Kông Chro: Người uy tín tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) có 64 già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, đội ngũ này đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Già làng Đinh Tiến (bìa trái, làng Chiêu Liêu, xã An Trung) trao đổi với cán bộ xã về công tác tuyên truyền, vận động người dân. Ảnh: L.N

Già làng Đinh Tiến (bìa trái, làng Chiêu Liêu, xã An Trung) trao đổi với cán bộ xã về công tác tuyên truyền, vận động người dân. Ảnh: L.N

Sau khi nghỉ hưu, năm 2009, ông Đinh Văn Chiêm (làng Vơn, xã Yang Nam) được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Trên cương vị mới, ông tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để đảm bảo an ninh trật tự, ông phối hợp với hệ thống chính trị của làng thường xuyên nắm bắt tình hình trên địa bàn; gặp gỡ dân làng, nhất là thanh-thiếu niên để tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, hôn nhân và gia đình, quản lý, bảo vệ rừng; vận động bà con không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu; xây dựng nếp sống văn minh, từng bước đẩy lùi và loại bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia hòa giải những xích mích, mâu thuẫn trong dân.

“Trước khi hòa giải, tôi phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc, tính cách từng người. Từ đó, tôi có phương pháp hòa giải hợp tình, hợp lý và đúng pháp luật. Hiện tôi vừa làm già làng, vừa là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Tôi luôn xác định khi nào còn được bà con tin tưởng, còn sức khỏe thì sẽ cống hiến hết mình, góp sức xây dựng làng ngày càng bình yên và phát triển”-ông Chiêm chia sẻ.

Sau khi nghỉ hưu, ông Đinh Tiến (làng Chiêu Liêu, xã An Trung) cũng được người dân tín nhiệm bầu làm già làng. Xác định trọng trách mà người dân tin tưởng giao phó, ông luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động và tích cực giúp đỡ bà con. Đặc biệt, ông thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân và tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Ông Tiến cho hay: Trước khi nghỉ hưu, ông từng kinh qua nhiều vị trí như: Nhân viên thống kê, Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã nên tích lũy nhiều kinh nghiệm. Dù ở cương vị nào, ông cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để người dân tin tưởng và làm theo, ông phải gương mẫu, nói đi đôi với làm. Quan điểm của ông là người đứng ra hòa giải phải trung thực, thẳng thắn, biết lắng nghe ý kiến từ các bên và nắm bắt tình hình sự việc rõ ràng, xử lý khách quan, không đòi hỏi quyền lợi cá nhân, đặc biệt phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ. Nhờ đó, hàng năm, ông tham gia hòa giải thành nhiều vụ việc.

Bên cạnh đó, ông Tiến thường xuyên đến từng nhà dân để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Đến nay, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong làng đã được xóa bỏ. Việc cưới xin, ma chay cũng không còn tổ chức rình rang, ăn nhậu nhiều ngày như trước. Tình trạng tảo hôn ngày càng giảm, đặc biệt không xảy ra hôn nhân cận huyết thống.

Ông Tiến kể: Năm 2023, 2 gia đình chuẩn bị tổ chức cưới cho con dù các cháu chưa đủ tuổi kết hôn. Sau khi nghe tin, ông đã đến tận nhà động viên, phân tích cho cha mẹ 2 bên hiểu và gặp trực tiếp các cháu để phân tích hệ lụy khi lấy vợ, lấy chồng sớm. Sau khi nghe phân tích, 2 gia đình và các cháu đã hiểu nên không tổ chức cưới nữa.

“Mỗi tháng, làng thường tổ chức họp 1 lần. Trong cuộc họp, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền cho người dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn bà con làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái. Đồng thời, nhắc nhở, phê bình những gia đình có con em vi phạm pháp luật”-ông Tiến chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Tô Thành Năm-Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho biết: Các già làng, người có uy tín là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nắm thông tin cơ sở và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Đội ngũ này có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và phát huy được vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, người có uy tín; thực hiện tốt chính sách dân tộc, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-Trưởng phòng Dân tộc huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Kê biên 40 bất động sản, tạm giữ 50 tỷ đồng trong vụ Công ty Trung Hậu 68

Kê biên 40 bất động sản, tạm giữ 50 tỷ đồng trong vụ Công ty Trung Hậu 68

Với 294 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ khai thác cát, Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 đã chỉ đạo "rửa tiền" phục vụ mục đích chi tiêu cá nhân như mua nhiều xe sang, nhà đất. Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 50 tỷ đồng, kê biên 40 bất động sản đảm bảo công tác thi hành án.