Ia Pa ưu tiên nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đạt được kết quả khả quan. Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện còn 11,16% hộ nghèo, giảm 4,1% so với đầu năm.

Tạo động lực để hộ nghèo vươn lên

Ia Broắi là 1 trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Ia Pa với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99,7%. Hàng năm, UBND xã tham mưu Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo.

Nhờ đó, đến cuối năm 2024, xã giảm 63 hộ nghèo so với đầu năm. Hiện toàn xã còn 219 hộ nghèo, chiếm 22,84% và 100 hộ cận nghèo, chiếm 10,4%.

ia-pa-uu-tien-nguon-luc-cho-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-bg.jpg
Cán bộ xã Ia Trốk tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: V.C

Vừa được hỗ trợ kinh phí làm nhà ở, bò sinh sản để phát triển chăn nuôi và bồn nước sạch để sử dụng, anh Pret (buôn Tul) vui mừng chia sẻ: Sau khi ra ở riêng, cuộc sống vợ chồng anh gặp nhiều khó khăn. Ngoài chăm sóc 3 sào mì, vợ chồng anh đi làm thuê nhưng công việc bấp bênh nên thu nhập chẳng đáng là bao.

“Được cán bộ xã hướng dẫn, vợ chồng tôi quyết định vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để xây dựng căn nhà khang trang. Tôi cũng làm chuồng trại chăn nuôi bò cách xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ nay, vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc bò thật tốt để sớm sinh bê con nhằm phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững”-anh Pret bộc bạch.

Năm 2024, gia đình anh Nay Súy (buôn Tul) vươn lên thoát nghèo nhờ được xã hỗ trợ 2 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Anh phấn khởi nói: “Sau khi được hỗ trợ bò, cán bộ xã hướng dẫn tôi trồng cỏ và tích trữ rơm khô để chủ động nguồn thức ăn giúp bò nhanh lớn. Đây là động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo. Cảm ơn các cấp, các ngành đã quan tâm giúp đỡ gia đình tôi”.

Theo ông Nay Manh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tul: Từ năm 2022 đến nay, buôn được hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà và 20 con bò sinh sản. Từ chỗ cho không, các chương trình hỗ trợ tiến tới yêu cầu người dân có vốn đối ứng. Cách làm này xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước để chủ động vươn lên, đăng ký thoát nghèo. Hiện buôn còn 37 hộ nghèo, chiếm 20,4% và 26 hộ cận nghèo, chiếm 14,3%.

Tại buôn Tông Sê (xã Ia Trốk), bộ mặt nông thôn đang ngày càng thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Ông Rcom Chem-Phó Trưởng thôn-cho hay: Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, 3 năm qua, buôn có 2 hộ được hỗ trợ nhà ở, 11 hộ được hỗ trợ bò sinh sản và 10 hộ được hỗ trợ bồn chứa nước sạch. Ban Nhân dân thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ.

“Thông qua các buổi họp, tôi thường xuyên giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế để bà con học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào điều kiện của gia đình mình. Theo kết quả rà soát, buôn còn 19 hộ nghèo, giảm 15 hộ so với đầu năm, không còn tình trạng tái nghèo”-ông Chem thông tin thêm.

Vui mừng khi gia đình mình đã thoát nghèo, anh Rô Hoàng (buôn Tông Sê) cho biết: “Được cán bộ phân tích, tôi hiểu nếu không tự lực vươn lên thì mãi không thể thoát nghèo. Để xây dựng được căn nhà khang trang như hiện tại, ngoài 44 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đối ứng thêm 70 triệu đồng.

Tôi cũng học hỏi trồng 2 sào thuốc lá trong vụ Đông Xuân này. Hy vọng thời tiết thuận lợi, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, giúp gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

Ông Rcom Dzuy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Trốk-cho hay: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn trước và đặt ra các tiêu chí rất cụ thể. Vì vậy, ngoài tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách về giảm nghèo thì việc hỗ trợ phương tiện sản xuất, tài chính giúp người dân vươn lên thoát nghèo được xã đặc biệt chú trọng.

Trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp rà soát các tiêu chí thiếu hụt để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Những ai có sức lao động thì đề xuất hỗ trợ cây-con giống. Hộ già yếu, bệnh tật, neo đơn thì hỗ trợ, cấp phát chế độ đúng quy định.

2vuchi.jpg
Nhờ học tập những mô hình hay trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân buôn Tông Sê (xã Ia Trốk) ngày càng khấm khá. Ảnh: V.C

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, từ năm 2022 đến nay, xã Ia Trốk cấp phát 124 con bò sinh sản, 18 bồn nước, hỗ trợ xây dựng 13 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả đã giảm 110 hộ nghèo, đạt 103,77% so với chỉ tiêu đề ra.

“Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, xã tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giảm nghèo. Trong đó, chú trọng phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với già làng, trưởng thôn, người có uy tín nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tổ chức lại sản xuất, chi tiêu hợp lý để tiết kiệm vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống”-ông Dzuy thông tin.

Ông Võ Xuân Tiến-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-nhận định: Theo rà soát, nguyên nhân nghèo chủ yếu là hộ gia đình không có đất sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn. Về mặt thiếu hụt các dịch vụ xã hội, các hộ nghèo rơi vào các tiêu chí: trình độ giáo dục của người lớn, diện tích nhà ở bình quân đầu người và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Vì vậy, ngoài nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện chú trọng huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo. Riêng năm 2024, huyện đã vận động hỗ trợ 25 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ 2.188 hộ vay vốn ưu đãi trên 83 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, miễn giảm học phí cho học sinh; tổ chức 8 lớp học nghề…

Nhờ vậy, năm 2024, huyện Ia Pa đã giảm được 4,1% hộ nghèo so với năm 2023, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Ngoài ra, 8/9 xã đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo huyện giao. Đây là kết quả đáng mừng của huyện sau 2 năm liên tiếp không đạt chỉ tiêu giảm nghèo tỉnh giao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ksor Suy: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, huyện đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu giảm nghèo và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Trong quá trình triển khai, định kỳ tổ chức họp để tháo gỡ khó khăn, giới thiệu những kinh nghiệm tốt, nhân tố mới, mô hình hay từ thực tiễn để nhân rộng ra toàn huyện.

Phối hợp với ngân hàng giải ngân vốn vay kịp thời để hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, mở lớp tập huấn, dạy nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng của người học để giúp người nghèo thay đổi cách làm, đổi mới tư duy trong lao động sản xuất.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong công tác giảm nghèo. Huy động, kêu gọi sự chung tay, giúp sức từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp “Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền khơi dậy ý chí tự lực, chủ động vươn lên của hộ nghèo; hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên trong năm 2025”-Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Dịp Giáng sinh năm nay, nhiều phụ huynh tranh thủ dắt con cháu đến các nhà thờ trên địa bàn thành phố để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm”. Ảnh: Lạc Hà

Người dân Gia Lai nô nức đón Giáng sinh

(GLO)- Tối 24-12, người dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai xúng xính trong áo ấm, khăn choàng, nô nức xuống đường tận hưởng không khí Giáng sinh. Đêm Noel, các nhà thờ, xóm đạo trở nên lung linh hơn trong ánh điện, rộn rã với nhiều hoạt động mừng Chúa giáng trần.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Gia Lai đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Gia Lai đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

(GLO)- Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 19 đến 22-12, tại Sân bay Gia Lâm, TP. Hà Nội. Sự kiện là dấu ấn đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Gia Lai: Ủy quyền giải quyết TTHC và một số nhiệm vụ quản lý thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Gia Lai: Ủy quyền giải quyết TTHC và một số nhiệm vụ quản lý thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch vừa ký Quyết định số 591/QĐ-UBND, ủy quyền cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn tỉnh.