Khai thác khoáng sản trái phép ở xã Ia Bă: Cần xử lý nghiêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lợi dụng chính quyền xã buông lỏng quản lý, một số hộ dân có rẫy tại làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) đã cho một số cá nhân thuê đất để khai thác đá bazan trụ trái phép. Điều đáng nói là chính quyền xã phát hiện vụ việc nhưng không có biện pháp xử lý và báo cáo ngành chức năng khiến dư luận hoài nghi về sự tiếp tay của địa phương.

Theo phản ánh của người dân, mới đây, chúng tôi đã đến làng Bek để tìm hiểu về khu vực khai thác đá trái phép này. Tại đây, chúng tôi phát hiện một mỏ đá khai thác dang dở với những khối đá bazan có hình trụ, đường kính 25-40 cm, chiều cao từ 0,8 m đến gần 2 m được tập kết. Ước tính, tại khu vực này vẫn còn 20-25 m3 đá chưa được vận chuyển đi. Điều đáng nói là tại đây, đối tượng đã mở một con đường rộng đủ để các phương tiện có trọng tải lớn đi vào vận chuyển và khai thác đá.

 

Khu vực khai thác đá trái phép tại làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Ảnh: V.H
Khu vực khai thác đá trái phép tại làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Ảnh: V.H

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỏ đá này nằm trên diện tích đất của ông Hoàng Văn Hạnh (trú tại thôn Thanh Hà 2, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Khi làm việc với các cơ quan chức năng huyện Ia Grai, ông Hạnh trưng ra một hợp đồng cho 2 ông Nguyễn Văn Bình (trú tại khối phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) và ông Nguyễn Văn Minh (trú tại 51 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) thuê diện tích đất này để trồng khoai lang.

Cách mỏ đá này hơn 100 m là mỏ đá nằm trên diện tích đất của ông Đỗ Công Dũng (trú tại thôn Thanh Bình, xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Tại khu vực này có khoảng 30 m3 đá bazan hình trụ đường kính 30-40 cm, chiều cao 1-2 m. Lý giải về số đá này, ông Dũng cho rằng, trong quá trình đào ao lấy nước tưới cây, ông phát hiện mỏ đá và tổ chức thu gom nhưng chưa đưa đi tiêu thụ.

Điều đáng nói là 2 khu vực khai thác đá này đã tồn tại khá lâu, trong đó mỏ đá nằm trên diện tích đất của ông Hoàng Văn Hạnh có dấu hiệu vận chuyển đi tiêu thụ vì con đường vào khu vực khai thác được mở rộng, nhiều phương tiện đi qua để lại dấu vết rất rõ. Có mặt tại khu vực này, ông Puih Hláo-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Bă đã từ chối trả lời câu hỏi của chúng tôi và đề nghị liên hệ với Chủ tịch UBND xã. Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă, cho biết: “Sự việc phát hiện lúc đó đã 28 Tết Nguyên đán 2018. Do thiếu cán bộ nên xã chỉ đến nhắc nhở và không lập biên bản”. Song khi chúng tôi hỏi vì sao xã không báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý thì ông Bổn… im lặng! Điều này cho thấy sự thờ ơ của chính quyền địa phương trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Chính vì thế, nhiều người dân ở xã Ia Bă nghi ngờ có sự tiếp tay của chính quyền địa phương cho hoạt động khai thác đá trái phép.

Sự việc chỉ được phát giác khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và huyện tổ chức đi kiểm tra thực tế một mỏ đá gây ảnh hưởng đến vườn cà phê của người dân. Sau khi phát hiện sự việc, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra và lập biên bản.

Theo ông Tu Sỹ Mởn-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, trách nhiệm quản lý ở cơ sở thuộc về UBND xã Ia Bă. Về hướng xử lý, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã mời các bên liên quan đến làm việc, củng cố hồ sơ và tính toán khối lượng khoáng sản đã khai thác. “Sau khi củng cố hồ sơ và lập biên bản vi phạm hành chính, Phòng sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật, yêu cầu các cá nhân có trách nhiệm san lấp giao trả lại hiện trạng theo đúng quy định”-ông Tu Sỹ Mởn nhấn mạnh.

Văn Nhung-Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm