Kê khống hơn 1.200 mộ giả để chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng của Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi tiến hành cất bốc trót lọt các mộ giả, các bị cáo và các chủ mộ có hành vi móc nối trực tiếp hoặc gián tiếp với các bị cáo là nhóm cán bộ có chức vụ, quyền hạn và đưa tiền cho các cán bộ này để được xác nhận vào đơn với nội dung: 'Mộ đã di dời và được đưa đến chôn cất tại các địa phương'…

Ngày 25/7, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 71 bị cáo trong vụ án kê khống mộ giả để trục lợi tại phường Hương Sơ, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) với 3 tội danh, gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ kê khống mộ giả dự kiến kéo dài từ ngày 25/7 đến ngày 5/8.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ kê khống mộ giả dự kiến kéo dài từ ngày 25/7 đến ngày 5/8.

Theo cơ quan điều tra, trong 2 năm 2019 và 2020, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực TP Huế (chủ đầu tư Dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế ở phía Bắc phường Hương Sơ, TP Huế) đã ký “Hợp đồng kinh tế” theo từng khu vực với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế về việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất tái định cư để bàn giao lại cho chủ đầu tư. Trong đó, có nhiều mồ mả của người dân thuộc diện phải di dời được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ.

Sau đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế hợp đồng lại với doanh nghiệp Hiền Đức Ngọ (đóng tại phường An Tây, TP Huế) do Nguyễn Quyền làm chủ doanh nghiệp, thực hiện việc phát quang, giăng dây, khoanh vùng và cắm thẻ lên các ngôi mộ phải di dời ở khu vực Bắc Hương Sơ.

TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế phải đặt thêm màn hình bên ngoài để các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và công dân theo dõi phiên tòa.

TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế phải đặt thêm màn hình bên ngoài để các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và công dân theo dõi phiên tòa.

Lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước, các bị cáo: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Quyền (thuộc doanh nghiệp Hiền Đức Ngọ) đã móc nối, thông đồng với các hộ dân (là các bị cáo trong vụ án) có mồ mả nằm trong diện phải di dời.

Đồng thời, cấu kết với một số cán bộ, chuyên viên trong tổ công tác được phân công nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc cất bốc mồ mả trong phạm vi của dự án gồm: Nhiêu Khánh Phước Hưng, Đoàn Văn Hoài, Nguyễn Ngọc Hải Đăng, Dương Nhật Phong, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Anh Khoa, Đỗ Kỳ Tài, Huỳnh Văn Thịnh, Đặng Minh Tuấn (là cán bộ thuộc Ban quản lý đầu tư xây dựng TP Huế, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế và Đội cảnh sát Kinh tế Công an TP Huế) để nhóm cán bộ, chuyên viên này không kiểm tra và loại bỏ các mộ giả trong khi di dời mồ mả.

Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ dân này kê khai số lượng lớn mộ giả để cùng nhau chiếm đoạt tiền hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước.

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt giam đối tượng liên quan trong vụ kê khống mộ giả.

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt giam đối tượng liên quan trong vụ kê khống mộ giả.

Sau khi tiến hành cất bốc trót lọt các mộ giả, các bị cáo Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Quyền và các bị cáo là các chủ mộ tiếp tục có hành vi móc nối trực tiếp hoặc gián tiếp với các bị cáo là nhóm cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các UBND cấp phường, xã gồm: Phan Văn Quý, Phan Phước Thìn, Đặng Thành Vương, Bùi Văn Mau và đưa tiền cho các cán bộ này để được xác nhận vào tờ đơn “Đơn xin xác nhận” với nội dung “Mộ đã di dời và được đưa đến chôn cất tại các địa phương” do các bị cáo này lãnh đạo, quản lý nhưng thực tế không có mộ được đưa đến chôn cất, an táng.

Tiếp đó, các bị cáo “bắt tay” hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khai khống 1.213 ngôi mộ giả, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng tiền hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước.

Đây là vụ án có đến 71 bị cáo cùng với rất nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và được dư luận quan tâm.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/8.

Có thể bạn quan tâm