Cử tri huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa kiến nghị nhiều vấn đề cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 2-7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có các cuộc tiếp xúc cử tri huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Tại đây, cử tri 2 địa phương đã kiến nghị nhiều vấn đề cấp thiết.

Tham gia buổi tiếp xúc gồm các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Phương-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Dự buổi tiếp xúc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa.

Nhiều kiến nghị liên quan đến đất đai, giao thông

Tại các buổi tiếp xúc, bà Siu Hương đã thông báo với cử tri về nội dung, chương trình và kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Theo đó, sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kỳ họp đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật.

Đồng thời, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và người dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Krông Pa. Ảnh: Q.T

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Krông Pa. Ảnh: Q.T

Hầu hết cử tri 2 địa phương đều bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả nổi bật của đất nước nói chung và tỉnh Gia Lai trong thời gian qua; đồng tình với những quyết sách mà Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Cử tri Nguyễn Thị Miền (thôn Thanh Bình, xã Uar, huyện Krông Pa) cho rằng: Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông nội đồng trên địa bàn chưa được đầu tư bê tông hóa hoặc mặt đường sau bê tông hóa khá hẹp. Vì vậy, việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém. Do đó, đề nghị các cấp quan tâm có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nội đồng nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại.

Bên cạnh đó, các cấp cần quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương của đập dâng xã Uar đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

“Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên địa bàn huyện rất chậm, thủ tục phức tạp và kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần, rất mất thời gian. Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ảnh hưởng không nhỏ đến giao dịch, thế chấp vay vốn phát triển sản xuất của người dân.

Theo bản đồ địa chính hiện nay (được đo trước năm 2000) có nhiều thửa đất chồng lấn lên nhau, đề nghị các cấp nghiên cứu tiến hành đo trích lục, cấp lại bìa mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân”-cử tri Nguyễn Thị Miền kiến nghị.

Cử tri Nguyễn Thị Miền (thôn Thanh Bình, xã Uar) cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm và kéo dài. Ảnh: Q.T

Cử tri Nguyễn Thị Miền (thôn Thanh Bình, xã Uar) cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm và kéo dài. Ảnh: Q.T

Cử tri thị xã Ayun Pa phấn khởi trước những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, nhất là chính sách tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1-7. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát, giá cả các loại hàng hóa leo thang luôn diễn ra trước mỗi kỳ tăng lương là đáng quan ngại.

Cử tri Lê Hữu Thùy-Bí thư Đảng ủy phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) cho rằng: Việc tăng lương cơ sở góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, tạo động lực cho người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến. Để chính sách đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực thì các cấp cần có giải pháp kìm hãm tình trạng tăng giá của các loại hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8, trong đó có nhiều phần việc phân cấp cho địa phương thực hiện. Do đó, đề nghị các cấp cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện, tránh lúng túng khi Luật có hiệu lực thi hành.

Cử tri Lê Hữu Thùy-Bí thư Đảng ủy phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) kiến nghị liên quan đến thực trạng lạm phát tăng khi lương cơ sở tăng. Ảnh: Q.T

Cử tri Lê Hữu Thùy-Bí thư Đảng ủy phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) kiến nghị liên quan đến thực trạng lạm phát tăng khi lương cơ sở tăng. Ảnh: Q.T

Còn cử tri Phan Ngọc Anh (tổ 5, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) cho biết: Hầu hết người dân trên đường Bà Triệu đồng tình trả mặt bằng để đầu tư nâng cấp tuyến đường này. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng 1 hộ dân mà đến nay chưa làm được, gây nhiều khó khăn cho người dân tổ 4 và 5 phải đi trên con mương rất trơn trượt. Thậm chí đã có nhiều người dân bị ngã trên tuyến đường này.

Đặc biệt, do không có mương thoát nước nên vào mùa mưa, nước không thoát được, tràn vào nhà dân gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con. Đề nghị các cấp quan tâm giải quyết tình trạng này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và đảm bảo an toàn giao thông.

