'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.

Tình người miền sông nước

U Minh Hạ (Cà Mau) nổi danh với những cánh rừng tràm bạt ngàn với vô vàn “hũ” mật ong lấp lánh. Vùng đất U Minh còn là bối cảnh của tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”, bởi hội tụ đầy đủ nét thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ và hoang sơ, cùng hệ động thực vật độc đáo, quý hiếm nổi tiếng “có một không hai”, như thôi thúc với hành trình khám phá, trải nghiệm của các bạn trẻ.

Những ngày đầu tháng 8, vùng đất U Minh Hạ chào đón các chàng trai, cô gái trong đội hình tình nguyện Mùa hè xanh Trường Đại học Tây Đô với “đặc sản” – những cơn mưa - nắng thất thường. Đang nắng chang chang đó, rồi tự nhiên trời dịu hẳn, đám mây đen kéo đến cùng cơn mưa trút xuống.

Chừng 20 phút, cơn mưa nhỏ dần rồi tạnh hẳn. Các chiến sĩ tình nguyện lại tất bật chạy đua với “việc của giời” để dọn vệ sinh, quét dọn nhà bia, phần mộ tại Nghĩa trang xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) - nơi có bia tưởng niệm ngành Quân y Quân khu 9 thời kỳ 1947. Có nhóm lại đi cặm cây chống sạt lở; lắp đèn năng lượng mặt trời...

Các bạn trẻ còn chung tay vẽ bích họa trên tường tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (xã Nguyễn Phích). Bức tường cũ của trường sau vài giờ đã khoác chiếc áo mới, sắc màu ấn tượng những con cá, con mực dưới đại dương, tạo sự thích thú cho học sinh. “Thông qua bức tranh, chúng em muốn góp phần giáo dục cho các em nhỏ về tình yêu biển, yêu thiên nhiên, tăng cường ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường biển”, chiến sĩ tình nguyện Huỳnh Thu Huyền nói.

Năm thứ 2 đi chiến dịch Mùa hè xanh, Thu Huyền có lẽ cũng đã quen với việc xa nhà. “Ngày đầu xuống đây, em thấy cảnh quê gần giống như ở nhà nên có chút bồi hồi. Bình thường, các bạn sinh viên ở trọ, ở riêng, rồi ở trong gia đình sẽ được bảo bọc, che chở. Còn khi tham gia Mùa hè xanh, các bạn sẽ cùng sống, cùng sinh hoạt với người dân bản địa. Tuy lúc đầu còn dè dặt nhưng rồi tụi em dần quen với nếp sống gia đình nên hòa nhập tốt, còn học thêm nhiều kỹ năng sống, vốn sống và hiểu hơn đời sống bà con miền quê sông nước”.

Còn bạn Trần Quốc Tuấn chia sẻ rằng, chuyến đi không chỉ bổ sung kiến thức mà còn giúp Tuấn học được rất nhiều điều bổ ích từ thực tế như cách giao tiếp, cách sống hòa đồng cùng người dân địa phương. “Ở những nơi đi qua, em đều cảm nhận được sự nhiệt tình, gần gũi đáng quý dành cho chúng em. Đó là động lực để em tiếp tục đi tình nguyện”, Tuấn nói.

Quốc Tuấn tâm đắc nhất là hoạt động chăm lo cho các em thiếu nhi. Được vui chơi cùng các em, tổ chức hoạt động phát quà, dạy tiếng Anh, hướng dẫn kỹ năng sống… Khoảng thời gian ấy thật sự đã giúp Tuấn và các đồng đội hòa mình cùng các em nhỏ. Đó là những cảm xúc chân thành từ trái tim, khó diễn tả hết được bằng lời.

Tháng ngày của thanh xuân

Các tình nguyện viên quét dọn nhà bia, phần mộ tại Nghĩa trang xã Nguyễn Phích (huyện U Minh)

Các tình nguyện viên quét dọn nhà bia, phần mộ tại Nghĩa trang xã Nguyễn Phích (huyện U Minh)

Một trong những ấn tượng sâu đậm với đội hình nguyện chính là tình cảm yêu thương, ấm áp của bà con nơi làng quê vùng đất khó. Đội trưởng chiến dịch - Huỳnh Chí Nguyện khoe rằng, thấy các bạn sinh viên vất vả khi đặt chân đến vùng đất U Minh Hạ, lãnh đạo xã cho tầm 3- 4kg cá phi vuông, anh Bí thư chi bộ ấp 7 cho cá vồ (loại cá da trơn), mấy bắp chuối, rồi bà con cho thêm ít tôm, tàn ong…để cải thiện bữa ăn. “Thực sự, những sự quan tâm đó, là những nguồn động viên to lớn giúp cho sinh viên tình nguyện quên đi mệt mỏi, cực nhọc cho chặng đường phía trước”, Nguyện bày tỏ.

