Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù tỉnh Gia Lai đã có rất nhiều chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng việc thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Trong 9 tháng năm 2019, tại Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh có 6 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16,9 tỷ đồng; giãn tiến độ thực hiện, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án, đồng thời thu hồi quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án với tổng vốn đăng ký là 342,9 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, khu kinh tế này có 27 nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư 33 dự án với tổng vốn đăng ký 406 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện 163 tỷ đồng. Trong số này có 10 dự án đã đi vào hoạt động, 10 dự án đang xây dựng và 13 dự án đang làm thủ tục thuê đất. Các dự án chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi, chế biến gỗ và hàng nội thất xuất khẩu.
Hàng thổ cẩm của người Jrai được bán ở chợ phiên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: ĐỨC THỤY
Hàng thổ cẩm của người Jrai được bán ở chợ phiên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: ĐỨC THỤY
Trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh có diện tích hơn 155,12 ha, trong đó đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất được gần 87,2 ha, chiếm 56,2% diện tích quy hoạch. Trong đó, đất quy hoạch để giao và cho thuê là 45,24 ha, hiện đã giao và cho thuê gần 38 ha (đã xây dựng và đi vào hoạt động 30,1 ha); đang giới thiệu vị trí đất cho các doanh nghiệp 3,5 ha; gần 3,9 ha còn lại đang tiếp tục kêu gọi đầu tư. Còn Khu Công nghiệp thuộc Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh có diện tích trên 210 ha, đã chuyển đổi mục đích sử dụng là 37,2 ha. Trong số này, đất quy hoạch cơ sở sản xuất là 19,3 ha, đã cho thuê 4,7 ha; đất đã cấp chủ trương đầu tư và giới thiệu vị trí đất là 4,1 ha, còn lại gần 10,6 ha đang tiếp tục kêu gọi đầu tư.
Đánh giá về công tác hỗ trợ của cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực CKQT Lệ Thanh, ông Nguyễn Trọng Điểm-đại diện Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng (Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh) cho biết: “Hệ thống kết cấu hạ tầng tại khu trung tâm Khu Kinh tế cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Cán bộ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cũng rất tích cực trong việc hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, giao đất. Doanh nghiệp chúng tôi chuyên nhập khẩu các mặt hàng nông sản như đậu nành, mì lát, hạt điều từ Campuchia về và được tạo điều kiện để làm thủ tục rất nhanh gọn”.
Bên cạnh việc quản lý và giao đất nhanh gọn, những năm gần đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đặc biệt chú trọng cải cách hành chính để góp phần xúc tiến, kêu gọi đầu tư góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. “Các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu đều được Ban Quản lý hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ từ khâu làm hồ sơ đầu tư dự án đến các thủ tục kèm theo khác, như: xin giấy phép xây dựng, giao đất, phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường. Có khó khăn, vướng mắc gì là chúng tôi giải quyết ngay để giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”-ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết.
Còn nhiều khó khăn
Tính đến ngày 15-9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại CKQT Lệ Thanh chỉ đạt 48,7 triệu USD (giảm 33,5% so với cùng kỳ năm 2018). Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là gỗ xẻ nguyên liệu, hàng nông sản, hàng bách hóa tổng hợp... Số thu ngân sách tại đây tính đến giữa tháng 9 cũng chỉ đạt 14,9 tỷ đồng (đạt gần 39% kế hoạch), nguồn thu chủ yếu là thuế giá trị gia tăng (đạt 14,59 tỷ đồng, chiếm 99,56% tổng thu ngân sách tại cửa khẩu). Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh đang gặp nhiều khó khăn.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: DUY LÊ
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: DUY LÊ
Ông Hoàng Lương Quang-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Lệ Thanh-lý giải: “Doanh thu, kim ngạch xuất nhập khẩu, nộp ngân sách tại Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh giảm mạnh do hoạt động kinh doanh chủ yếu theo mùa vụ, các chính sách xuất khẩu nước bạn có thay đổi, mặt hàng gỗ xuất nhập khẩu qua biên giới giảm, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng tới công tác thu hút đầu tư vào khu vực này”.
Công ty TNHH một thành viên Kim Bình là doanh nghiệp hoạt động tại khu vực CKQT Lệ Thanh đã khá lâu. Bà Lê Thị Bình-Giám đốc Công ty-cho rằng: “Muốn  kinh tế cửa khẩu phát triển cần có sự hiệp thương giữa 2 địa phương 2 bên cửa khẩu. Tất nhiên, sự giao thương này cũng phải đảm bảo những quyền lợi nhất định cho doanh nghiệp trong nước. Bất cứ ai lên CKQT Lệ Thanh cũng đều mong muốn mua được những sản phẩm mới lạ của nước bạn đem về”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Điểm đề xuất: “Hiện sắp vào mùa nông sản, tôi cho rằng cần có sự xúc tiến thương mại của 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Hai bên cần làm việc với nhau để doanh nghiệp có thể xuất-nhập hàng hóa với nhau. Sắt thép, vật liệu xây dựng bên mình rẻ hơn bên Campuchia nhiều, muốn xuất qua đó nhưng không biết thuế chính xác bao nhiêu. Đề nghị cơ quan chức năng 2 bên ngồi lại với nhau để bàn bạc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.
Tháo gỡ những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải là điều không phải một sớm một chiều, song các lực lượng chức năng tại khu vực CKQT Lệ Thanh cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc công khai thủ tục, chính sách về thuế để doanh nghiệp biết và có thể xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. 
“Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan như: thủ tục đầu tư, ưu đãi đầu tư, quy hoạch... lên website của đơn vị; giảm 30-70% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh; triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ban Quản lý cũng sẽ tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất công nghiệp, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; đồng thời phối hợp với UBND huyện Đức Cơ đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh, hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh để phục vụ cho công tác giao đất trong thời gian tới”-ông Phạm Văn Binh khẳng định.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

(GLO)- Maserati Levante LE350AL21 mang đậm chất thể thao, kết hợp giữa thiết kế tinh tế và công nghệ tiên tiến. Với động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành tuyệt vời, Levante LE350AL21 chắc chắn sẽ làm hài lòng những tín đồ yêu thích sự khác biệt và đẳng cấp. Xe hiện có giá khoảng 5,4 tỷ đồng.

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

(GLO)- Chiếc xe mơ ước của các tín đồ đam mê tốc độ với những cải tiến đột phá, nâng tầm hiệu suất vượt trội của hãng Honda. Từ thiết kế mạnh mẽ, Fireblade không chỉ là một chiếc xe, mà còn là biểu tượng của sự tinh tế trong ngành công nghiệp mô tô thể thao.