Lần đầu đến Nhật Bản là khoảng năm 1995-1996. Vừa về công tác tại báo Tiền Phong, tôi kinh ngạc được chọn là người vừa làm trưởng đoàn, vừa làm phiên dịch cho 2 vận động viên, một nam, một nữ của ta sang Nhật tham gia một giải điền kinh. Đây là do Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Điền kinh đề nghị Tiền Phong hỗ trợ.
Một chuyến đi “tốc lực”, tất cả chỉ có già ba ngày rưỡi, trong đó có một ngày để bay đi bay về, một ngày để di chuyển từ sân bay Narita (Tokyo) lên lưng chừng một ngọn núi ở tỉnh Yagamata ở cực bắc đảo chính nước Nhật, quê của nàng Ôsin trong bộ phim truyền hình cùng tên giờ để lại tên cho một nghề ở nước ta; Một ngày làm quen với điều lệ giải, đường chạy và tham quan (chính xác là đảo qua) một thị trấn nhỏ ở chân núi; Ngày cuối cùng thi đấu từ sáng đến trưa, tổng kết trao giải, ăn trưa rồi tất cả được bốc lên xe và chở thẳng 8 tiếng đồng hồ ngược lại về sân bay Narita.
Thật là một chuyến đi đầy thử thách, một trải nghiệm thú vị.
Lần thứ hai là tham gia đoàn do chính anh Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (THACO) dẫn đầu, sang làm việc với Mazda về việc hợp tác giữa hai bên. Tiếng là thế nhưng các nhà báo đi cùng chỉ gặp gỡ xã giao lãnh đạo Mazda, nghe lịch sử của hãng, xem mô hình một số xe và động cơ mới của họ, còn phần làm việc thực chất chỉ mình anh Dương thực hiện. Đó là chuyến đi mà tôi được qua Hiroshima để nhìn những vết tích còn lại của vụ ném bom nguyên tử huỷ diệt con người lần đầu tiên trên thế giới, gặp gỡ một người đàn ông mất mẹ và cả gia đình người chị trong vụ nổ nguyên tử và từ đó trở đi, suốt mấy chục năm trời, hễ có thời gian ông lại ra khu di tích để kể cho những người tới đó bi kịch của gia đình mình với hi vọng cảnh tỉnh loài người để thảm hoạ không bao giờ tái lặp; cũng là lần lặng ngắm rất nhiều con hạc giấy được gấp tại chỗ hoặc gửi từ nhiều nơi trên thế giới về để thực hiện tiếp ước mơ dang dở của cô bé 12 tuổi Sadako Sasaki bị nhiễm xạ nặng ở Hiroshima là gấp kịp 1.000 con hạc giấy trước khi chết để nguyện cầu cho hoà bình trên trái đất... Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghỉ lại ở khu phố cổ Cố đô Kyoto và thưởng thức nghệ thuật Geisha.
Lần thứ ba là tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Thanh niên Việt Nam do Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh sang thăm và làm việc tại Nhật Bản. Đoàn đã tiếp xúc, làm việc với bộ phận hợp tác thanh niên của Đảng cầm quyền (Nhật Bản không có các tổ chức, cơ quan tương tự như Ủy ban Thanh niên Quốc gia, Bộ Thanh niên hay các tổ chức thanh niên lớn, thống nhất như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên ở ta), thăm nhiều mô hình phát triển kinh tế và dịch vụ công cộng… Đây là chuyến đi mang lại cho tôi nhiều kinh ngạc. Kinh ngạc khi biết tuổi trung bình của nông dân Nhật lúc đó là 64 vì người trẻ đổ hết về thành phố và Chính phủ Nhật có chương trình bán những ngôi nhà bị bỏ không ở nông thôn với giá 1 yên nhưng cũng ít người mua. Kinh ngạc khi những người nông dân trong một dự án trồng ớt ngọt theo tiêu chuẩn Hà Lan được đầu tư tới 25 triệu Euro và vào đó chúng tôi phải trải qua một quy trình vệ sinh, khử trùng còn quá vào phòng mổ ở bệnh viện hiện đại nhất nhưng những người nông dân ngớ ra khi chúng tôi hỏi tới bài toán hoàn vốn, lỗ lãi mà sau đó người phiên dịch giải thích là do Chính phủ Nhật trợ cấp cho nông nghiệp nhiều nên nhiều khi nông dân không còn bị áp lực của những chuyện như thế nữa…
Lần thứ tư và lần thứ năm này là theo tua du lịch. Sản phẩm đáng kể của các chuyến đi trước đều là các bài thiên về văn hoá. Đó là 4 kỳ của hai bút ký “Anh đào muôn thuở” và “Phú Sĩ muôn vẻ” đều đã đăng trên Tiền Phong và sau đó tôi cơ cấu lại thành bút ký khá lớn “Nhật bản Đại Hòa hồn” dài đến gần 10.000 chữ.
