Krông Pa nâng cao giá trị cây thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cây thuốc lá, một trong những sản phẩm mũi nhọn của địa phương. Thông qua đó, người trồng cây thuốc lá, nhất là các hộ dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho phát triển cây thuốc lá, vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện Krông Pa đã gieo trồng 2.000 ha thuốc lá vàng và 200 ha thuốc lá nâu, tập trung chủ yếu tại các xã: Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar, Chư Gu, Chư Drăng, Phú Cần, Ia Mlah, Ia Rmok và thị trấn Phú Túc. Dự kiến vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện cũng sẽ gieo trồng gần 3.000 ha cây thuốc lá.

Theo ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Sản xuất thuốc lá nguyên liệu chiếm đến 1/5 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Dù chỉ trồng trong vụ Đông Xuân nhưng giá trị mà cây thuốc lá mang lại hàng năm khoảng 220-250 tỷ đồng. Qua nghiên cứu, vùng nguyên liệu thuốc lá của huyện được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng.

“Vừa qua, nhãn hiệu chứng nhận “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ. Đây là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp huyện. Điều này góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thời gian đến, chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ.

Nông dân huyện Krông Pa chăm sóc cây thuốc lá. Ảnh: L.N

Nông dân huyện Krông Pa chăm sóc cây thuốc lá. Ảnh: L.N

Ông Lê Xuân Hưng-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Chư Gu (xã Chư Gu) cho biết: Hợp tác xã đang liên kết với 50 hộ dân trồng 100 ha thuốc lá nâu và thuốc lá vàng. Người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đưa máy móc vào tất cả các khâu nên năng suất cây thuốc lá đạt khoảng 3,5-4 tấn/ha. Mỗi héc ta cần đầu tư khoảng 80-90 triệu đồng, gồm: giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch. Với giá bình quân hiện tại khoảng 63-65 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha.

“Vừa qua, huyện đã xây dựng được thương hiệu “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai” nên HTX nói riêng cũng như người trồng cây thuốc lá trên địa bàn huyện nói chung rất phấn khởi. Bởi khi có thương hiệu, giá trị sản phẩm từ cây thuốc lá sẽ được nâng lên và vùng nguyên liệu cũng ổn định hơn”-ông Hưng thông tin thêm.

Tương tự, HTX Nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng cũng đang liên kết với người dân trồng hơn 10 ha cây thuốc lá vàng. Giám đốc HTX Kpă Séo cho biết: “Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tham gia. Suất đầu tư gồm: giống, phân bón, hệ thống tưới tiết kiệm nước, kỹ thuật... Đồng thời, hướng tới quản lý chất lượng thuốc lá theo chuỗi, từ sản xuất đến sơ chế, bảo quản và tiêu thụ. Hiện HTX đang triển khai ươm giống cây thuốc lá để khoảng 15-20 ngày nữa đưa ra trồng”.

Người dân xã Đất Bằng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong trồng cây thuốc lá. Ảnh: L.N

Người dân xã Đất Bằng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong trồng cây thuốc lá. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho hay: Chất lượng thuốc lá nguyên liệu ở Krông Pa được đánh giá cao nhất nước bởi lượng nicotine cao. Tuy nhiên, hàm lượng nicotine trong thuốc lá nguyên liệu của huyện vẫn còn thấp hơn nhiều so với cây thuốc lá của nước ngoài. Vụ Đông Xuân 2023-2024, UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với một doanh nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa và có sự hướng dẫn chuyên gia người nước ngoài để trồng thử nghiệm 8 ha thuốc lá. Trong đó, quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch do doanh nghiệp thực hiện.

Đặc biệt, doanh nghiệp sử dụng công nghệ sấy hoàn toàn bằng điện để nâng hàm lượng nicotine trong thuốc lá nguyên liệu lên trên 3,5-4% nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của nước ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ trồng thử nghiệm giống thuốc lá mới để làm xì gà. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, doanh nghiệp sẽ chuyển giao kỹ thuật cho người dân và nhân rộng diện tích trên địa bàn huyện.

“Cây thuốc lá đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân với thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/ha, cao hơn 2-3 lần so với cây mì. Đầu ra sản phẩm của cây thuốc lá cũng rất ổn định, giá cả thị trường ngày càng cao. Do đó, mục tiêu của huyện là nâng cao sản lượng và chất lượng cây thuốc lá, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã giao cho các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và doanh nghiệp, HTX quản lý, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”-ông Thảo nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.