Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố vào ngày 24-7

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai các bước chấm thi đảm bảo an toàn, chặt chẽ và đúng quy chế. Đến ngày 19-7, công tác này đã được hoàn tất, sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch đề ra. Dự kiến kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố vào ngày 24-7.
Chặt chẽ, đúng quy trình
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn tỉnh có 14.163 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 32 em chỉ đăng ký để xét tuyển đại học (không dự thi), 2 thí sinh không đủ điều kiện dự thi. Trong quá trình thi có 1 thí sinh F0 đề nghị đặc cách, 1 thí sinh vi phạm quy chế thi và 57 thí sinh vắng thi. Với 5 bài thi: Ngữ văn, Toán, Tổ hợp Khoa học tự nhiên, Tổ hợp Khoa học xã hội và Ngoại ngữ, Hội đồng thi đã tổ chức chấm 81.790 bài thi. Ngay khi kết thúc buổi thi cuối cùng vào chiều 8-7, Ban thư ký Hội đồng thi đã tiếp nhận bài thi, hồ sơ coi thi từ các điểm thi. Bài thi tự luận sau đó được bàn giao cho Ban làm phách, bài thi trắc nghiệm bàn giao cho Ban chấm thi trắc nghiệm để triển khai những khâu tiếp theo. 
Ngữ văn là môn thi duy nhất làm bài theo hình thức tự luận với 13.839 bài thi. Cán bộ, giáo viên được huy động chấm thi ở môn thi này là 116 người, tham gia từ khâu làm phách, chấm thi 2 vòng độc lập, chấm kiểm tra đến nhập điểm. Cô Phạm Thị Hồng Ngọc-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa), Phó Trưởng ban chấm thi tự luận, Trưởng môn chấm thi-cho hay: Ngay buổi đầu tiên (ngày 11-7), chúng tôi đã họp để phổ biến quy chế, quy trình chấm thi và thảo luận hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, tổ chức chấm chung 10 bài thi bất kỳ để thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm, đáp ứng yêu cầu chấm thi nghiêm túc, khách quan, công bằng và đảm bảo tiến độ, chất lượng chấm thi. Tiếp đó, 104 cán bộ chấm thi được chia thành 4 tổ chấm tại 4 phòng riêng biệt. Việc chấm thi đảm bảo 2 vòng độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi thuộc 2 tổ chấm khác nhau. Nếu điểm giữa 2 lần chấm lệch nhau từ 1,5 trở lên thì bài được chấm lần 3. Việc giao nhận túi bài thi được thực hiện theo đúng quy trình, có sự giám sát của Thanh tra Sở GD-ĐT và đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT. Khi chấm xong, cán bộ chấm thi bàn giao túi bài thi đã chấm và phiếu chấm cho Tổ trưởng tổ chấm thi để bàn giao cho Trưởng môn chấm thi và Ban thư ký Hội đồng thi theo quy định.
Các cán bộ chấm thi tự luận trao đổi nghiệp vụ trước giờ làm nhiệm vụ. Ảnh: Mộc Trà
Các cán bộ chấm thi tự luận trao đổi nghiệp vụ trước giờ làm nhiệm vụ. Ảnh: Mộc Trà
Vừa hoàn thành nhiệm vụ chấm thi tự luận, cô Lê Thị Hương-Tổ trưởng Tổ Ngữ văn-Lịch sử-Địa lý-Giáo dục công dân, Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Đây là năm thứ 10 tôi tham gia công tác chấm thi tự luận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước khi chấm, tôi luôn chủ động nắm chắc quy chế, quy trình nên công việc diễn ra thuận lợi, không quá áp lực. Phát huy tinh thần trách nhiệm, chúng tôi luôn cố gắng bám sát hướng dẫn, đáp án của Bộ GD-ĐT để đảm bảo chấm điểm chính xác, công bằng và khách quan nhất. Đến ngày 18-7, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chấm thi. Qua kết quả chấm sơ bộ, tôi nhận thấy, mức điểm môn Ngữ văn năm nay cao hơn so với những năm trước, điểm liệt cũng rất ít”.
Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, Hội đồng thi đã huy động 16 cán bộ, giáo viên tham gia Ban chấm thi. Tất cả 67.951 bài thi trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm do Bộ GD-ĐT cung cấp. Trước khi tiến hành tổ chức chấm vào ngày 9-7, Ban đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên; đồng thời, kiểm tra toàn bộ hệ thống chấm thi trắc nghiệm và quét thử để đảm bảo tính tương thích giữa các thiết bị và phần mềm. Việc chấm thi đảm bảo đúng quy trình 4 bước, gồm: quét ảnh bài thi, đọc ảnh, sửa lỗi và chấm điểm bài thi. 
Đảm bảo an toàn, bảo mật
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long-Phó Chủ tịch Hội đồng thi, năm nay, công tác chấm thi tiếp tục được diễn ra tại Trường THPT chuyên Hùng Vương với 2 khu vực chấm thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm tách biệt nhau. Nhân sự tham gia công tác chấm thi được lựa chọn theo quy chế thi, quy định và tình hình thực tế của địa phương.
Trước đó, Sở GD-ĐT tổ chức làm phách bài thi tự luận theo đúng quy trình làm phách 1 vòng của Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ban làm phách làm việc độc lập với các ban khác của Hội đồng thi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng thi và làm việc ở chế độ cách ly triệt để trong khu vực quy định tại trụ sở Sở GD-ĐT. Việc gieo phách được thực hiện trong khu vực cách ly dưới sự chứng kiến của cán bộ thanh tra. Trưởng ban làm phách trực tiếp thực hiện gieo phách trên phần mềm hỗ trợ chấm thi của Bộ GD-ĐT. Máy tính sử dụng trong quá trình làm phách được niêm phong ngay sau khi kết thúc quá trình thực hiện làm phách và chỉ được mở niêm phong sau khi hoàn thành công tác chấm thi.
 Tổ trưởng Tổ chấm thi tự luận quán triệt về quy chế, quy trình cho cán bộ chấm thi trước mỗi buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà
Tổ trưởng Tổ chấm thi tự luận quán triệt về quy chế, quy trình cho cán bộ chấm thi trước mỗi buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà
Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố vào ngày 24-7. Việc xét tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất vào ngày 26-7. Hiệu trưởng các trường phổ thông cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho học sinh chậm nhất ngày 30-7. Việc chấm phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 18-8. 
Ngoài ra, Sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đảm bảo tốt công tác an ninh, an toàn, bảo mật khu vực làm phách bài thi tự luận và các khu vực chấm thi theo yêu cầu của quy chế thi và hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Theo đó, khu vực chấm thi và các phòng bảo quản bài thi đều có Công an trực bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ; có hệ thống và thiết bị phòng cháy chữa cháy; hệ thống camera giám sát ghi hình 24/24 giờ cùng bộ tích điện đảm bảo hoạt động của camera khi có sự cố mất điện. Tất cả các khâu trong quá trình chấm thi đều có lực lượng Công an, cán bộ thanh tra, kiểm tra giám sát. Việc giữ chìa khóa, niêm phong, mở niêm phong phòng chấm thi trắc nghiệm và tủ đựng bài thi trắc nghiệm; phòng chấm thi tự luận, bảo quản bài thi và tủ đựng bài thi tự luận được ghi nhật ký, lập biên bản. 
Trong suốt quá trình tổ chức chấm thi, tất cả thành viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ai đem theo thiết bị thu phát thông tin, sao chép tài liệu, vật dụng cá nhân, điện thoại… vào khu vực chấm thi; luôn giữ bí mật về công tác chấm thi, không cung cấp thông tin về hoạt động của các ban chấm thi và nội dung bài làm của thí sinh ra ngoài; đồng thời, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19. 
“Quy chế thi năm nay không thay đổi nên công tác chấm thi vẫn cơ bản được triển khai như mọi năm. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 được kiểm soát đã giúp cho việc chấm thi diễn ra thuận lợi, tiến độ được đẩy nhanh hơn. Với tinh thần trách nhiệm cao, công tác chấm thi đã hoàn thành vào ngày 19-7, sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch đề ra”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin.
MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.