Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 

Dù đã gần 80 năm trôi qua, lòng dân vẫn vẹn nguyên một tình thương yêu hướng về những người đã khuất.

Cánh tay Phật và chân đèn thờ

Ông Nguyễn Văn Quảng (SN 1953, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) kể: Sau 12 năm quân ngũ, năm 1984, ông trở thành công nhân của Nông trường quốc doanh Sông Ba. Khi đó, núi rừng còn hoang vu, khu vực ngày nay là di tích vụ thảm sát dân làng Tân Lập lại càng rậm rạp hơn. Thỉnh thoảng đi qua, ông và các đồng nghiệp thấy nhiều mảnh ngói vỡ và gạch nhưng không ai nghĩ đây từng là nơi sinh tồn của một cộng đồng cư dân đông đúc.

Gần 10 năm sau, khi Nông trường giải thể, cũng như nhiều người, ông Quảng quyết định chọn Đăk Hlơ làm nơi định cư. Không có tài sản gì đáng kể nhưng ý chí quyết tâm khiến công việc khai hoang, phục hóa của ông thuận lợi. Khi những vạt rẫy mỗi ngày một thêm rộng cũng là lúc ông Quảng láng máng biết mình đang sống trên một vùng đất đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Quảng và hòn đá mài từng được người dân Tân Lập dùng trong quá khứ. Ảnh: N.Q.T

Ông Nguyễn Văn Quảng và hòn đá mài từng được người dân Tân Lập dùng trong quá khứ. Ảnh: N.Q.T

Một ngày, trong lúc nghỉ giữa buổi cày, ông Quảng nhìn thấy một cánh tay Phật, đoạn từ vai trở xuống, bằng kim loại. Vật thể chỉ nhỉnh hơn chiếc đũa cứ ám ảnh tâm trí mãi, khiến ông cắt một mảnh nhỏ, mang ra tiệm vàng ngoài phố huyện An Khê nhờ thử. Khi ấy, kinh tế khó khăn lắm nên ông cũng nghĩ gần: Nếu là đồ quý thì đời mình sẽ bớt cực. Sau câu trả lời của người thợ phân kim, ông Quảng yên tâm trở về với ruộng rẫy.

Có ý tự trách mình khi đã không biết giữ lại cánh tay tượng Phật tìm thấy năm nào, lúc chia tay, ông Quảng đã tặng chúng tôi hòn đá mài của bà con Tân Lập mà ông nhặt được trên rẫy nhà mình.

Sáng 9-8 vừa qua, tôi cùng các anh: Nguyễn Văn Thắng-Công chức Văn hóa-Xã hội, Nguyễn Tuấn Anh-Bí thư Đoàn xã Đăk Hlơ bắt đầu cuộc tìm kiếm di vật trên mảnh đất vốn là nền nhà ông Hương bộ Khướu-khu đất ngay cạnh di tích hiện nay. Cả 2 anh đều nhắc tôi nơi này từng bị cày xới thường xuyên để trồng mì và mía, chưa kể trước kia đã có rất nhiều người rà phế liệu.

Phần còn lại của một chân đèn thờ bằng đồng từng được cư dân Tân Lập sử dụng. Ảnh: N.Q.T

Phần còn lại của một chân đèn thờ bằng đồng từng được cư dân Tân Lập sử dụng. Ảnh: N.Q.T

Thật ngạc nhiên, gần như ngay lập tức, trong một số bụi cây rậm rạp, chúng tôi bắt gặp nhiều miếng ngói vảy, mảnh sành sứ và những viên gạch thẻ có nguồn gốc từ ngôi làng bị giặc Pháp xóa sổ năm 1947. Đáng ngạc nhiên là dù thời gian tìm kiếm không nhiều, chúng tôi vẫn may mắn thu nhặt được 1 cái chân đèn thờ bị gãy thành nhiều đoạn dưới lớp đất mỏng.