Quang cảnh buổi tiếp xúc của đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri thị xã Ayun Pa. Ảnh: QUANG TẤN

Quang cảnh buổi tiếp xúc của đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri thị xã Ayun Pa. Ảnh: QUANG TẤN

Giải đáp thấu đáo các ý kiến của cử tri

Tại các buổi tiếp xúc, lãnh đạo một số sở, ngành và các địa phương đã trực tiếp trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo thông tin: Ủy ban nhân dân huyện đang chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, tính toán nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội đồng cũng như ưu tiên nguồn lực đầu tư bê tông hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản.

Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tặng quà cho 40 gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, mỗi năm, địa phương tiếp nhận khoảng 24 ngàn thủ tục hành chính, trong đó, khoảng 30% liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực này có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Huyện xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong thời gian qua và cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung khắc phục các hạn chế, đơn vị nào chậm thì phải có giấy xin lỗi. Tuy nhiên, do cơ sở dữ liệu về đất đai (bản đồ địa chính được đo đạc trước năm 2000) có sai số quá lớn nên quá trình triển khai mất nhiều thời gian để rà soát, đo đạc lại.

Đối với việc hệ thống kênh mương đập dâng xã Uar bị hư hỏng, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo rà soát, thống kê để nâng cấp công trình này. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện quá lớn, khoảng 5 tỷ đồng, ngân sách của huyện không đủ. Huyện đã kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Q.T

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Q.T

Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Krông Pa về tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, kéo dài, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho hay: Đa số hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chậm là đề nghị cấp lần đầu. Những hồ sơ đất này thường có nguồn gốc rất phức tạp nên mất nhiều thời gian để xác định nhằm tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện sau này. Vì vậy, mong người dân và cử tri thông cảm.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ chấn chỉnh, xử lý theo quy định nếu phát hiện nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân.

Đối với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Đất đai năm 2024, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo quy định, UBND tỉnh sẽ ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Đất đai năm 2024; trong đó, Sở được UBND tỉnh giao tham mưu, xây dựng 4 văn bản.

Đến nay, Sở đã xây dựng xong 3 văn bản và gửi lấy ý kiến của các ngành, địa phương, sau đó sẽ tổng hợp, chỉnh sửa và trình UBND tỉnh ban hành trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành đầy đủ các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Trả lời cử tri về vấn đề lạm phát tăng cao, ông Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội-thông tin: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm phát tăng cao khi chính sách tăng tiền lương cơ sở có hiệu lực. Trả lời trước Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ cũng đã cam kết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng lạm phát, tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ sau tăng lương cơ sở.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri Krông Pa. Ảnh: Q.T

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri Krông Pa. Ảnh: Q.T

Phát biểu tại các buổi tiếp xúc, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội-cho rằng: “Đối với một huyện thuần nông và có điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt như Krông Pa thì mong muốn được đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi là rất chính đáng. Chúng tôi ghi nhận và sẽ có ý kiến đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương cần xem xét, chấn chỉnh tình trạng người dân phải mất nhiều thời gian đi lại trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu trễ hẹn cần thông tin kịp thời cho người dân, tránh gây bức xúc.

Qua đây, tôi cũng đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể ngay từ bây giờ nhằm làm cơ sở để Luật Đất đai năm 2024 vận hành đồng bộ; những nội dung nào chưa kịp ban hành vì cần rà soát thì cũng phải thông tin kịp thời để người dân nắm rõ, tránh gây dư luận không tốt”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri và phần giải đáp của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ theo dõi, giám sát quá trình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.

Bí thư Chi bộ thôn 6 Lê Viết Bích Huệ (bìa trái) trao đổi công tác tổ chức đại hội chi bộ điểm với Bí thư Đảng ủy xã Ia Blang Hà Đình Thủy. Ảnh: P.D

Đảng bộ xã Ia Blang tích cực chuẩn bị đại hội điểm

(GLO)- Đảng bộ xã Ia Blang được Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chọn tổ chức đại hội điểm nhiệm kỳ 2025-2030 để rút kinh nghiệm trước khi chỉ đạo chung ra diện rộng. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đảng ủy xã đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.