Ngày hội có tổng cộng 6 gian hàng của 28 lớp từ khối lớp 6 đến lớp 9 với 31 sản phẩm tham gia trưng bày, trong đó có 1 gian hàng của Câu lạc bộ Robocon. Các gian hàng đều được trang trí công phu kèm theo khẩu hiệu, mang màu sắc riêng của từng khối lớp.
Sản phẩm tham gia trưng bày khá đa dạng và đẹp mắt, được các em học sinh tạo ra từ những vật liệu đơn giản, thân thiện với môi trường như: bìa carton, chai nhựa, giấy vụn, linh kiện điện tử cũ... Một số mô hình để lại ấn tượng cho người xem như: Thị trấn xanh, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Núi lửa phun trào, Quạt đôi, Máy tái chế chai nhựa thành sợi, Máy bắt côn trùng bằng năng lượng mặt trời... Trong đó, nổi bật nhất là mô hình tái hiện Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của học sinh lớp 6.1. Các em đã khéo léo sử dụng những vật liệu gồm: tăm tre, đũa, dây đồng để hoàn thiện sản phẩm mang ý nghĩa lịch sử và giá trị giáo dục.
Em Bùi Gia Linh (lớp 6.1) cho biết: “Nhóm chúng em gồm 6 bạn cùng nhau thực hiện mô hình Lăng Bác Hồ trong gần 1 tháng. Quá trình làm cũng gặp nhiều khó khăn nhưng chúng em không hề nản lòng. Thông qua sản phẩm này, chúng em muốn thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với vị lãnh tụ luôn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam”.

Góp mặt trong ngày hội còn có mô hình tiết kiệm năng lượng nhờ các thiết bị tự động của học sinh lớp 7.7. Sản phẩm thiết kế mô phỏng hệ thống đèn tại các tuyến đường có lưu lượng xe lưu thông lớn. Em Huỳnh Phúc Hải hào hứng chia sẻ: “Chúng em tận dụng giấy vụn, bìa carton và các vật liệu tái chế để làm mô hình tiết kiệm điện năng này. Thông qua sản phẩm, chúng em muốn lan tỏa thông điệp về việc hình thành thói quen tắt thiết bị điện khi không sử dụng, dùng điện đúng lúc, đúng cách để bảo vệ nguồn năng lượng quý giá”.
Đánh giá về mô hình của lớp, cô Nguyễn Thị Ngọc Liên-Giáo viên chủ nhiệm lớp 7.7-cho hay: “Tôi chỉ đóng vai trò định hướng, còn lại đều do các em chủ động thực hiện. Qua hoạt động này, tôi nhận thấy học sinh không chỉ phát triển kỹ năng sáng tạo mà còn học được cách hợp tác khi làm việc nhóm, kiên trì giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh”.

Kết thúc ngày hội, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất cho sản phẩm: Máy tái chế chai nhựa thành sợi của lớp 8.1 và Máy rửa tay không cần chạm của lớp 7.7; trao 4 giải nhì, 6 giải ba, 13 giải khuyến khích cùng 6 giải thưởng video truyền thông và trang trí gian hàng cho các lớp xuất sắc.
Sau khi hoàn thiện sản phẩm, các lớp tự quay video giới thiệu, trình bày tên, tác giả, quy trình thực hiện, chất liệu sử dụng và tính ứng dụng thực tế. Các video gửi về Ban tổ chức để chấm điểm và được đăng tải lên trang Facebook của Liên đội Trường THCS Trưng Vương để giáo viên và học sinh cùng tương tác, bình chọn. Song song với hoạt động trưng bày, ngày hội còn được đông đảo học sinh đón nhận bởi có thêm các tiết mục văn nghệ đặc sắc và trò chơi kiến thức thú vị.

Trao đổi với P.V, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Vân thông tin: “Nhà trường đã phát động phong trào từ đầu tháng 3 và nhận được nhiều sản phẩm tham gia. Hoạt động này đã góp phần kết nối, giao lưu và lan tỏa cảm hứng sáng tạo tới toàn thể các khối lớp. Qua từng mô hình, sản phẩm, ý tưởng được trưng bày, chúng tôi nhìn thấy được khát khao khám phá và khả năng sáng tạo của các em học sinh. Đây cũng là hoạt động tạo tiền đề để các em tự tin vươn xa hơn trong hành trình học tập và trưởng thành”.