Không để khan hàng, sốt giá trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa đề phòng tình huống xấu xảy ra. Tuy nhiên, các đơn vị cung ứng và bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh đều khẳng định nguồn cung luôn dồi dào, giá bán không tăng.



Khác hẳn với cảnh mua bán trầm lắng mấy tuần trước, vài ngày gần đây, cửa hàng Lê Vy (112 Lê Lợi, TP. Pleiku) luôn tấp nập khách ra vào. Mặt hàng bán chạy nhất là mì tôm. Anh Nguyễn Đăng Vạn-chủ cửa hàng-cho biết: Mấy ngày nay, cửa hàng bán ra trung bình hơn 100 thùng mì tôm/ngày. Người mua ít thì 1 thùng, người nhiều 5-7 thùng. Không chỉ mì tôm, một số mặt hàng như giấy vệ sinh, nước mắm, thịt hộp, xúc xích, gạo, sữa, bánh ngọt cũng được nhiều người mua với số lượng lớn. “Khi gần hết hàng, tôi chủ động gọi nhà phân phối để lấy thêm. Nhưng do một số loại hàng chưa về kịp nên khi khách hỏi thì không có chứ hiện tại không có mặt hàng nào là khan hiếm cả. Cửa hàng tôi cam kết không bán tăng giá. Theo tôi, người dân không nên mua quá nhiều hàng để tích trữ bởi nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu lúc nào cũng dồi dào”-anh Vạn nói.

Siêu thị Co.op Mart Pleiku chuẩn bị nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu dồi dào để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: V.T
Siêu thị Co.op Mart Pleiku chuẩn bị nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu dồi dào để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: V.T



Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số cửa hàng bán lẻ và siêu thị trên địa bàn TP. Pleiku mấy ngày qua, chỉ riêng mặt hàng mì tôm là có số lượng bán ra tăng gấp 7-10 lần so ngày thường. Mì tôm nhập về đến đâu bán hết đến đó. Đại diện các cửa hàng và siêu thị cho biết, thực ra, mặt hàng mì tôm luôn đảm bảo đủ số lượng nhưng do có quá nhiều người tập trung mua nên đã xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ ở một số loại mì được ưa chuộng lâu nay như: Hảo Hảo, Ba Miền. Chính vì vậy, khi tạm hết hàng, một số người dân lầm tưởng có sự khan hiếm nên càng cố tìm mua cho bằng được.

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: Trong mấy ngày qua, doanh thu bán hàng của Siêu thị Co.op Mart Pleiku tăng gấp đôi so với trước. Riêng các mặt hàng nhu yếu phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần so với bình thường. Tuy nhiên, Siêu thị cam kết hàng hóa luôn dồi dào, không lo thiếu. “Chúng tôi đã có kế hoạch dự trữ những mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, nước mắm, dung dịch diệt khuẩn, gel rửa tay khô, giấy các loại. Chính vì vậy, người tiêu dùng không cần thiết phải dự trữ quá nhiều mà chỉ nên mua đủ số lượng dùng trong tuần. Nếu khách hàng mua quá nhiều mà không kịp sử dụng thì có thể sẽ bị hết hạn. Siêu thị cũng yêu cầu nhân viên không được bán cho những đại lý thu gom tích trữ để bán lại mà chỉ phục vụ cho người tiêu dùng với số lượng vừa phải”-bà Thy nói thêm.

 Siêu thị Co.opmart Pleiku đã chủ động tăng dự trữ hàng hoá tiêu dùng thiết yếu lên gấp nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu trong dân. Ảnh: Vũ Thảo
Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã chủ động tăng dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu lên gấp nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu trong dân. Ảnh: Vũ Thảo



Có thể thấy, trong thời điểm dịch bệnh, mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường là gạo, mì tôm, nước mắm, thực phẩm đóng hộp, giấy vệ sinh, dung dịch rửa tay khô, khẩu trang kháng khuẩn. Số lượng bán ra tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Tuy vậy, thị trường vẫn ổn định trong tầm kiểm soát, chưa xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá. Chị Phạm Thị Ánh Thủy (tổ 4, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho hay: “Chúng ta không nên đổ xô đi mua hàng hóa để tích trữ bởi vì các nơi vẫn cung cấp hàng đầy đủ. Nếu mình làm như vậy thì có thể một số người bán sẽ lợi dụng tình hình dịch bệnh để làm cho thị trường rối ren thêm”.

Ngay khi xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm đóng gói để dự trữ, ngày 11-3, Bộ Công thương đã có Chỉ thị khẩn số 06/CT-BCT về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng-chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19. Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương-cho biết: “Sở đề nghị các địa phương chỉ đạo và vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu, đề phòng dịch bệnh xảy ra trên địa bàn quản lý, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền và định hướng cho người tiêu dùng không nghe theo những tin đồn thất thiệt, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với ngành chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến trong bối cảnh dịch Covid-19”.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.