Krông Pa: Cây thuốc lá nâu mang lại hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ưu điểm của cây thuốc lá nâu là vốn đầu tư ít, sau khi thu hoạch chỉ cần phơi khô dưới nắng mặt trời, không cần sử dụng lò sấy. Mô hình này đang được nhân rộng tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Cuối năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Phú Cần triển khai mô hình “Trồng thuốc lá nâu” trên địa bàn xã. Tham gia mô hình có 5 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo với diện tích 5 ha. Các hộ được HTX cung ứng giống, ứng trước 5 triệu đồng chi phí sản xuất, một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm. Sau năm đầu tiên cho hiệu quả kinh tế khả quan, niên vụ 2020-2021, HTX mở rộng diện tích lên 20 ha với 20 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư gần 400 triệu đồng.
Ông Trần Thế Chanh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cần, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Phú Cần-cho biết: Trước đây, thuốc lá vàng là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, nhiều hộ không thể trồng do chi phí đầu tư lớn vì thuê nhân công thu hoạch và làm lò sấy. Trong khi đó, thuốc lá nâu cũng có đặc tính sinh trưởng giống thuốc lá vàng nhưng chi phí đầu tư thấp hơn nhiều. Khi đưa mô hình này đến với bà con, HTX mong muốn thuốc lá nâu thực sự trở thành cây giảm nghèo tại địa phương.
Bà Ksor H’Pri (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) phơi thuốc lá nâu trên giàn. Ảnh: Vũ Chi
Bà Ksor H’Pri (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) phơi thuốc lá nâu trên giàn. Ảnh: Vũ Chi
Bà Ksor H’Pri (buôn Tang) cho hay: “Nhà mình ít người nên trồng cây thuốc lá nâu rất phù hợp. Vợ chồng cứ túc tắc làm dần, hôm nay làm không hết thì mai làm tiếp, không cần thuê nhân công. Thời tiết dạo này nắng gắt, thuốc lá khô đều, màu đẹp nên bán sẽ được giá. Hợp tác xã thông báo sẽ mua với giá 33.000-34.000 đồng/kg, nếu thuốc lá đẹp sẽ mua với giá 35.000 đồng/kg nên mình rất phấn khởi. Hy vọng mức giá này sẽ được duy trì hoặc cao hơn để bà con có lời”.
Vụ trước, anh Ksor Tuôt (buôn Bla) đã trồng thử nghiệm 2,5 sào thuốc lá nâu. Anh chia sẻ: “Năm ngoái, mình thu hoạch được 1,2 tấn, giá bán 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mình thu được 15 triệu đồng. Năm nay, mình mở rộng diện tích lên 6 sào. Hy vọng mình sẽ thu được lợi nhuận cao từ cây trồng này. Tham gia mô hình, mình được cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật nên rất yên tâm”.
Theo đánh giá của bà con nông dân, chi phí đầu tư 1 ha thuốc lá nâu chỉ bằng 1/3 so với thuốc lá vàng. Thu hoạch thuốc lá vàng bắt buộc phải thuê nhân công để đảm bảo đủ lượng thuốc lá cho 1 lò sấy. Đối với thuốc lá nâu thì có thể tận dụng nguồn lao động trong gia đình, không cần sử dụng lò sấy nên hạn chế được việc sử dụng chất đốt, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc trồng thuốc lá nâu sẽ gặp bất lợi nếu trời mưa.
Một mẻ thuốc khô đạt tiêu chuẩn sẽ mất thời gian phơi hơn 2 tuần. Vì vậy, để tiết kiệm diện tích phơi, HTX khuyến cáo bà con nên làm giàn phơi theo tầng. Buổi tối nên phủ bạt để tránh sương xuống làm lá thuốc bị mốc.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cần, sau 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. “Sắp tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Chanh nói.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.