'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài 7: Tạo diện mạo mới cho buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
6h sáng, Trạm Y tế xã Cư Pơng (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) náo nhiệt, sôi động khi các tình nguyện viên tất bật chuẩn bị cuốc, xẻng, liềm, bao... bắt đầu một ngày làm việc.

Trong 2 tuần chiến dịch Mùa hè xanh, đội hình 14 sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên về đây mang đến một không khí trẻ trung, tươi mới cho buôn làng.

Mang niềm vui về buôn

Trên con đường đất đỏ xuống bến nước buôn Kđoh, bóng lưng áo xanh ướt đẫm mồ hôi hì hục tu sửa 250m đường, bến nước. Bạn Rơ Mah Kít (khoa Sư phạm) nói rằng: “Em liên tưởng đến quê mình, đói nghèo vẫn còn bủa vây”. Rơ Mah Kít là con thứ 3 trong gia đình đông anh em ở một vùng quê nghèo của tỉnh Gia Lai, nên Kít thấu hiểu, đồng cảm cuộc sống khổ cực của bà con.

Sau ba ngày miệt mài phát cỏ, đào đất, khiêng đá, đổ bê tông, với sức trẻ của các bạn sinh viên, con đường xuống bến nước buôn Kđoh mang một diện mạo mới. “Người dân rất hứng khởi, bây giờ không lo trời mưa trơn trượt khi đi lấy nước”, bạn Rơ Mah Kít chia sẻ.

Bên hiên căn nhà sàn nhỏ, những người phụ nữ Êđê đứng đợi tình nguyện viên trong sự háo hức. Chị H Sang (người dân xã Cư Pơng) nói rằng, sự xuất hiện của các bạn trẻ làm nhịp sống buồn tẻ nơi đây thay đổi phần nào. Thanh xuân của người phụ nữ này chủ yếu trên nương rẫy để kiếm cái ăn. Nơi chị đi xa nhất là chợ huyện.

Khi các bạn thanh niên tỉ mẩn chà từng lớp rong rêu, phát cỏ làm đường vào bến nước, bà con rất cảm động. “Với người Êđê, bến nước là mạch sống của buôn làng. Sáng sớm và chiều tối, người dân trong buôn ra bến lấy nước về uống và nấu ăn. Các bạn đã khơi dậy tinh thần giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình”, chị H Sang nói.

Màn đêm buông xuống, trong ngôi nhà văn hóa xã chật kín người, bà con râm ran không hết chuyện. Các sinh viên nói chuyện về an toàn giao thông, ma tuý, ô nhiễm môi trường, tai nạn đuối nước cho người dân, thanh niên các buôn nghe.

Nhiều người già nói rằng, từ ngày có thanh niên áo xanh, con đường trong buôn rộng dài hơn; bọn trẻ sạch sẽ và biết nhiều chữ, nhiều bài hát hơn; các thiếu niên hiếu động biết tập hợp nhau để sinh hoạt.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Chiến sĩ tình nguyện Trường ĐH Tây Nguyên cùng người dân tu sửa đường xuống bến nước buôn Kđoh

Chiến sĩ tình nguyện Trường ĐH Tây Nguyên cùng người dân tu sửa đường xuống bến nước buôn Kđoh

Hơn 4 giờ sáng, gió rít qua khe cửa nơi căn phòng của trạm y tế cũ, anh Y Hlý, Bí thư Đoàn xã Cư Pơng lục đục bắt đầu công việc lái xe công nông đổ rác. Từ chiều qua, thành viên hợp tác xã đã gom rác của các hộ dân chất lên xe công nông. Từ đây ra bãi rác huyện khoảng 25km. Nhờ vậy, thôn, buôn sạch đẹp, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tiếng xe công nông bành bạch xé tan không gian tĩnh mịch của màn đêm.

Anh Y Hlý trưởng thành từ những chuyến đi tình nguyện. Khi biết tin có đoàn tình nguyện Mùa hè xanh về xã, anh dọn dẹp, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết ở trạm y tế cũ này để các bạn có nơi ở thuận tiện nhất. Trong chiến dịch hè, 10 đoàn viên, thanh niên của xã cùng tham gia với đội sinh viên tình nguyện.

