Tưới nhỏ giọt cho cây thuốc lá: Hiệu quả vượt trội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng vào mùa khô và giá thuê nhân công cao, nhiều hộ dân ở vùng “chảo lửa” Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối với cây thuốc lá. Mô hình này cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống.

Năm 2021, ông Nguyễn Văn Trọng (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) bỏ ra hơn 20 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên hơn 1 ha thuốc lá của gia đình. Mô hình này giúp tiết kiệm trên 50% lượng nước tưới cho cây trồng, giảm 3 nhân công lao động và giảm 30-50% chi phí đầu tư phân bón, trong khi năng suất cây trồng tăng 10-15%. Ông Trọng cho hay: “Tưới tiết kiệm nước là giải pháp hiệu quả ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, giúp cây trồng giữ được độ ẩm, không bị mất sức vì nắng nóng, góp phần giảm thiệt hại trong sản xuất”.

Nhận thấy hiệu quả tích cực, năm nay, gia đình ông Trọng thuê thêm 4 ha đất tại xã Chư Drăng để trồng thuốc lá và đầu tư hơn 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Trong khi những hộ dân khác đang tất bật tìm thuê nhân công để tưới nước thì ông Trọng chỉ cần bật công tắc, khởi động hệ thống tưới nhỏ giọt là toàn bộ diện tích gieo trồng của gia đình được tưới nước đầy đủ. “Cách tưới thủ công không những tốn nhiều nhân công, thời gian kéo dài, chi phí cao hơn mà còn lãng phí lượng nước tưới. Khi áp dụng tưới nhỏ giọt, chỉ cần mở van là nước được bơm đều đến từng gốc. Ngoài ra, hệ thống này còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi, giúp cây hấp thụ phân bón triệt để, góp phần giảm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng”-ông Trọng khẳng định.

Mô hình tưới nhỏ giọt trên cây thuốc lá của ông Đồng Như Hưng (thôn Thanh Bình, xã Uar, huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyễn Chi

Mô hình tưới nhỏ giọt trên cây thuốc lá của ông Đồng Như Hưng (thôn Thanh Bình, xã Uar, huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyễn Chi

Trước những lợi ích mà mô hình tưới nhỏ giọt đem lại, ông Đồng Như Hưng (thôn Thanh Bình, xã Uar) và nhiều hộ dân khác đã học hỏi, làm theo. Mặc dù phải bỏ ra gần 70 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới cho hơn 5 ha thuốc lá nhưng ông Hưng vẫn an tâm với quyết định của mình. Ông cho biết: “Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, không những tiết kiệm đến 90% công lao động, giảm chi phí điện, nước mà lượng phân bón cũng được điều chỉnh phù hợp. Không chỉ áp dụng trên cây thuốc lá, nhiều hộ còn áp dụng mô hình này trên cây trồng khác như bưởi, ổi, dưa hấu”.

Tương tự, trước đây, khi chưa áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Thanh Bình, xã Uar) phải thuê đến 4 nhân công tưới mỗi ngày trên 1 ha cây thuốc lá. Sau khi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, chị chỉ cần mở van là nước được bơm đến tận gốc cây. Chính vì vậy, năm nay, chị mở rộng diện tích trồng cây thuốc lá lên hơn 4 ha.

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng nhiều, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng hết nhu cầu tưới cho diện tích cây trồng thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện có trên 3.728 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến này. Trong đó, diện tích tưới trên cây thuốc lá hơn 1.688 ha, dưa hấu trên 1.000 ha, còn lại là các loại cây trồng khác. Trong số này, phần lớn diện tích tưới tiết kiệm nước tập trung ở các xã: Chư Gu, Phú Cần, Uar, Chư Drăng, Chư Rcăm.

Cũng theo ông Châu, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt là xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Đặc biệt, điều này phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) là phát triển diện tích cây thuốc lá đạt khoảng 2.200-2.500 ha. “Ngoài việc hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác, Phòng còn tích cực vận động các hộ ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin.

NGUYỄN CHI

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.