Khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho thiếu nhi Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để học sinh thể hiện sự hiểu biết về văn hóa dân tộc, tổ chức Đoàn-Đội các cấp của tỉnh Gia Lai triển khai hoạt động vẽ tranh, trình diễn trang phục truyền thống…Các hoạt động góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Nét đẹp thiếu nhi các dân tộc” do Tỉnh Đoàn-Hội đồng Đội tỉnh tổ chức từ ngày 13-10 đến 16-11. Mỗi Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn chọn gửi về Ban tổ chức một tranh vẽ của thiếu nhi. Từ hiểu biết của mình, các em đã đưa vào tranh vẽ những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

ea86679bc34a5f96897bcd4727a168c4.jpg
Em A Nhim (ở giữa) chia sẻ về nội dung tranh vẽ với chủ đề “Nét đẹp thiếu nhi các dân tộc”. Ảnh: M.N

Lấy ý tưởng từ Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya vừa được tổ chức vào đầu tháng 11-2024, em A Nhim (lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đã thể hiện được sự quan sát tinh tế khi đưa vào bức tranh những hình ảnh ấn tượng về: núi lửa Chư Đang Ya, cây nêu truyền thống, nhà rông, chiếc gùi. Các thiếu nhi mặc bộ trang phục rực rỡ của người Jrai hòa chung niềm vui mùa lễ hội. Bức tranh còn điểm thêm những bông dã quỳ vàng ươm-đặc trưng của vùng Chư Đang Ya.

Bức tranh của A Nhim được Ban giám khảo đánh giá cao và trao giải nhì. “Em rất tự hào về cảnh đẹp của địa phương và những nét đặc trưng về văn hóa của dân tộc mình. Em sẽ nỗ lực học tập, tìm hiểu để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc”-A Nhim tâm sự.

Em Nguyễn Hoàng Linh (lớp 8.2, Trường THCS Nguyễn Khuyến, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) thể hiện năng khiếu hội họa qua tranh vẽ với chủ đề “Gắn kết thiếu nhi các dân tộc”.

Hoàng Linh sinh ra ở làng Blôm (xã Kim Tân), nơi có đông đồng bào dân tộc Jrai sinh sống. Với sự hiểu biết của mình, Linh đã đưa vào tranh vẽ hình ảnh nhà rông, nhà sàn. Bên ánh lửa, người dân mặc trang phục truyền thống đánh chiêng, nắm tay nhau biểu diễn những nhịp xoang uyển chuyển. Em Linh cho biết: “Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc trưng khác nhau. Em tìm hiểu để biết về văn hóa Jrai của các bạn cùng lớp. Ở lớp, học sinh người Kinh và người Jrai gắn kết, giúp nhau vươn lên trong học tập”.

d101383d0c3e5b0071e4f80fd5c6a659.jpg
Anh Nguyễn Chí Hiếu (bìa phải)-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh trao giải cho các thiếu nhi đạt giải nhì tại cuộc thi vẽ tranh. Ảnh: M.N

Còn rất nhiều các hình ảnh sinh động khác như: nhảy sạp-nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Bắc, di tích lịch sử văn hóa làng Ốp, lễ mừng chiến thắng… cũng được thể hiện rõ nét qua các bức tranh đầy màu sắc của thiếu nhi. 17 tranh vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau, thể hiện những góc nhìn mới của thiếu nhi về văn hóa truyền thống. Các tác phẩm dự thi được Ban Giám khảo đánh giá cao về tính thẩm mỹ và ý tưởng.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao 3 giải nhì, 3 giải ba và 11 giải khuyến khích cho các tác giả (không có giải nhất); trong đó 3 giải nhì thuộc về Huyện Đoàn: Đak Pơ, Chư Păh, Mang Yang. Anh Nguyễn Đức Quỳnh-Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Chư Păh cho hay: “Hội đồng Đội huyện đã tổ chức nhiều cuộc thi vẽ tranh nên phát hiện thí sinh có năng khiếu để lựa chọn tham gia cuộc thi vẽ tranh cấp tỉnh. Cuộc thi đã giúp các em học sinh thể hiện năng khiếu, sự sáng tạo và tình yêu với văn hóa dân tộc”.

Ngoài cuộc thi vẽ tranh, tối 16-11, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Liên hoan thiếu nhi với văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024. Tại Liên hoan, thiếu nhi đến từ các huyện, thị xã, thành phố đã tự tin biểu diễn các tiết mục hát, múa, nhạc cụ dân tộc truyền thống.

Điểm nhấn của Liên hoan là phần trình diễn trang phục dân tộc truyền thống. Thiếu nhi khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của các dân tộc: Kinh, Jrai, Bahnar, Tày, Mường... và tự tin trình diễn trên sân khấu. Nhiều phần trình diễn của thí sinh có thêm phần phụ họa hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Em Rmah H’Trang (lớp 5A4, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Chư Sê) bày tỏ: Mỗi dân tộc có một bộ trang phục truyền thống riêng với những hoa văn khác nhau. Em rất tự hào khi mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc Jrai của mình để trình diễn tại liên hoan, góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc tới mọi người”.

94bea6d11f5534ef6b8f443a99f7d9fe.jpg
Thiếu nhi tự tin trình diễn trang phục dân tộc truyền thống tại Liên hoan thiếu nhi với văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.N

Dù chỉ là hoạt động giao lưu nhưng Liên hoan đã tạo điều kiện để các thiếu nhi phát huy năng khiếu văn hóa-văn nghệ, sự tự tin khi đứng trước đám đông, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Thời gian qua, tổ chức Đoàn-Đội các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi nhằm khơi gợi tình yêu văn hóa dân tộc cho thanh thiếu nhi như: Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số TP. Pleiku do Hội LHTN Việt Nam thành phố tổ chức; Liên đội Trường THCS Lê Lợi (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) thành lập câu lạc bộ “Bảo tồn di sản văn hóa Gia Lai trong trường học”; Liên đội Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc…

Anh Nguyễn Chí Hiếu-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh thông tin: Gia Lai có đông dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống và bản sắc riêng cần được bảo tồn, phát huy. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, tổ chức Đoàn-Đội mong muốn các em có thêm kiến thức, kỹ năng để trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp từ trên ghế nhà trường. Các hoạt động cũng góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa thiếu nhi các dân tộc để cùng nhau nỗ lực học tập và rèn luyện tốt.

Có thể bạn quan tâm

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Họa sĩ Lê Hùng và tập sách ảnh vừa xuất bản. Ảnh: P.D

Họa sĩ Lê Hùng: Tìm chốn riêng sắc màu

(GLO)- Cây bàng cao lớn nghiêng tàng lá xuống ngôi nhà nhỏ (64A Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) được họa sĩ Lê Hùng chọn làm nơi đặt phòng tranh cá nhân. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây cọ, ông mới có một chốn riêng để trưng bày tác phẩm mà mình dày công sáng tác.

Gia Lai còn lưu giữ 4.576 bộ cồng chiêng

Gia Lai còn lưu giữ 4.576 bộ cồng chiêng

(GLO)- Theo kết quả kiểm kê cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh còn lưu giữ 4.576 bộ cồng chiêng và 117 chiếc chiêng lẻ. So với kết quả kiểm kê năm 2008, số lượng cồng chiêng trên địa bàn tỉnh giảm 1.079 bộ.

Công bố 10 sự kiện văn hóa 2024

Công bố 10 sự kiện văn hóa 2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024. Trong 15 đề cử do ban tổ chức công bố, chương trình "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" và nhiều chương trình nghệ thuật được nêu trong sự kiện về công nghiệp văn hóa đột phá.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.