Sinh viên tình nguyện Rơ Mah Kít dạy em nhỏ học ở xã Cư Pơng

Sinh viên tình nguyện Rơ Mah Kít dạy em nhỏ học ở xã Cư Pơng

Hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn, anh Y Hlý miệt mài cống hiến sức trẻ cho các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Anh từng đoạt giải “Nhân vật truyền cảm hứng” tại Cuộc thi ảnh “Thách thức để thay đổi” năm 2019 do T.Ư Đoàn phát động. Người ta ấn tượng anh về hình ảnh chàng thanh niên áo xanh cần mẫn xóa các điểm đen về rác.

Đổi thay Cư Pơng

Khi mặt trời lên cao, một nhóm trẻ với đôi dép tổ ong ố màu len qua con dốc dựng đứng cười khúc khích. Cũng lạ, đường đến lớp học được rải nhựa phẳng lỳ nhưng ngày nào các em cũng chọn con đường vòng đất đỏ đó để đi.

Bạn Nguyễn Thị Hải Yến (sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên) chia sẻ, nhìn những đứa bé lũn cũn lên nương rẫy cùng bố mẹ, chúng em hiểu rằng, phải làm công tác dân vận thật tốt, dù rất khó khăn, ngôn ngữ bất đồng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể, các bạn đã vận động các em đến lớp để bổ túc kiến thức dịp hè.

Khi cầm bút nắn nót từng nét chữ lên trang vở trắng tinh, bụng của em Y Niên sôi lên, bạn Rơ Mah Kít liền hỏi: Sao em không ăn sáng? Em Y Niên nói, bố mẹ đi làm từ sớm nên không có gì ăn. Nếu có, chỉ có cơm trắng với nước mắm thôi!

Những đứa trẻ ở đây thường mang theo bụng đói tới lớp. Trong tiết trời se lạnh, tập vở, cây bút, và ít bánh kẹo được các tình nguyện viên mang đến phát cho các em nhỏ đã thấm đẫm tình người. Giữa cuộc sống còn đầy khó nghèo, thiếu thốn, gương mặt các em bừng sáng nở nụ cười khi nhận những món quà nhỏ từ các anh chị.

Đưa cháu đến lớp học, một chị ngoài 40 tuổi, làn da nhăn nheo, đen sạm vì nắng gió, nói rằng, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhiều đứa trẻ bị cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình. Nghỉ hè, đứa lớn vào rừng hái măng, lên rẫy làm cỏ, xuống suối mò cua, bắt ốc...các em nhỏ ở nhà tự chơi với nhau. Điểm vui chơi yêu thích của chúng là con đường đất đỏ phía gần những ngọn đồi, hay rủ nhau ra ao, hồ tắm. Có các anh chị Đoàn Thanh niên về, các em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích.

Tại mặt trận xã Cư Pơng, ba chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong giây phút thiêng liêng của buổi lễ kết nạp, các bạn Nguyễn Thị Hải Yến, Phan Hồng Anh, Rơ Mah Kít đọc lời tuyên thệ, hứa tiếp tục nỗ lực rèn luyện và phấn đấu không ngừng trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nguyện mang sức trẻ cống hiến cho cộng đồng.

Xã Cư Pơng có 16 buôn, 1 thôn, trên 3.000 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 60%. Người dân chủ yếu trồng cà phê, bơ và hoa màu. Theo anh Y Hlý, trong thời kỳ kháng chiến, xã Cư Pơng là vùng căn cứ vững chắc, quân và dân đồng lòng đi theo cách mạng. Ngày nay, đồng bào các dân tộc xã Cư Pơng tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Bây giờ cuộc sống đã ổn định hơn nhưng vẫn còn nhiều vất vả khó khăn.

Trong hai tuần tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại đây, đội hình tình nguyện đã thực hiện 4 công trình và 7 phần việc thanh niên, góp phần tạo diện mạo mới cho bà con Cư Pơng.

(còn nữa)

Theo Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.