STEM: Sân chơi công nghệ dành cho học sinh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm phát triển tư duy sáng tạo và năng lực của học sinh, mô hình giáo dục STEM đã được triển khai ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Với nhiều hình thức tổ chức, STEM đã trở thành một sân chơi khoa học bổ ích, lý thú cho học sinh.

Hai năm học vừa qua, mô hình giáo dục STEM được Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) quan tâm triển khai nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Năm học 2021-2022, đội tuyển của nhà trường đạt giải ba cuộc thi National Robotics Tournament do STEAM For Viet Nam phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 9-2022. Để có được kết quả này, mô hình giáo dục STEM đã được nhà trường đưa vào chương trình chính khóa. Mỗi tuần, học sinh được học 2 tiết STEM. Các em đam mê nghiên cứu, sáng tạo thì tham gia Câu lạc bộ STEM. Lợi thế của Câu lạc bộ là nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về kiến thức, cơ sở vật chất từ nhà trường.

Học sinh Trường THPT Chi Lăng đang lập trình robot để tham gia các cuộc thi. Ảnh: Minh Nhật

Học sinh Trường THPT Chi Lăng đang lập trình robot để tham gia các cuộc thi. Ảnh: Minh Nhật

Không khí sinh hoạt của Câu lạc bộ STEM rất sôi nổi, các em học sinh hào hứng trao đổi kiến thức về lập trình, xử lý số liệu và chế tạo những con robot. Câu lạc bộ hiện có 30 thành viên, được chia thành nhiều nhóm để tham gia lập trình, sáng tạo những robot từ đơn giản đến phức tạp, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Sau thành công tại cuộc thi National Robotics Tournament 2022, Câu lạc bộ STEM đang chuẩn bị tập luyện để tham gia cuộc thi lập trình robot Vietnam VEX National Championship dự kiến được tổ chức vào tháng 2-2023. Em Trác Đỗ Gia Hưng (lớp 10A1) chia sẻ: “Em và các bạn rất hứng thú khi được học và tham gia Câu lạc bộ STEM. Ở đây, chúng em được học cách lập trình, lắp ráp robot. Chúng em có cơ hội phát huy kiến thức môn Toán, Vật lý, Tin học, Công nghệ… để thiết kế, lắp ráp và lập trình chương trình cho robot theo yêu cầu”.

Việc tham gia các hoạt động STEM cũng giúp học sinh rèn luyện thêm những kỹ năng cần thiết như: làm việc nhóm, thuyết trình, biện luận, phản biện… Thầy Đỗ Bách Khoa-Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng-cho biết: Nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em học sinh phát huy khả năng sáng tạo, lắp ráp, lập trình robot hoạt động hiệu quả. Việc tham gia các cuộc thi ở phạm vi toàn quốc giúp các em phát huy năng lực và cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Từ khi đầu tư STEM ở trong trường học, chúng tôi thấy học sinh rất thích thú. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục phát triển mô hình giáo dục STEM, tạo sân chơi cho các em học sinh yêu thích khoa học công nghệ có thêm kỹ năng, kiến thức.

Nhằm mục đích lan tỏa mô hình giáo dục STEM trong học sinh, đầu tháng 1-2023, Trường THPT Chi Lăng phối hợp với Thành Đoàn Pleiku tổ chức Ngày hội sáng tạo khoa học trẻ STEM Day. Tham gia Ngày hội sáng tạo khoa học trẻ có 10 đội thi đến từ 10 liên đội khối THCS trên địa bàn TP. Pleiku. Trước khi diễn ra, Trường THPT Chi Lăng đã tập huấn, hướng dẫn các đội thi về: robot, cách lắp ráp mô hình, phương pháp sử dụng robot, tư duy lập trình và điều khiển robot. Robot tham gia dự thi là robot giáo dục KCBOT do Trường THPT Chi Lăng tài trợ. Từ mỗi bộ mô hình, từng nhóm theo năng lực để lắp ráp, lập trình robot hoạt động hiệu quả. Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng các em đã lập trình, tạo ra những robot thông minh.

Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) đang thảo luận để lắp ráp, lập trình robot. Ảnh: Minh Nhật

Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) đang thảo luận để lắp ráp, lập trình robot. Ảnh: Minh Nhật

Tại ngày hội, mỗi đội thi gồm 3-5 thành viên tham gia lập trình, điều khiển robot thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh để thực hiện các nhiệm vụ, khám phá các địa điểm du lịch trên sa bàn do Ban tổ chức bố trí. Không khí cuộc thi thêm phần sôi nổi ở vòng đấu loại trực tiếp giữa các đội. Kết quả, Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) đạt giải nhất tại Ngày hội sáng tạo khoa học trẻ. Em Nguyễn Đức Nhân (lớp 8/7, Trường THCS Nguyễn Huệ) chia sẻ: “Trước khi thi đấu, cả đội đã nghiên cứu, lắp ráp và lập trình robot để thực hiện các phần thi theo đề bài của Ban tổ chức. Mỗi thành viên trong đội được phân công nhiệm vụ khác nhau. Đạt giải cao nhất tại ngày hội là động lực để chúng em tiếp tục sáng tạo và nuôi dưỡng niềm đam mê công nghệ của mình”.

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-thông tin: Đây là lần đầu tiên Thành Đoàn phối hợp tổ chức ngày hội sáng tạo khoa học trẻ liên quan đến lập trình robot. Nhiều em học sinh cũng lần đầu tiên tiếp cận với việc điều khiển robot. Việc tổ chức thành công ngày hội là tiền đề để Thành Đoàn tiếp tục triển khai các sân chơi liên quan đến STEM trong thời gian tới nhằm góp phần kích thích khả năng tư duy, năng lực sáng tạo của học sinh.

STEM là mô hình giáo dục liên ngành hiện đại hướng đến việc trang bị những kiến thức, kỹ năng từ các bộ môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học. Mô hình giúp học sinh học tập chủ động và sáng tạo.


Có thể bạn quan tâm