Đi khá nhiều như vậy nên lần đi này chủ yếu theo dấu những nơi cũ mình đã từng đi qua. Nhưng cảnh cũ nhiều năm gặp lại cũng có cái thú của nó.
*
* *
Tôi đã lên Phú Sĩ một lần rồi nhưng lần này vẫn háo hức. Không chỉ vì sẽ gặp lại cảnh cũ, ngọn núi biểu tượng của đất nước Mặt trời mọc mà còn do lần trước là vào mùa xuân, còn lần này là thu. Người ta nói Phú Sĩ muôn vẻ, từ góc nhìn, từ cảnh vật, từ thời tiết, và tất nhiên theo mùa.
Lên Phú Sĩ, tôi cứ có cảm giác gặp may vì cả hai lần đều trời quang mây tạnh, thấy rõ ngọn núi từ chân đến ngọn. Nói may là vì trước đó, tôi đọc được rằng một năm chỉ chừng 100 ngày Phú Sĩ trời quang mây tạnh như thế. Nhiều người Nhật đến nhưng cũng không được nhìn thấy Phú Sĩ.
Lần thứ hai đến Phú Sĩ này còn may hơn vì khách không đông lắm, thời tiết tốt nên xe chở chúng tôi mát ga lên tận trạm 5, là trạm cuối cùng ô tô có thể lên (5 trạm cuối muốn lên phải leo bộ). Lần trước đến xe dừng ở Trạm 3 vì tắc đường. Lần này lại đến vào chiều muộn, sau đó được chứng kiến hoàng hôn nhìn từ lưng núi Phú Sĩ nên rất đẹp.
Thành thực mà nói, Phú Sĩ giữa thu “nhan sắc” kém xa lần tôi nhìn thấy vào tháng 4 bốn năm trước, khi anh đào nở rộ trong tiết xuân. Mùa xuân ở Nhật vẫn còn khá lạnh nên trong tiết tháng 4 khi ấy Phú Sĩ vẫn có cái chóp băng trắng. Duy nhất nó có băng trong số khá nhiều ngọn núi quanh đó. Ấy là do chiều cao vượt trội hơn 3.700 mét của Phú Sĩ. Cái chóp băng tuyết trắng ấy nổi lên trên nên các dãy, các đỉnh núi màu xanh hoặc nâu khác khiến cho Phú Sĩ có cái vẻ đặc biệt kỳ lạ, cực kỳ nên thơ. Tiết thu này ở Nhật còn khá nóng nên Phú Sĩ không còn cái chóp băng ấy nữa, phần ngọn của nó hiện ra với màu nâu của bazan, đôi chỗ xỉn lại như rỉ sắt do Phú Sĩ nguyên là một ngọn núi lửa. Không còn băng tuyết, về cảnh sắc, Phú Sĩ chỉ còn là ngọn núi thường thường trong đám núi non như rừng, khác chăng là ở chiều cao vượt trội.
Nhưng không sao, Phú Sĩ là ngọn núi biểu tượng, ngọn núi trung tâm của tâm thức và văn hoá Nhật nên du khách vẫn thích thú như thường. Điều tuyệt vời là chúng tôi lên trạm 5 Phú Sĩ vào cuối ngày nên được chứng kiến hoàng hôn tuyệt đẹp buông xuống ngọn núi và sông ngòi, thung lũng, rừng rú quanh đó. Thấy bảo trong cái màu xanh ngút ngàn bên dưới kia có cả khu rừng ma Aokigahara nổi tiếng. Khu rừng ghê rợn này được tả là cây mọc dày đặc, che hết ánh nắng khiến nó tối tăm ngay giữa ban ngày. Nhiều người Nhật chọn Aokigahara để tự kết liễu đời mình đến mức nó là điểm tự sát nổi tiếng nhất, chỉ thua cầu Cổng Vàng Golden Gate (ở San Francisco, Mỹ). Khu rừng càng nổi tiếng hơn khi có một nhà văn viết một cuốn sách về nó, trong đó ông giới thiệu cả các cách thức tự sát với những mô tả tỉ mỉ khiến tỉ lệ tự sát trong rừng sau đó tăng lên…
Tối đó, chúng tôi nghỉ lại khách sạn Yukari No Mori Yamanakako ngay bên hồ Yamanaka, một trong năm hồ nước lớn rất đẹp, được gọi là Ngũ hồ Phú Sĩ ngay gần chân núi và được tắm Onsen nước nóng mà nguồn nước giàu khoáng chất được đun từ nước dẫn từ Phú Sĩ về.
Phú Sĩ thu nhìn từ trạm 5 trên lưng chừng núi |
Vì nghỉ ngay trên bờ hồ Yamanaka rộng lớn nên rạng đông hôm sau, nhiều người dậy từ lúc mặt trời chưa lên để chụp ảnh bình minh rực rỡ lên trên hồ và trên núi Phú Sĩ. Nhiều người có được những bức ảnh đẹp để đời.