Tầm trưa, các bạn sinh viên di chuyển về nhà chú Hai Tân (Nguyễn Thanh Tân ở ấp 4, xã Nguyễn Phích) để ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức. Mỗi người một việc, không ai bảo ai nhưng công việc vẫn trôi chảy. Người thì đi làm cá phi chiên, người thì gọt vỏ bí rợ nấu canh, rồi không biết thức ăn nấu có ngon hay không cũng “hết sạch”.

Bức tranh có chủ đề “em yêu biển xanh” do các bạn sinh viên tự tay vẽ

Bức tranh có chủ đề “em yêu biển xanh” do các bạn sinh viên tự tay vẽ

Chú Hai Tân cho hay, tụi nhỏ khác gì con cháu trong nhà đâu, ông cũng có đứa con tầm tuổi mấy đứa, cũng đi tình nguyện hè nên thấu hiểu hết nỗi khó khăn, vất vả. “Tụi nhỏ xuống gia đình mừng lắm. Thương tụi nhỏ không tiền bạc, lặn lội mưa gió”, ông Tân cười hiền bảo.

Năm nay, vợ chồng ông Tân “nhận nuôi” 14 bạn sinh viên tình nguyện, nhưng do nhà chật hẹp nên ông gửi 7 bạn nữ ngủ ở bên nhà cha mẹ ruột. “Hồi năm 2014, gia đình tôi cũng nhận nuôi 21 bạn sinh viên, mà lúc đó ngay đợt ngập lụt, đi lại vất vả lắm. Nhà có thêm tụi nhỏ cũng vui vẻ hẳn cho nên cứ xã a-lô là tôi sẵn sàng. Mơi mốt (mai mốt – PV) tụi nó đi hết cũng thấy buồn” - chú Tân nói.

Tối đến, các bạn tình nguyện viên tổ chức chiên bánh xèo, nấu cháo vịt rồi cùng nhau quây quần bên mâm tròn, cùng nói cười vui vẻ, kể nhau nghe những kỷ niệm khó quên sau những chuyến đi. Các bạn cũng tự tay chuẩn bị phần quà nho nhỏ dành cho các em thiếu nhi ở xã. Phần quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng cả tấm lòng, tình yêu thương của các anh chị dành cho các em nhỏ tuổi ở xứ rừng U Minh Hạ.

Thăm tặng quà gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam và gia đình hoàn cảnh khó khăn

Thăm tặng quà gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam và gia đình hoàn cảnh khó khăn

Trong một tuần triển khai chiến dịch, những công trình, phần việc được các tình nguyện viên cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Chuỗi ngày tuy không dài nhưng đủ để gắn chặt tình cảm của các bạn lại với nhau, các chiến sĩ bắt đầu xem nhau như một gia đình từ những bữa cơm, giấc ngủ. Và hơn hết, các bạn trẻ đã được trải nghiệm, trưởng thành và để lại ấn tượng sâu đậm với các em nhỏ, người dân miền sông nước.

Trong giờ phút chia tay với người dân vùng đất U Minh Hạ, Đội trưởng chiến dịch - Huỳnh Chí Nguyện thổn thức: “Trải qua những ngày cống hiến sức trẻ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với nhau, rồi đến giây phút chia tay đã để lại trong lòng các bạn biết bao nhiêu kỷ niệm. Khoảng ký ức tươi đẹp đó cũng chính là một phần thanh xuân của mỗi người, là một khoảng trời tươi đẹp nhất của thời sinh viên và sẽ mãi mãi ở trong bạn - trong tôi và trong tất cả chúng ta”.

Nằm trong chiến dịch tình nguyện “Hành quân xanh” năm 2024, Đoàn Thanh niên Công an TP Cà Mau cũng đã phối hợp với Liên Chi hội sinh viên Cà Mau - Trường Đại học Tây Đô trao tặng 1.400 quyển tập và 7 đèn năng lượng mặt trời (trong đó 400 quyển tập và 7 đèn mặt trời do các bạn sinh viên vận động) cho học sinh nghèo và người dân của xã Nguyễn Phích, tổng trị giá gần 17 triệu đồng.

Theo TÂN LỘC (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.