Phế vật chân đèn-vốn được dùng để cắm nến, đặt trên bàn thờ-sau gần 80 năm bị vùi lấp dưới đất, giờ đây đã ngả sang màu đen, nhưng còn khá chắc chắn và nặng hơn nửa ký. Tôi đã lặng đi hồi lâu khi ngồi ghi ký kiệu, đo vẽ từng hiện vật này. Tân Lập từng phồn thịnh, từng có những người sùng kính Phật giáo, thỉnh tượng về thờ. Tân Lập hàng trăm năm trước, từng có gia đình sở hữu bộ chân đèn bằng đồng quý giá, chắc chắn không hề rẻ chút nào… Tân Lập ấy giờ không còn, chỉ hiện hữu những bạt ngàn mía và bao câu chuyện chắp nối về một thời đau thương.

Chiếc cối xay bột ám lửa

Ông Nguyễn Văn Hoạch (SN 1946) hiện ở thôn 1, xã Đăk Hlơ. Năm 1968, rời Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lên đường vào Nam chiến đấu, đến năm 1974, ông bị thương và nay là thương binh hạng 2/4. Khi Nông trường quốc doanh Sông Ba được thành lập, ông Hoạch trở thành người của đơn vị này. Khi Nông trường giải thể, ông cùng nhiều người ở lại xây dựng quê hương mới.

Ông Hoạch kể: Năm 1994, trong một buổi đi rẫy, ông đã phát hiện chiếc cối xay bột làm bằng đá lấp dưới đất, cách khu du tích hiện nay khoảng 60-70 m. Bưng lên thấy chiếc cối khá nặng nhưng nghĩ đây là đồ dùng của tiền nhân đã khuất có tính chất thiêng liêng nên ông quyết định đưa lên xe bò chở về. Sau thời gian để ở trong nhà, cuối cùng, ông quyết định biến chiếc cối thành 2 đầu kê trong gian nhà kho chật chội.

Thớt trên cối xay ám lửa cho thấy nó có thể từng nằm trong những ngôi nhà bị giặc Pháp đốt năm 1947. Ảnh: N.Q.T

Thớt trên cối xay ám lửa cho thấy nó có thể từng nằm trong những ngôi nhà bị giặc Pháp đốt năm 1947. Ảnh: N.Q.T

Tôi cùng anh Phan Thanh Thọ (thôn 2, xã Đăk Hlơ) mất khá nhiều thời gian và sức lực để lật đống cây cũ cùng những đồ đạc lâu ngày không dùng đến của gia đình ông Hoạch lên mới khiêng được chiếc cối ra ngoài để lau rửa.

Cối được làm bằng đá granite khá tinh xảo, gồm 2 phần. Thớt trên dày khoảng 10 cm, đường kính đo được 22 cm. Phần đế đổ nguyên liệu vào nghiền khá nông và phía ngoài chỉ có 1 lỗ để tra tay quay. Một bên của thớt trên có dấu hiệu ám lửa khá rõ. Bằng với đường kính thớt trên và dày hơn 10 cm, thớt dưới có chỗ rộng nhất đo được 38 cm và dài gần 50 cm. Thớt dưới và trên của cối nối với nhau bằng một ngỗng cối-thường làm bằng gỗ tốt-nay đã mất, để lộ ra một lỗ hình tròn. Hai mặt tiếp xúc của các thớt cối có những đường kẻ tạo ma sát, khiến các loại hạt bị vỡ khi nghiền.

Theo ông Hoạch, thời gian qua, cũng có người hỏi mua nhưng ông đều từ chối. Ông muốn giữ cái cối lại, vì đó là một kỷ niệm ít nhiều mang tính tâm linh của mình 30 năm trước. Sau này, nếu di tích Tân Lập cần nó làm bằng chứng để tố cáo tội ác của giặc đối với đồng bào mình, ông sẽ sẵn sàng hiến tặng.

Vẹn nguyên những tấm lòng

Tân Lập vốn là một làng cổ, xưa kia thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Năm 1905, khi bắt tay biên soạn cuốn sách mang tính địa chí về khu vực An Khê (Le plateau d’An-Khê (province de Bình-Định, An-Nam), viên Thanh tra thuộc địa Đông Dương Ch. Trinquet đã thông tin: Tổng An Khê quan trọng nhất ở phía bờ trái sông Ba gồm 11 làng: Tú Thủy, Cửu Đạo, An Bình, An Mỹ, An Khê, Gia Hội, Cửu An, Cửu Định, Thượng An, An Thượng, An Tập. Tổng Tân Phong ở bên bờ phải sông Ba cũng gồm 11 làng: Tân Lập, An Dân, Tân Lai, An Hội, An Phong, Chí Công, Tân Tạo, Tân An, Tân Tụ, An Thuận, An Phong.

