Xã Ia Chía có 10 làng (trong đó có 1 làng đặc biệt khó khăn) với 2.063 hộ và hơn 8.700 khẩu; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Những năm gần đây, Ia Chía đã từng bước “thay da đổi thịt” nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.

Làng Kom Ngó là một trong những minh chứng rõ nét cho sự đổi thay ấy. Hiện làng có 210 hộ với hơn 1.030 khẩu. Từ năm 2022 đến nay, làng được đầu tư xây dựng nhà văn hóa và các công trình phụ trợ như: sân bê tông, giếng nước, nhà vệ sinh... Đến nay, khoảng 95% tuyến đường trong làng đã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa.
Bí thư Chi bộ Phạm Văn Phúc cho biết: “Trước đây, làng toàn là đường đất, trời nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội. Khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn và có nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, góp phần mở rộng mặt đường để hoàn thiện mạng lưới giao thông.
Nhờ những kết quả nổi bật trong xây dựng hạ tầng, năm 2022, Kom Ngó là 1 trong 5 làng đầu tiên của xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025”.
Song song với phát triển hạ tầng, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát ở làng Kom Ngó cũng được chú trọng. Trong 5 tháng đầu năm 2025, làng được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 15 căn nhà (xây dựng 13 nhà, sửa chữa 2 nhà). Nhờ đó, đến thời điểm này, làng không còn nhà tạm, tỷ lệ hộ có nhà vệ sinh đạt khoảng 85%.
“Hiện nay, nhiều hộ đã chủ động vay vốn, học hỏi kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Một số hộ còn đầu tư mua máy cày nhỏ, xe máy chở hàng và sắm sửa các loại vật dụng sinh hoạt hiện đại như ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô... Cuối năm 2024, làng chỉ còn 15 hộ nghèo, giảm 6 hộ so với đầu năm”-ông Phúc thông tin thêm.
Làng Bía Ngó cũng là điểm sáng trong hành trình đổi mới. Làng có gần 300 hộ với hơn 1.200 khẩu. Nhờ đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đời sống người dân trong làng từng bước ổn định. Năm 2020, làng được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Siu Phim-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bía Ngó-cho hay: “Đường làng đã bê tông hóa 100%, có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, trường học được đầu tư khang trang. Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình cũng có sự chuyển biến tích cực. Nhiều hộ đã biết xen canh, luân canh các loại cây phù hợp như mì, bắp, cà phê; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 43 triệu đồng/năm. Đây là một con số khá ấn tượng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Chia sẻ về sự đổi thay ở vùng biên, ông Nguyễn Văn Lựu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chía-nhìn nhận: Xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều và tập quán sản xuất lạc hậu từng là những lực cản lớn của xã trong quá trình phát triển.
Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi phải đến từng nhà để tuyên truyền, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đồng thời, xã cũng xác định xây dựng NTM ở địa bàn biên giới không chỉ đơn thuần đạt các tiêu chí, mà quan trọng hơn là làm sao để người dân thực sự thay đổi tư duy, chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình. Đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM; có 7/10 làng đạt chuẩn NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất gắn với chuyển đổi tư duy kinh tế hộ và xây dựng đời sống văn hóa mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với đó, coi trọng việc đảm bảo quốc phòng-an ninh, giữ vững biên giới, ổn định và phát triển”-ông Lựu khẳng định.