(GLO)- Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD, giảm 4,4% so với tháng trước. Dù sụt giảm trong tháng 11, nhưng tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cả nước vẫn duy trì tăng trưởng đáng ghi nhận với tổng kim ngạch gần 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,1 tỷ USD. Ảnh nguồn Báo Chính Phủ |
Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 28,28 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Hết tháng 11, kim ngạch nhập khẩu đạt 331,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2021.
Như vậy, 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 674 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu 10,7 tỷ USD. Bộ Công thương dự kiến vào giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD.
Theo VTC.vn, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung của cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã cán mốc 100 tỷ USD, dẫn đầu cả nước. Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt 43,62 tỷ USD, nhập khẩu 57,96 tỷ USD. Con số ấy vượt hơn 23 tỷ USD so với địa phương đứng thứ hai là Bắc Ninh (Bắc Ninh đạt 78,55 tỷ USD), vượt hơn 47 tỷ USD so với địa phương xếp thứ 3 là Bình Dương (Bình Dương đạt 54,4 tỷ USD)…
Ngoài 3 địa phương kể trên, các tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn từ vài tỷ đến hàng chục tỷ USD như: Thái Nguyên, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Long An…
Đánh giá về kim ngạch xuất khẩu, trao đổi với Báo Hà Nội Mới, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Thị Cẩm Trang cho rằng: Tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 được duy trì, trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn. Nhờ đó, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá. Kim ngạch xuất siêu ước đạt 10,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch tích cực. Kim ngạch nhóm hàng công nghiệp, chế biến ước đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu chung.
Tất cả các thị trường đều phục hồi so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao, như: Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%…
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được nêu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...
PHƯƠNG VI(theo Báo Chính Phủ, Hà Nội Mới, VTC.vn)