Vẫn theo Ch. Trinquet, “dân số ổn định” của 2 tổng có thể dao động từ 7.000 đến 8.000 dân chuyên việc chăn nuôi bò, ngựa và nhất là buôn bán trao đổi với người Thượng. Dân số không ổn định có thể lên tới vài ngàn người Kinh, đến theo mùa hoặc tới đây để chăn nuôi gia súc.

Giả sử rằng “dân số ổn định” của 22 làng người Kinh thuộc 2 tổng nêu trên đến năm 1905 là 8.000 người thì mỗi làng có hơn 360 khẩu. Nếu mỗi hộ gia đình có 5 người, số hộ tại mỗi cộng đồng làng khi đó sẽ nằm ở mức trên 70 hộ/làng. Làng Tân Lập dĩ nhiên cũng không là ngoại lệ trong trường hợp này về quy mô dân số.

Nhiều năm sau đó, làng Tân Lập vẫn thuộc tổng Tân Phong như đã nêu. Theo tài liệu lịch sử, cho đến trước khi diễn ra vụ thảm sát, Tân Lập vẫn là vùng đất bình yên với khoảng 78 nóc nhà. Người dân Tân Lập cần cù lao động, giàu tinh thần yêu nước và luôn sẵn lòng giúp đỡ bộ đội Việt Minh.

Cho đến nay, có thể khẳng định, việc nuôi giấu, ủng hộ Trung đoàn Vi Dân đánh đồn Tú Thủy (ngày 14-3-1947) là nguyên nhân chính khiến giặc Pháp tàn sát dân làng Tân Lập khi đó. Hơn 300 người đã bị sát hại trong 1 ngày (18-3-1947) khiến cộng đồng này biến mất trên bản đồ khu vực là một nỗi đau xót khó quên.

Vì nhiều lý do, vụ thảm sát Tân Lập được phát hiện muộn. Tuy vậy, từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Kbang, cụ thể là bà con xã Đăk Hlơ đã xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Năm 2015, ngay khi nơi này chưa trở thành di tích cấp tỉnh (được công nhận năm 2017), UBND huyện Kbang đã đầu tư 250 triệu đồng xây dựng nhà bia tưởng niệm. Từ đó, nơi hoạt động tín ngưỡng liên quan được duy trì một cách bài bản, hệ thống hơn.

Điều đáng nói là để xây dựng di tích, chính người dân thôn 1 (xã Đăk Hlơ) đã có những hành động đẹp. Anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1966) đã đồng ý hỗ trợ hơn 2.000 m2 đất trồng mía chỉ với giá 16 triệu đồng.

Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ và một số hiện vật mới được tìm thấy ở di tích Tân Lập. Ảnh: N.Q.T

Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ và một số hiện vật mới được tìm thấy ở di tích Tân Lập. Ảnh: N.Q.T

Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ-cho biết: Theo kế hoạch, trong năm nay, xã Đăk Hlơ và xã Kông Bơ La sẽ sáp nhập. Dù như thế nào, di tích thảm sát Tân Lập vẫn sẽ được Đảng bộ, chính quyền và người dân chăm sóc cẩn thận. Từ trước đến nay, vào các dịp lễ, Tết đều có hoạt động dâng hương dâng hoa; ngày giỗ chung 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức tưởng niệm bà con đã khuất. Tới đây, xã sẽ làm một bảng tóm tắt về vụ thảm sát, dựng ngoài cổng di tích để mọi người cùng thêm hiểu biết, nhất là thế hệ trẻ. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ trưng bày hơn 40 hiện vật được tìm thấy trong đợt khảo sát này.

Chuyến trở lại Đăk Hlơ lần này để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Ở đó, địa danh Tân Lập không hề mất. Cư dân xưa đã được thay bằng các cộng đồng mới đến từ nhiều vùng quê. Tất cả đều chăm chỉ làm lụng và thương nhớ tiền nhân-những người đã khởi tạo cho họ một vùng đất trù phú và yên bình hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.