'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài 8: Gieo 'mầm xanh' trên xã đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong một tháng ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), 24 chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh của trường Đại học Sư phạm TPHCM đã thực hiện được nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân xã đảo.

Tổ chức 10 lớp ôn tập hè, ngoại ngữ

Ngày đầu đặt chân trên đất Thạnh An, Nguyễn Gia Huyên (sinh viên năm 2, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) không khỏi lo lắng. “Ban đầu em lo sợ rằng điều kiện sinh hoạt ở đây không quen, rồi không biết có thể hoàn thành tốt công việc được giao không”, Huyên chia sẻ.

Các chiến sĩ tình nguyện trường ĐH Sư phạm TPHCM làm công trình sân bóng chuyền tại xã đảo

Các chiến sĩ tình nguyện trường ĐH Sư phạm TPHCM làm công trình sân bóng chuyền tại xã đảo

Tuy nhiên, chỉ ngày hôm sau tiếp xúc với người dân, sự lo lắng của Huyên đã tan biến. Cô trở nên tự tin và cùng đồng đội nhanh chóng bắt tay vào công việc theo kế hoạch đã đề ra. Huyên cùng các bạn thực hiện công việc đầu tiên là sửa ngôi nhà của gia đình bà Nga (tại tổ 6, ấp Thạnh Hòa).

Bà Nga đã lớn tuổi, đi làm xẻ cá muối mặn thuê, còn chồng đi làm nghề đánh bắt ở xa. Vợ chồng bà có hai đứa con, đứa lớn sinh sống ở Đồng Tháp, đứa út đi nghĩa vụ quân sự tại Củ Chi. Hai vợ chồng bà Nga sống trong ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. “Cứ mưa to là nhà lại ngập, hai vợ chồng phải dùng gáo múc nước ra”, bà Nga nói.

Đứng giữa ngôi nhà xuống cấp của bà Nga, Chỉ huy trưởng chiến dịch Nguyễn Đặng Hoàng Trọng (sinh viên năm 3, trường ĐH Sư phạm TPHCM) dặn dò đồng đội: “Chúng ta cần cố gắng hết sức để sửa chữa, giúp cô chú có một nơi ở an toàn hơn. Mọi người hãy làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.

Cả đoàn nhanh chóng chia nhau công việc, các bạn nam đi trộn xi măng và đổ nền, các bạn nữ đảm nhận việc vận chuyển gạch, hỗ trợ xây tường. Dưới cái nắng gay gắt, ai nấy đều nỗ lực hoàn thành phần việc của mình. “Tinh thần lao động của cả đoàn rất hăng say, bởi chúng em biết công việc mình đang làm mang ý nghĩa lớn”, Trọng nói.

Những cô giáo tương lai mang con chữ đến trẻ em xã đảo Thạnh An

Những cô giáo tương lai mang con chữ đến trẻ em xã đảo Thạnh An

Về Thạnh An, đoàn tình nguyện tổ chức lớp học hè cho trẻ em trên xã đảo. Bạn Lương Huyền Trang (sinh viên năm 3 trường ĐH Sư phạm TPHCM), một thành viên của nhóm dạy học, đã có những trải nghiệm đầy cảm xúc khi đứng lớp. Trong lớp học, Trang luôn khích lệ, động viên các em nhỏ và nhanh chóng chiếm được cảm tình của lũ trẻ. “Mỗi lần các bé trả lời đúng câu hỏi, em lại khen động viên khiến các bé rất hào hứng học tập. Thấy các bé xung phong trả lời câu hỏi, học tập trung, em thấy mình như đang gieo những hạt mầm tri thức, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho các em”, Trang nói.

Một công trình ý nghĩa khác mà đoàn thực hiện tại đảo là xây dựng sân bóng chuyền. Sau một tuần, những thầy cô giáo trẻ tương lai đã biến khu đất từng là nơi tập kết rác thải, gây ô nhiễm, trở thành nơi vui chơi mới cho các em nhỏ. “Nhìn các em vui đùa trên sân chơi mới, mình cảm thấy mọi công sức của cả đoàn đã được đền đáp xứng đáng”, Trọng nói.

Trong chiến dịch Mùa hè xanh năm nay, trường ĐH Sư phạm TPHCM đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho người dân xã đảo Thạnh An, như trang bị dụng cụ cho sân chơi thiếu nhi, tặng 100 bộ đồng phục học sinh, 50 bộ đồ nghi thức Đội, 10 thùng rác công cộng, 70 ghế nhựa, cùng với 10 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 20 suất học bổng tiếng Anh giao tiếp trực tuyến.

Đặc biệt, với thế mạnh chuyên môn về sư phạm, đội hình tình nguyện của trường đã tổ chức 10 lớp ôn tập hè, ngoại ngữ, 4 sân chơi khoa học STEM, và tuyên truyền về an toàn giao thông cũng như kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh. Tổng giá trị các công trình và ngày công lao động của sinh viên tình nguyện ước tính gần 500 triệu đồng.

Nguồn động lực để tiếp tục cống hiến

Ngày bàn giao ngôi nhà mới cho gia đình bà Nga, cả đoàn tình nguyện ai cũng vui mừng, xúc động như… chủ nhà. Bà Nga đứng giữa căn nhà mới với đôi mắt ngấn lệ vì xúc động. Có lúc bà lặng đi, nhìn âu yếm từng thành viên trong đoàn, rồi bà đến cầm tay từng người run run nói lời cảm ơn.

Sau hơn một tháng miệt mài làm việc và sống cùng người dân Thạnh An, ngày chia tay cuối cùng đã đến. Cả đoàn ai cũng quyến luyến, không muốn rời xa nơi này. Ngay cả những cô chú đã nuôi dưỡng, chăm sóc đội tình nguyện cũng không giấu được xúc động khi phải chia tay. “Có tụi nó đến nhà đông vui hẳn lên. Giờ đùng một cái tụi nó đi hết, nhà trống vắng thấy buồn buồn. Tôi sẽ rất nhớ bọn trẻ…”, bà Võ Thị Thủy Tiên, ở ấp Thạnh Bình, nói.

“Tạm biệt Thạnh An, em sẽ mang theo những hình ảnh thân thương ấy, mang theo cả nụ cười và những giọt nước mắt xúc động của cô Nga. Đó sẽ là nguồn động lực để em tiếp tục hành trình cống hiến. Để mỗi mùa hè về, chúng em lại có thể trở về, mang theo sức trẻ, niềm tin và tình yêu thương đến những nơi cần nó nhất”- Chỉ huy chiến dịch Hoàng Trọng chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh tại xã đảo Thạnh An, bạn Lương Huyền Trang (sinh viên năm 3 trường ĐH Sư phạm TPHCM) đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Buổi kết nạp diễn ra vào ngày khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Rừng Sác - Cần Giờ, có sự tham dự của ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM và anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN.

Theo Phú Quang (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.