'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài 5: Truyền cảm hứng học tập, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
14 ngày thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh ở Thượng Giáp (huyện Na Hang, Tuyên Quang), đội sinh viên tình nguyện không chỉ giúp dân cấy lúa, hoàn thành các phần việc ý nghĩa, mà còn mở lớp văn hóa hè truyền cảm hứng học tập, sáng tạo, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Về thôn cấy lúa

Từ điểm đóng quân ở trường TH&THCS xã Thượng Giáp di chuyển chừng 20 phút bằng xe máy, nhóm sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh do Đoàn trường Quốc tế (ĐHQG Hà Nội) phối hợp Ban Cán sự Đoàn tại LB Nga tổ chức, phải cuốc bộ thêm gần 3km đường núi mới tới nhà vợ chồng anh Trịnh Xuân Diêm (ở thôn Bản Vịt), để hỗ trợ cấy lúa vụ mới. Gia đình anh Diêm thờ cúng liệt sĩ, neo người.

Với hầu hết thành viên trong nhóm, đây là lần đầu tiên được trải nghiệm lội bùn, cấy mạ. Ban đầu các bạn cầm bó mạ còn chưa biết chia khóm cho đều, ước lượng nông sâu cắm cây mạ xuống bùn. Nhưng chỉ cần được thanh niên địa phương chỉ dẫn vài lần, các bạn đã khá thành thạo, đôi tay thoăn thoắt cấy mạ. Ruộng lúa hiện lên thẳng hàng tăm tắp, ít ai ngờ nó lại được làm từ những đôi bàn tay sinh viên trắng trẻo vốn chỉ quen với cây bút, bàn phím.

Bạn Nguyễn Văn Hưng (SN 2001), sinh viên Học viện Phòng cháy chữa cháy LB Nga, được các thành viên trong đội bầu là có thể hình đẹp nhất, vừa thoăn thoắt cấy vừa pha trò. Hưng lớn lên ở vùng ngoại ô Vĩnh Phúc, từng theo ông bà ra đồng nhổ lạc, hái dưa, nhưng “đây là lần đầu cầm cây mạ cấy xuống bùn”.

“Ban đầu em có chút lo lắng sợ cấy không đúng kỹ thuật, nhưng được chỉ dẫn vài lần là quen ngay. Em rất vui vì có thể giúp đỡ được bà con và hoạt động trong khung cảnh rất đẹp. Bao nhiêu mệt nhọc, đau mỏi lưng đều tan biến khi nhìn những khóm mạ dần phủ xanh thửa ruộng”, Hưng nói.

Nhìn thửa ruộng phủ kín màu xanh, vợ chồng anh Diêm xúc động, cảm ơn các tình nguyện viên đến hỗ trợ gia đình. Chị Lý Thị Nghiêm - vợ anh Diêm, nói: “Bình thường vợ chồng tôi phải mất 2-3 ngày mới cấy xong. Nhờ có các bạn vào hỗ trợ nên mới cấy gọn trong một buổi”.

Tình nguyện viên Lê Khánh Linh (sinh viên trường Quốc tế) đứng lớp văn hóa hè tại xã Thượng Giáp. Ảnh: Xuân Tùng

Tình nguyện viên Lê Khánh Linh (sinh viên trường Quốc tế) đứng lớp văn hóa hè tại xã Thượng Giáp. Ảnh: Xuân Tùng

Bóng chiều loang dần trên đỉnh núi, Hưng và đồng đội trở về sau buổi cấy. Bùn đất lấm đầy trên khuôn mặt, áo quần, nhưng ai cũng thấy vui vì vừa hoàn thành một công việc ý nghĩa. Hôm sau nhóm lại hành quân vào Nặm Cằm - thôn xa nhất của xã, giúp cấy vụ mới cho gia đình bà Nguyễn Thị Đào - vợ liệt sĩ, hoàn cảnh khó khăn.

“Các em cười, tôi còn vui hơn gấp nhiều lần…”

Trong suốt 14 ngày chiến dịch Mùa hè xanh, lớp văn hóa hè và kỹ năng sống tại điểm đóng quân của đội luôn rộn ràng tiếng trẻ nhỏ đọc bài, hát múa. Đứng lớp truyền dạy kiến thức là thành viên ban Văn hóa hè của đội.

Nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy đã được đội đầu tư thiết kế, phổ biến đến từng thành viên. Qua mỗi buổi học, các em nhỏ được hướng dẫn ôn tập và khích lệ thực hành; tương tác vận dụng các kỹ năng xử lý tình huống trong vui chơi, học tập và cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Huế - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Thượng Giáp cho biết, Thượng Giáp là xã xa nhất của tỉnh Tuyên Quang, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; trình độ dân trí không đồng đều. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, còn mang tính tự cung tự cấp. “Các bạn sinh viên về vùng khó cống hiến nhiệt huyết đã mang đến nhận thức mới cho đoàn viên, thanh thiếu nhi địa phương. Các bạn đã truyền cảm hứng, động lực cho người trẻ ở đây tinh thần học tập, sáng tạo, vươn lên thoát nghèo”, ông Huế nói.

“Cô giáo” Lê Khánh Linh (sinh viên trường Quốc tế) được phân công phụ trách, giảng dạy các em học sinh cấp I. “Mới đầu khi gặp các em còn khá nhút nhát, nhưng sau một hai buổi tiếp xúc, các em nhanh chóng hoà nhập, chủ động tương tác và tiếp thu kiến thức nhiều hơn. Thời gian học buổi sáng 8h mới bắt đầu, nhưng tầm 7h các em đã đến lớp đông. Nhiều em khi được hỏi lý do đến sớm, đã trả lời đến sớm để được học, chơi nhiều hơn”, Linh nói.

Cùng tham gia đứng lớp, “cô giáo” Hoàng Trần Hương Giang (sinh viên trường Quốc tế), tỏ ra hạnh phúc khi mỗi ngày mới được tận hưởng “view triệu đô” với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và được đón các em nhỏ đáng yêu đến lớp học hè. Trong từng buổi học, Giang không chỉ cố gắng chia sẻ kiến thức mà luôn nghĩ cách mang lại thật nhiều nụ cười cho các em nhỏ. “Các em cười, tôi còn vui hơn gấp nhiều lần. Tôi cảm thấy như đang được sống lại tuổi thơ, được đi khai giảng, nghe tiếng trống trường…”, Giang chia sẻ.

Tình nguyện viên Nguyễn Văn Hưng - du học sinh tại LB Nga, cấy lúa giúp bà con xã Thượng Giáp. Ảnh: Xuân Tùng

Tình nguyện viên Nguyễn Văn Hưng - du học sinh tại LB Nga, cấy lúa giúp bà con xã Thượng Giáp. Ảnh: Xuân Tùng

“Các tình nguyện viên ban Văn hoá hè tham gia giảng dạy cho các em đều được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đứng lớp. Cùng với một số kiến thức, kỹ năng, chúng tôi mong muốn chuyển tải đến các em niềm yêu thích học tập, ham học hỏi, ước mơ và sự bổ ích, thú vị của tri thức”, bạn Trần Mai Tuấn Phong - Đội phó Đội sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh Đoàn trường Quốc tế, cho biết.

Đứng lớp văn hoá hè, các thầy cô “áo xanh” được tiếp thêm động lực bởi sự ủng hộ, phản hồi tích cực của phụ huynh học sinh. Nhiều em nhà ở xa, được người thân đưa đón ngày hai buổi đến lớp. Chị Hoàng Thị Duy (ở xã Thượng Giáp), đưa con đến lớp còn nán lại theo dõi buổi học về kỹ năng sống. “Từ hôm khai giảng lớp hè, bé nhà tôi đều mong đến giờ, đến ngày để tới lớp với các anh chị tình nguyện. Lúc về nhà thì háo hức kể chuyện trên lớp. Bé vui hẳn hơn mọi ngày. Gia đình tôi xin cảm ơn các bạn sinh viên tình nguyện”, chị Duy nói.

Anh Nguyễn Văn Hiệp - Bí thư Đoàn xã Thượng Giáp cho biết, năm nay với sự xuất hiện của các bạn sinh viên trường Quốc tế (ĐHQG Hà Nội), các du học sinh tại LB Nga về hoạt động, có ý nghĩa rất đặc biệt với địa phương. Cùng với thanh niên địa phương, các bạn đã thực hiện được nhiều công trình, phần việc giá trị, ý nghĩa, hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra.

“14 ngày gắn bó với xã Thượng Giáp, các bạn sinh viên đã thể hiện màu sắc tươi mới, sinh động cho công tác Đoàn và hoạt động tình nguyện tại địa phương. Cán bộ Đoàn, đoàn viên và thanh thiếu nhi địa phương đã được giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức rất bổ ích. Chúng tôi rất mong muốn sẽ có thêm nhiều đoàn tình nguyện đến hỗ trợ Thượng Giáp”, anh Hiệp nói thêm.

(còn nữa)

Theo XUÂN TÙNG - ĐỨC NGUYỄN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.