực đến Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng; ảnh hưởng lớn đến việc quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ toàn vẹn tính đa dạng sinh học; khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
Ngoài ra, tuyến đường từ xã Kon Pne (huyện Kbang) đi xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) thuộc quy hoạch tuyến đường tỉnh mới (tuyến T5) trong danh mục các dự án đầu tư sau năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023 về phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Như vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 việc đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Kon Pne (huyện Kbang) đi xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) là không khả thi và chưa phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023.
Kiến nghị của cử tri huyện Kbang:
Sông Đăk Pne chảy qua địa phận xã Kon Pne, huyện Kbang với chiều dài khoảng 13 km, dọc theo dòng sông có khoảng 70 ha lúa nước người dân đang sản xuất. Qua các đợt mưa bão, sông Đăk Pne chảy qua địa phận xã Kon Pne đã sạt lở khoảng 500 m, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 ha lúa nước của người dân; UBND xã đã chủ động bố trí kinh phí, huy động lực lượng khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định, lâu dài, an tâm cho Nhân dân sản xuất lúa nước 2 vụ, đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Pne (nếu không bố trí khắc phục kịp thời, dự kiến diện tích bị ảnh hưởng mùa mưa bão sẽ tăng lên).
Trả lời:
Theo Phụ lục XI Phương án phát triển các tuyến kè chống sạt lở tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050-ban hành kèm theo Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tại mục thứ tự số 22 thể hiện bao gồm “Các tuyến kè sạt lở phát sinh mới trên địa bàn toàn tỉnh”. Vì vậy, công trình kè chống sạt lở sông Đăk Pne phù hợp với danh mục thuộc phương án phát triển các tuyến kè chống sạt lở theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, công trình kè chống sạt lở sông Đăk Pne chảy qua địa phận xã Kon Pne, huyện Kbang chưa được danh mục các dự án kè chống sạt lở tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030 tại Kế hoạch số 1051/KH-UBND ngày 25-5-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng kế hoạch sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 1051/KH-UBND ngày 25-5-2022. Vì vậy, yêu cầu UBND huyện Kbang khẩn trương rà soát để đưa khu vực sạt lở sông Đăk Pne chảy qua địa phận xã Kon Pne, huyện Kbang bổ sung vào kế hoạch nêu trên. Sau khi được cấp thẩm quyền bổ sung vào kế hoạch; đề nghị UBND huyện Kbang đề xuất trong danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để triển khai thực hiện.