Trên đường rời núi Phú Sĩ về Tokyo, các đoàn khách lại thường được đưa vào vườn hoa công viên Oishi ở hồ Kawaguchi là hồ đẹp nhất trong Ngũ hồ Phú Sĩ. Chụp ảnh Phú Sĩ qua hồ nước từ đây là đẹp nhất. Nhưng cái may không theo mãi, sáng đó, một dải dày mây trắng xám rất lớn che khuất ba phần tư Phú Sĩ từ trên xuống, khiến cho nó chỉ còn là một vệt xanh lơ nhìn tưởng như một khu rừng xa.
Nhớ nhà thơ lớn Nhật Bản xưa là Basho (1644-1694) cũng từng có lần không có được có cái duyên thấy Phú Sĩ do đến trúng thời gian nó hoàn toàn bị mây che phủ. Không thấy núi, ông đành phải thay nó bằng ngọn núi trong tâm tưởng trong bài Haiku thuộc loại nổi tiếng nhất trong những bài thơ từng được viết về Phú Sĩ: “Sương thu giấu Phú Sĩ/Mắt tìm không thấy núi/Núi vẫn làm lòng vui”.
*
* *
Trước khi lên núi Phú Sĩ, khách du lịch thường qua ngôi làng cổ Oshino Hakkai là điểm du lịch không thể không ghé trên tuyến đi. Nói không thể không ghé là vì nhiều lẽ.
Hoàng hôn trên Phú Sĩ |
Oshino Hakkai nằm ngay bên dưới chân núi Phú Sĩ nên nhìn từ đây ngọn núi rất thơ mộng. Và vào tiết thu này, khi đến gần cận, Phú Sĩ không có cái chóp băng nhìn khá kém sắc khi đỉnh giống màu rỉ sắt thì nhìn xa vài chục cây số từ Oshino Hakkai, nó vẫn xanh lơ thơ mộng như thường. Thành thử Oshino Hakkai như một thứ “đền trình” nếu coi Phú Sĩ là đền chính.
Hơn thế, làng cổ Oshino Hakkai sở hữu nét kiến trúc đậm chất Nhật Bản xa xưa với khung cảnh thanh bình tuyệt đẹp. Những mái nhà cổ dưới tán cây già và phía xa là đỉnh núi thiêng Phú Sĩ. Ít ai không mềm lòng trước cảnh sắc như thế.
Thêm nữa, nơi đây xưa là một hồ nước lớn đã cạn và thành điểm dân cư từ hàng vài trăm năm trước mà vết tích để lại là một số hồ nhỏ vào ao rất sâu nên nước rất trong nhưng có màu xanh đen. Một số ao tích nước ngấm từ đỉnh Phú Sĩ xuống nên nước rất tinh khiết và rất lạnh. Một vài hồ có những chiếc cầu tuyệt đẹp bắc ngang để du khách dạo bước thưởng ngoạn và chụp ảnh.
Và cuối cùng Oshino Hakkai có dịch vụ du lịch phong phú, hấp dẫn: lễ nghi, đồ ăn, đồ lưu niệm... Chẳng hạn, một lễ nghi vừa trang trọng vừa vui vui được du khách thích như: Đầu làng xây một bể nước chứa nước chảy từ Phú Sĩ xuống để du khách rửa tay tẩy trần trước khi vào làng. Ngày xưa thì dùng gáo với quy định tay nào rửa trước, rửa sau nghiêm ngặt. Nay có lẽ du khách đông quá nên có một loạt vòi nước chảy để họ rửa tay cho nhanh. Nhưng phần đông cứ thò tay vào bể nước mát lạnh mà khoả như một nghi thức vui nhộn.
Hay ngay kế tiếp là một cái ao nhỏ nước cạn và trong xanh, trên bờ có một gốc đại thụ lớn. Đây là cái ao may mắn mà du khách ném tiền xu xuống và nói thầm lời khẩn cầu của mình. Có thể thấy quanh bờ ao lúc nào cũng đông và những đồng xu sáng lấp lánh dưới ao.
Rồi du khách muốn lấy nước dẫn từ nguồn trên núi Phú Sĩ để mang về? Dễ thôi: chi 180 - 200 yên (cỡ 27 - 35 nghìn đồng) mua cái chai hoặc can nhựa mi ni xinh xắn và xin mời. Cũng có bày bán khá nhiều hộp nhựa nhỏ đựng 4-5 quả nho đã được ngâm lạnh bằng nước trong và mát của núi Phú Sĩ mà người bán hàng quảng cáo là ăn vào mát da, người trẻ lại…
Theo Lê Xuân Sơn (TPO)